Thông báo

Icon
Error

Tùy chọn
Xem bài viết cuối Go to first unread
ThanhHung  
#1 Đã gửi : 31/05/2014 lúc 07:29:34(UTC)
ThanhHung

Danh hiệu: Advanced Member

Nhóm: Registered
Gia nhập: 08-06-2014(UTC)
Bài viết: 3

Cảm ơn: 2 lần
Được cảm ơn: 3210 lần trong 450 bài viết
THIỀN QUÁN MẬT CHÚ CHUẨN ĐỀ QUA BÁT NHÃ TÂM KINH



LỜI NÓI ĐẦU




Trên bước đường tu học, thân là cư sĩ mang bên mình hạnh cầu độ sinh. Với bản nguyện thệ độ tất cả chúng sanh. Còn chúng sanh đau khổ cũng không vào niết bàn, nguyện trầm luân trôi sanh trong vòng sanh tử để độ sanh, nguyện lấy sanh, lão, bệnh, tử làm sự an lạc. Với bản nguyện như trên rất khế hợp với Bát nhã Tâm kinh. Cho nên, hôm nay Tâm mật lấy Bát Nhã Tâm Kinh Mật chú Chuẩn Đề là phương tiện cứu cánh để khế hợp Hiển Mật viên thông hầu đem lại sự an lạc, hạnh phúc. Để từng bước thực hiện pháp tu Hiển mật Viên thông, từng bước đem lại sự an lạc. Hôm nay, với tài hèn sức mọn thực hiện hoài bảo của Chư Phật, Tổ. Con kính mong mười phương Chư Phật, Chư Bố tát, Chư vị thánh chúng, Tổ Thầy ba đời chứng minh cho lòng thành, giúp thần lực trợ duyên cho con. Trong thời gian thực thi hoài bão, bi nguyện có điều chi sơ xuất con cung thỉnh, kính tin sự chỉ dạy của quí vị tôn túc, tăng ni, tiền nhân trí huệ từ bi, hỉ xả bỏ qua, giúp đỡ con trên bước đường bi nguyện.

Nam mô thập phương thế giới chư phật.
Nam mô thập phương thế giới chư vị Bố tát.
Nam mô thập phương thế giới Chư vị thanh văn, duyên giác, hiền thánh tăng.
Nam mô bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật.
Nam mô Thất câu chi Phật Mẫu Chuẩn đề.

Mùa xuân nhâm thìn 2012,

Cư sĩ Thanh Hùng
Bồ tát giới Chánh Trí.



Nhân dịp Tâm Mật tròn 1 năm tuổi (15 – 10 âm lịch)

Đã gọi là Tâm Mật mà cũng có sinh Nhật. Vì nó đã hằng sâu thẳm trong tâm của con người, vạn vật cùng vạn pháp. Sâu thẳm như vậy thì hôm nay lấy cái gì để cúng dường, mừng sinh nhật đây?

Để thể hiện được sự sâu thẳm, huyền diệu của Tâm mật. Hôm nay tôi xin dâng cúng, cúng dường Chư Phật mười phương ba đời, cúng dường tam bảo. Món quà đó rất tầm thường, đơn sơ không tiền, không bạc, không người, không ta, không pháp, không tướng. Đó là món quà “Thiền quán Mật chú Chuẩn Đề qua Bát Nhã Tâm Kinh”.


Trước nhất, xin nhất tâm cúng dường chư Phật cùng Tam bảo, sau xin Phật lực từ bi gia hộ, ban thần lực trao tặng cho từng thành viên Diễn đàn, trao tặng cho những ai có tấm lòng từ bi Đạo pháp coi đây là món quà tâm đạo mừng “Sinh nhật Tâm Mật”.

Trân trọng kính chúc Thành viên Diễn đàn Tâm mật tâm thể khinh an, pháp hải huân tập, kiết tường vô lượng, thắng đạt an lành, hạnh phúc.Từ đây trở về sau, Ma ha Bát nhã Tâm kinh sẽ hòa hợp với Mật chú Chuẩn đề, sẽ có mặt trong từng ý niệm, niệm tưởng có trong từng thành viên của Diễn đàn Tâm Mật.

Qua một tuổi, viên ngọc Tâm Mật trên vạt áo của mọi người sẽ phát khởi, sáng lên ánh sáng vô tận đăng sẽ muôn thưở sáng tỏa.

Nam mô Tát Đa Nẫm Tam Miệu Tam Bồ Đà Cu Chi Nẫm, Đát Điệt Tha: “Úm chiết lệ chủ lệ chuẩn đề ta bà ha. Bộ lâm” ( Bộ Mật Tông – Dịch giả Thích Viên Đức , trang 163).


THIỀN QUÁN MẬT CHÚ CHUẨN ĐỀ QUA KINH BÁT NHÃ - PHẦN 1


Trong Giáo lý của Đức Phật rất cao rộng vi diệu, có rất nhiều bộ kinh. Mỗi tầng lớp chúng sinh sẽ có những giáo pháp phù hợp để độ thoát, từ thấp cho đến cao. Chúng ta phân định trên mặt hữu hình, phân biệt thì thấy như vậy nhưng thực tế chỉ riêng có một “Phật Thừa” mà thôi. Phật thừa ấy bàn bạc trong vạn sự, vạn vật. đó là thể tánh mầu nhiệm của chúng sinh, và ai ai cũng có “Tánh” đó cả.

Phật tánh ấy có sẵn trong mỗi chúng sinh. Nhưng vì chúng sinh cứ mãi lặn hụp, trôi lăn trong vòng sanh tử. Mãi sống trong giấc mộng “Vọng tưởng”. Đức Phật vì lòng từ bi đã nói, giảng giải rất nhiều giáo pháp, tạm mượn nhiều dahh tự, hình tướng để nói lên Phật tánh ấy. Nói rằng: “Chúng sanh đã có sẵn Phật tánh” và Ngài cũng đã nói rằng: “Ta là Phật đã thành, chúng sanh là Phật sẽ thành”. Ngài nói rất nhiều, từng tiếng nói của Ngài phát từ trong Phật Tâm ấy. Tiếng nói ấy nó âm ba vang rộng, lan tỏa trong vạn sự, vạn vật, vạn pháp. Và tiếng nói đó đã kết tập thể hiện thành Bộ Kinh “Bát Nhã ba La Mật”. Một bộ kinh nói trong sự sâu thẳm, thâm diệu của tâm, kích thích nội tâm ấy để tỏa sáng năng lực của nó cho mọi chúng sanh, mọi loài phát khởi “Tâm Kinh”. Đã gọi là Tâm kinh, chính danh từ này cũng tạm gọi thôi. Vì trong tâm không có bất cứ một cái gì trong đó, luôn cả không cũng không có, cũng đều không. Khi chúng sanh phát khởi Tâm kinh thì mọi sự, mọi vật, mọi pháp luôn cả chúng sanh ấy đều cũng sụp xuống tan biến. Nó đã tan biến đi như vậy! Thì cái gì ở đây? Một câu hỏi rất tầm thường, đơn giản nhưng khó trả lời. Nhưng chúng ta hãy nhẫn nhịn, an tâm định tĩnh để cho Ngài Quán tự tại Bồ tát trả lời!

Ngài Quán Tự Tại không trả lời mà Ngài quán soi vào để chỉ cho ta. Ngài quán soi nhưng thật tế nghĩa không quán soi gì cả. Vì ngay tức khắc đó, Ngài cũng đã tan biến mất. Và cả thế giới này, vũ trụ này, cả những thành sấu, núi sông, căn thân thế giớ đều sụp xuống, tan biến đâu mất. Cùng lúc ấy: "Quán tự tại Bồ tát hành thâm Bát Nhã Ba La Mật đa thời, chiếu kiến ngũ uẩn giai không, độ nhất thiết khổ ách"

Ta đã thấy Ngài chưa? Ta đã thấy Ngài qua thân tướng của Bát nhã (Trí huệ) Ba la Mật (Rộng lớn). Thật là vi diệu! Ngài có muôn hình, muôn vẻ, muôn màu, muôn sự kiện, Ngài có khắp ở mọi nơi Quá khứ, hiện tại, vị lai. Vì Ngài ở khắp mọi nơi trong ba thời nên Ngài có một năng lực vô biên “Hành thâm bát nhã ba la mật”. Và Ngài có đã có trong vạn sự, vạn vật, vạn pháp. Ngài cũng là Bát Nhã Ba la Mật. Từ chỗ đó, nên Ngài quán soi sự vật, quán soi “Chiếu kiến, ngũ uẩn, giai không”.

Ngũ uẩn là cái gì mà giai không? Ngũ uẩn là năm cái chứa nhóm: Sắc uẩn (sự chứa nhóm của Sắc), Thọ uẩn (sự chứa nhóm của Cảm thọ), Tưởng Uẩn (sự chứa nhóm của Tưởng), Hành uẩn (sự chứa nhóm của các niệm sanh diệt), thức uẩn (sự chứa nhóm của sự phân biệt).

Sắc uẩn: Màu sắc, tướng âm thanh hư không. Ở đây, ta nên quán soi lại thân ta. Thân ta do tứ đại “Đất, nước, gió, lửa”. Những thứ cứng chắc, tóc răng, xương là đất. Nước là những chất lỏng máu, đờm, nước dãi, mồ hôi. Gió là hơi thở động chuyển trong cơ thể. Lửa là hơi ấm, nóng trong cơ thể. Như vậy, ta hãy nhìn lại xem. Thân này là do sự duyên hợp của Tứ đại, bốn thứ kia hợp lại mà thành. Do duyên hợp mà thành. Trùng trùng duyên khởi. Đất thì cũng do nhiều nguyên tố, phân tử, nguyên tử chất. Rồi những nguyên tố, nguyên tử kia cũng do nhiều chất hình thành.. Một chuổi duyên hợp trùng trùng lên nhau. Đất như vậy thì Thủy, hỏa, phong cũng vậy. Thật là duyên hợp. Thân ta mất một thứ như vậy thì tan rã. Từ sự duyên hợp trên cho nên Đức Phật bảo rằng thân ta không có thực thể, không tướng là vậy! Nó không có thực thể, chỉ tạm giả hợp thôi. Cho nên, Ngài quán soi Ngũ uẩn, sắc uẩn, giai không là vậy. Cái không ở đây là không có thực thể, chắc chắn nhất định.

Khi đã nhìn thấy cái không tướng trong sắc rồi. Tiếp Quán soi “Thọ uẩn”. Thọ uẩn là những cảm giác, cảm xúc khi Nhãn căn (Hay các căn khác) tiếp xúc với Trần rồi sanh ra phân biệt tốt hoặc xấu. Từ đó, ý căn chấp ngã có ta, có người rồi duyên theo cái tốt đẹp, xấu, danh sắc mà thọ cảm, chứa nhóm lại tạo thành chủng nghiệp. Như vậy, thọ uẩn cũng là do duyên hợp, do căn tiếp với Trần sanh ra phân biệt, ý thức. Và trong một chuỗi Thọ cảm thì nó cũng trùng trùng duyên khởi. Trong cái vui, buồn, không khổ, không vuio, nóng lạnh đó nó cũng duyên hợp vô số sự kiện nhỏ, vi tế kết hợp với nhau tạo thành “Thọ uẩn”. Sự chứa nhóm của Thọ quán soi về Tưởng uẩn sẽ thấy Tưởng là sự tưởng tượng, xoay lại. sự xoay lại tưởng nhớ phóng ra những cảnh giới, những ý niệm đã qua (quá khứ). Và tưởng đến những cảnh giới, sự kiện, ý niệm sắp tới. Rồi cũng có sự tưởng tượng lầm chấp của hiện tại. Tưởng tượng không thật thể. Như khi chúng ta thấy một sợi dây trên đường vì mờ mờ tối hay vì hoa mắt hay do sự tham, giận, si mê mà khiến ta nhìn thấy sợi dây ấy là một con rắn rồi sinh ra sợ sệt. Rồi từ đó tính toán suy nghĩ muôn điều trùng trùng duyên khởi. Qua chi tiết đó, Tưởng uẩn, sự chứa nhóm của Tưởng tượng xoay lại củng do quá khứ, vị lai, hiện tại mà duyên hợp lại với nhau. Cho nên, không có thực thể. Bồ tát Ngài đã quán soi thấy thực thể của nó không nhất định do sự giả hợp (Vì theo Duyên nó sẽ tan ra nên gọi là Giả hợp). Tướng của nó là không nhất định nên Ngài quán soi “Tướng Uẩn giai không”.

Tướng Uẩn rồi lại đến “Hành Uẩn”. Nó là sự hoạt động của nội tâm thức. Do sự suy tư, tính toán, phân biệt thế này, thế kia, niệm niệm sinh diệt không dừng. Tâm thức chủng loại hết niệm này đến niệm kia sinh rồi lại diệt nối tiếp nhau trùng trùng duyên khởi.

Khi chúng ta đi chợ, ta luôn tính trong đầu phải mua cải, gạo, dầu lửa v.v.v…. Mỗi sự kiện nói về sự đi chợ, rồi liên quan đền bữa ăn …Quán soi vào sâu nữa ta thấy sự sinh diệt rất kinh khủng. Một chuỗi Duyên hợp thành ra “Hành uẩn”, chứa nhóm sinh diệt nội tâm. Do đó, Hành uẩn cũng do duyên hợp, không thật thể, không có tướng nhất định cho nên “Giai không”.

Ngũ uẩn “Sắc Uẩn, Thọ Uẩn, Tưởng Uẩn, Hành Uẩn” đều giai không cho đến “Thức Uẩn”, sự chứa nhóm của phân biệt, hiểu biết. Khi căn tiếp xúc với Trần, rồi đến Thức. Thức phân biệt ra để hiểu biết. Khi mắt nhìn thấy một cánh hoa thì ngay khi đó, Thức sẽ khởi ra phân biệt hoa tốt, hoa xấu, ở đâu để hiểu biết. Từ sự hiểu biết, phân biệt đó, Ý căn, ngã chấp thể hiện lên và duyên theo “Tàng thức”, Thức thứ 8 tàng giữ những chủng tử. Để từ đó, chấp ngã tạo nghiệp, tranh đấu, bảo vệ, chối bỏ, không nắm, không giữ, vô ký sanh ra trùng trùng duyên khởi. Thức uẩn do những duyên hợp lại Căn, Trần, Thức mà thành. Thì “Thức Uẩn” cũng không có thật tướng nhất định, cũng chĩ giả hợp mà thôi.

Đến đây, Bồ tát Quán Tự Tại Hành Thâm Bát Nhã Ba la Mật quán soi Chiếu Kiến Ngũ uẩn giai không!

Qua những chi tiết trên, ta sẽ thấy thật thể của trí Bát nhã ba la mật, một trí huệ lớn lao vô biên không gì ngăn ngại nó cả. Nó không có một vật nào cả. Nếu còn một vật nào dính mắc nó sẽ dính ngay chỗ đó thì nó không thể hiện được sự rộng lớn, thoải mái, tự tại. Trong tâm thức ta, mọi sự, mọi ý niệm cứ tuôn chảy. Ta không dính một vật gì trong đó thì ta sẽ biết tất cả những sự vật, những ý niệm trãi qua trong tâm thức, trong Vũ trụ. Từ đó, ta sẽ sở hữu được Vũ trụ. Vì Vũ trụ, tâm thức, các cảnh, các duyên, những ý niệm ta không chấp, không bỏ thì nó chính là ta, ta là nó “Sắc tức thị không, không tức thị sắc”.

Ở ngay đây, ngay cái tư tưởng đó, người hành giả Mật tông, Mật chú Chuẩn đề, họ sẽ thể hiện tu trì qua kinh Bát Nhã. Thần Chú Chuẩn đề “Úm chiết lệ, chủ lệ, chuẩn đề, ta bà ha. Bộ lâm” sẽ thể nhập thành Bát nhã Ba la Mật. Một Thần chú trí huệ, trong sáng rộng lớn. Đó là một vấn đề. Vấn đề rất quan trọng, cao siêu nhưng rất tầm thường, bàn bạc trong sự sống của con người. Vì sao? Vì mỗi cá nhân con người ai ai cũng có Phật tánh cả. Người hành giả tu Mật chú Chuẩn đề hàng ngày họ bỏ tất cả những duyên xunh quanh họ. Họ chỉ biết trì niệm “Úm chiết lệ, chủ lệ, chuẩn đề, ta bà ha. Bộ lâm” thôi. Ngoài ra, không có một pháp nào khác nữa. Dần dần, thời gian tu sẽ làm cho từ trong nội tâm thức ấy huân tập, phát khởi ra Thần chú Chuẩn đề. Lúc đó, người hành giả họ không niệm ra tiếng hay không dùng cái khẩu, cái miệng ấy niệm nữa. Mà từ trong nội thức đó nó vang lên, vang lên “Úm chiết lệ, chủ lệ, chuẩn đề, ta bà ha. Bộ lâm”. Thật rõ ràng mầu nhiệm, ta không nghe tiếng niệm nữa nhưng nội trí ta biết niệm khởi ấy là Thần chú Chuẩn đề, đủ 9 chữ, đủ âm thanh của nó. Khi người hành giả tu tập, huân tập nội thức trì niệm như vậy, được như vậy rồi thì họ ở bất kỳ nơi đâu trong rừng núi, sông nước, thành thị, ồn ào, tĩnh mịch thì nội thức ấy vẫn vang lên. Và lúc đó, từng ý niệm của hành giả khi bộc khởi từ trong tàng thức vang lên do căn, trần, thức kết hợp vang lên. Thì trong từng ý niệm khởi đó, người hành giả thấy nghe vang lên “Úm chiết lệ, chủ lệ, chuẩn đề, ta bà ha. Bộ lâm” Nó đang hiện hữu trong niệm khởi đó. Như vậy, nội niệm - nội thức niệm, nội quán - nội quán soi trong tâm ta nó cùng với sắc, thọ, tưởng, hành, thức đều là một. Thì ở đâu là Sắc, đâu là Tâm, đâu là Ta là người. Lúc đó một loạt câu hỏi sẽ hỏi như vậy thì ta quán soi lại. Không có ai niệm cả, không có sắc nào ở đó cả, không có âm thanh nào cả, âm thanh Thần chú Chuẩn đề cũng trở thành cái biết. Lúc đó, chỉ biết cái đó chính là Chín chữ âm thanh Thần chú đó thôi.

Khi mọi vấn đề thọ cảm xúc, nóng lạnh, ái luyến, buồn vui, khổ sở ở cuộc đời này nó cũng hình thành cái biết tinh tế, vi tế Thần chú Chuẩn đề mà thôi. Ở đây thật vi diệu, mọi vấn đề vẫn tiến triển như trong nguồn Xã hội nhưng người hành giả không bị dính mắc vào trong nguồn đó. Do không dính mắc vào khổ vui, thiện ác, không mang nặng những sự kiện tâm thức, hữu vi. Cho nên, người hành giả sống trong Xã hội thật lạc quan, an lạc, hạnh phúc. Mọi người tu như vậy, thấy không tu nhưng tu xã hội sẽ an lành.

Người hành giả huân tập tu hành như trên thì mỗi chiếc lá rơi, tiếng còi xe, chim hót, mọi tiếng động, mọi cảm xúc, ý niệm cùng thọ cảm đều mang ý niệm “Úm chiệt lệ, chủ lệ, chuẩn đề, ta bà ha. Bộ lâm”. Qua đó, Thần chú Chuẩn đề cùng Sắc, thọ, tưởng, hành, thức không khác, không hai. Người hành giả tu trì, huân tập như thế thì một lúc sẽ liễu ngộ, ở đâu cũng có Thần chú Chuẩn đề, ở đâu cũng có ấn pháp trở thành một đại pháp – Đại không thủ ấn, đại không thủ pháp hoàn toàn vô ngã “Ưng vô sở trụ, nhi sanh kỳ tâm”. Trong cái không đó, thể hiện “Úm chiết lệ, chủ lệ, chuẩn đề, ta bà ha. Bộ lâm” là diệu hữu. Không trụ ở đâu, không dính mắc một cái gì thì lúc đó bản tâm liễu hiện. Khi đó bản tâm, bản tánh có sẵn từ vô thủy, vô chung đến nay hành hỉa thể nhập, liễu nhập vào. Thì khi đó, người hành giả không niệm mà Thần chú vẫn thể hiện. Và cái gì cũng là Thần chú, chơn ngôn cả. Gọi chơn ngôn vì không có âm thanh cùng ý thức ở đó. Nhưng vẫn thể hiện được Thần chú, tức là “Sắc tức thị không, không tức thị sắc”, rồi đến Thọ, tưởng, hành, thức cũng đều không!


Cư Sĩ Thanh Hùng
Pháp Hiệu Chánh Trí

Sửa bởi quản trị viên 26/06/2014 lúc 10:26:34(UTC)  | Lý do: Chưa rõ


Cư sĩ Thanh Hùng
Pháp hiệu: Thích Chánh Trí
thanks 3 người cảm ơn ThanhHung cho bài viết.
cuiyang07 trên 26-06-2014(UTC) ngày, Phuc An trên 22-06-2020(UTC) ngày, lientrung trên 05-04-2021(UTC) ngày
ThanhHung  
#2 Đã gửi : 31/05/2014 lúc 07:29:34(UTC)
ThanhHung

Danh hiệu: Advanced Member

Nhóm: Registered
Gia nhập: 08-06-2014(UTC)
Bài viết: 3

Cảm ơn: 2 lần
Được cảm ơn: 3210 lần trong 450 bài viết
THIỀN QUÁN MẬT CHÚ CHUẨN ĐỀ QUA BÁT NHÃ TÂM KINH - PHẦN 2





Ở phần một ta thấy Đức Quán Tự tại Bồ tát quán soi “Năm uẩn” đều không. Trí huệ “Bát nhã” đã soi thấu tướng của năm uẩn đều không, không có thật tướng luôn do duyên hợp cả.

Chữ không ở đây là do vạn sự, vạn vật, do duyên hợp cả. Do nhiều thứ, nhiều chi tiết, nhiều sự vật duyên hợp (Tu hợp với nhau mà thành hình). Một chiếc bình do công thợ, đất, nước, gió, lửa, trí thức của con người tu hợp lại, duyên hợp lại mà thành. Nhưng thật tế, chiếc bình kia không có thật thể của nó nên gọi là “Không”. Vào phần hai này, sẽ thấy không với sắc không khác luôn cả Thọ, tưởng, hành, thức cũng không khác không.

“Xá lợi Tử! Sắc bất dị không, không bất dị sắc, Sắc tức thị không, không tức thị sắc. Thọ, tưởng, hành, thức, diệc phục như thị” – “Xá lợi Tử! Sắc chẳng khác không, không chẳng khác sắc. Sắc tức là không, không tức là sắc. Thọ, tưởng, hành, thức cũng lại như thế”.

Như đoạn phần trên, ta đã nhìn thấy tất cả sự vật, vạn vật đều do duyên hợp cả. Nó không có thật tướng, giả hợp, duyên hợp. Khi thấy như vậy rồi ta sẽ bớt đi sự khổ. Vì khổ và vui cũng do duyên hợp mà có cả. Cái vui cũng do căn tiếp với Trần, tiếp với Thức. Rồi phân biệt những sự, pháp nào thọ cảm thấy tốt., thấy đẹp thì chấp giữ vào đó vui vẻ. Đó là một chuỗi duyên hợp những sự kiện chi tiết. Khi căn mắt nhìn thấy cánh hoa, đóa hoa (Là Trần) khởi phân biệt tốt xấu (Thức). Rồi sanh ra khổ, vui. Thuận được là vui, nghịch lại là buồn. Và sự vui trên, nó cũng do so sánh với sự buồn mà có cả. Nếu không có những giọt nước mắt, những cơn đau nhói tim, khóc la thì nó sẽ không sanh ra những nụ cười, những cảm xúc khoái lạc. Nhưng khi chúng ta đã tạo thành những cảnh vui, cảm xúc khoái lạc thì ngay lúc đó nó là nhân cho sự khổ. Bởi vì, nếu không có những nụ cười, những cảm xúc khoái lạc thì không bao giờ có những giọt nước mắt cùng cảm xúc đau khổ la hét. Khi cái vui đến, nó đã mang sẵn những giọt nước mắt buồn ở bên trong Pháp vui đó rồi. Như vậy, rồi nó trùng trùng duyên khởi, duyên hợp, cảnh sanh tử luân hồi tiếp no61iu không bao giờ dứt. Nhưng ở đây, cũng những cảnh bi ai, vui lạc đó, Bồ tát đã quán soi nhìn thấy nó chỉ là những cảnh, những cảm xúc, các pháp khổ vui chỉ do duyên hợp lại thôi. Lúc đó, cũng không thấy ai thọ khổ, vui cả.

“Sắc tức thị không, không tức thị sắc”. “Sắc tức thị không” là tại vì các duyên không thật thể, không thật tướng. Ví như cái đồng hồ, khi chúng ta tháo nó ra từng bộ phận một thì cái đồng hồ không còn là đồng hồ nữa. Nhưng cũng trong cái không kia ráp lại (Cho các duyên tu hợp lại) thì thành cái đồng hồ tức “Không tức thị sắc”, không tức là sắc là vậy đó. Chiếu kiến (thấy) như thế đó là thấy thật tướng biết các pháp duyên hợp lại tạm bợ, hư dối. Đó là thấy với nghĩa Trung đạo, vô chấp. Trung đạo là thật.

Hôm nay, chúng ta tu theo Phật Đạo tức là từ Trí huệ của Phật thắp sáng trí huệ của mình. Khi trong ta có trí huệ Phật rồi thì muôn khổ trên kia sẽ không còn khổ nữa, thấy đúng lẻ thật. Như vậy, thì ta không tham luyến. Thí dụ, khi thấy một chiếc bình hoa là do duyên hợp giả có, hay bất kỳ vật gì dù cho đẹp đẽ thế nào đi nữa cũng chỉ là do sự duyên hợp mà thôi. Khi biết như vậy rồi, dù có ai cắp lấy nó hay bẻ đổ nó, mất hoại ta cũng không buồn. Vì cái buồn cũng do duyên hợp, giả có luôn. Khi biết như vậy, ta sẽ không khổ. Duyên thì hợp, hết duyên thì tan. Còn nếu chúng ta không biết như vậy thì khi bị đánh cắp, mất, tan, hoại ta sẽ rất khổ, đau buồn. Từ đó sân hận sẽ thể hiện lên, rồi trợ duyên sanh ra các tội lỗi, chúng ta phải chuyên tu thật tướng như trên, quán soi như trên.

Kinh Kim cang nói “Phàm hữu tướng giai như thị hư vọng. Nhược kiến chư tướng phi tướng tức kiến như lai” nghĩa là “Phàm những gì có tướng đều là hư vọng. Nếu thấy các tướng chẳng phải tướng tức thấy Như lai”.

Tại sao vậy? Vì các tướng duyên hợp giả có không thật. Chúng ta không chấp vào đó, nhìn thấy chơn thật như vậy tất thấy như lai – tánh giác.

Trong bước đường tu tập của người hành giả Mật tông, chúng ta phải thật sự thấy hiểu như thế, thể nghiệm qua phương pháp tu trì, Thiền quán mật chú Chuẩn đề. Người hành giả Mật chú Chuẩn đề, họ đem “úm chiết lệ, chủ lệ, chuẩn đề, ta bà ha. Bộ lâm” trong đi, đứng, nằm, ngồi thiền quán, nghe thấy âm thanh, tướng niệm Thần chú trong vạn sự, vạn vật.

Khi mắt (căn) họ chạm đến “sắc trần” thì chính ngay chỗ căn mắt đó nó đã được chứa nhóm Thần chú Chuẩn đề trong những cái thấy của mắt. Cho nên khi khởi nhìn thì cái tánh thấy đó nó đã biết “Úm chiết lệ, chủ lệ, chuẩn đề, ta bà ha. Bộ lâm”. Nó đã thể hiện theo tánh thấy đó. Vì khi đó, các âm thanh sắc tướng người hành giả đã từng nghe thấy âm thanh tướng niệm, tướng Thần chú Chuẩn đề trong sắc tướng đó. Rồi thì khi Tướng thấy có Thần chú Chuẩn đề, sắc tướng đó có Thần chú Chuẩn đề. Đâu đâu cũng là tánh thấy, biết Thần chú Chuẩn đề trong đó. Người hành giả huân tập, quán soi, thiền quán như thế thì đâu còn khổ nữa. Sắc cũng là Thần chú Chuẩn đề, mắt cũng là Thần chú Chuẩn đề. Tướng thấy nghe Thần chú Chuẩn đề đó, nó đều thể hiện trong sâu thẳm của nội tâm. Thì ở đó, ta cũng không biết ai đang niệm đó, không ta, không người. Thì “Sắc tức thị không, không tức thị sắc”. Luôn cả cảm thọ, tưởng, hành, thức đều không như trên. Nó không có người, không ta nhưng có Thần chú ở đó (Biết hiểu “Úm chiết lệ, chủ lệ, chuẩn đề, ta bà ha. Bộ lâm”) Thì ta nói là “không tức thị sắc”, thọ, tưởng, hành, thức cũng vậy.

Vì trong căn, tàng thức đã chứa nhóm những chủng loại, chủng nghiệp đều có tính biết thấy Thần chú Chuẩn đề trong đó. Thì khi Lục căn, lục trần, lục thức duyên hợp với nhau nó đều có tánh biết, thấy “Úm chiết lệ, chủ lệ, chuẩn đề, ta bà ha. Bộ lâm”.

Người hành giả huân tập như thế đó, khi một động tác nhìn cũng phát khởi Thần chú. Một động dụng cũng phát khởi Thần chú, một cảm giác, cảm xúc cũng phát khởi Thần chú, sự tưởng tượng quay lại của quá khứ. Thì trong hình ảnh sắc tướng đó, nó hiện hữu lên. Nó cũng phát khởi “Úm Chiết lệ, chủ lệ, chuẩn đề, ta bà ha. Bộ lâm”.

Khi họ tưởng đến những điều tương lai thì mỗi niệm tưởng cùng cảnh trí trong tâm (sắc tâm) cũng đều thể hiện Thần chú Chuẩn đề. Hiện tại, khi họ thấy vậy, thấy cảnh, mỗi mỗi sự kiện, chi tiết, giác niệm đều thể hiện lên Thần chú. Như vậy, các duyên, các niệm đều mang “Úm chiết lệ, chủ lệ, chuẩn đề, ta bà ha. Bộ lâm” thì nó sinh diệt trùng trùng duyên khởi “hiện hành”, tiếp nối (hành) đều thể hiện ra Thần chú Chuẩn đề. Và đến những sự biết, hiểu nó cũng thể hiện nên Thần chú Chuẩn đề. Đây là một chuỗi hòa nhập, thể nhập Thần chú Chuẩn đề trong sắc, Thọ, tưởng, hành, thức. Khi những giác niệm có “Úm chiết lệ, chủ lệ, chuẩn đề, ta bà ha. Bộ lâm”, những tướng của nó thuộc về không tướng. Vì ngay đó không có người, không có ta thì nó bằng không “Không tức thị sắc”. Mặc dù, không nhưng thể hiện Thần chú Chuẩn đề “Không tức là sắc”.

Khi người hành giả huân tập, tu trì như thế, tâm sẽ không còn phân biệt. Mọi thứ đều là Thần chú, vạn pháp đều là Thần chú. Và ngay đó, Thần chú vạn pháp là một. Cái một đó không ai biết nó ở đâu và đi về đâu. Lúc đó, giác tánh cái biết không tướng “Trí huệ bát nhã ba la mật”.


Cư Sĩ Thanh Hùng,
Pháp Hiệu Chánh Trí

Sửa bởi quản trị viên 26/06/2014 lúc 10:27:13(UTC)  | Lý do: Chưa rõ


Cư sĩ Thanh Hùng
Pháp hiệu: Thích Chánh Trí
thanks 1 người cảm ơn ThanhHung cho bài viết.
Phuc An trên 22-06-2020(UTC) ngày
cuiyang07  
#3 Đã gửi : 31/05/2014 lúc 07:29:34(UTC)
cuiyang07

Danh hiệu: Administration

Nhóm: Administrators
Gia nhập: 01-06-2014(UTC)
Bài viết: 1,390

Cảm ơn: 757 lần
Được cảm ơn: 3645 lần trong 890 bài viết
[SIZE="3"][COLOR="#8b0000"]Thiền sư Duy Tín đời Tống đã từng nói: “Trước khi gặp thiện hữu tri thức, ta thấy núi sông là núi sông. Sau khi gặp thiện hữu tri thức chỉ dạy, ta thấy núi sông không phải là núi sông. Ngày nay, sau ba mươi năm, ta lại thấy núi sông là núi sông.” Trước đây khi chưa tu chưa thấy đạo chưa gặp thiện tri thức theo mắt phàm trần ta thấy núi sông thật là núi sông , sau khi gặp đạo, được sự chỉ dạy bậc tri thức ta dùng trí bát nhã chiếu kiến thấy thật rõ sự giả danh tạm bợ, duyên hợp của thực thể thì biết rõ núi sông không phải là núi sông. Từ thấy không thật, tâm không có sự dính mắc, chấp ta chấp người chấp ngã, chấp pháp, phải trái, có không được phá, yên lặng như như hiện tiền, Nên núi sông thật là núi sông .

Bát nhã tâm kinh quả thật rất cần thiết cho người tu đạo để trở về tánh giác. Để trở về thật tánh như lai, chúng ta phải đưa qua cửa không , để đi qua được cửa không. Như sư huynh Thanh Hùng đã viết, trước tiên ta nên bám vào một pháp, đó chính là thần chú Chuẩn Đề. Ta quán chiếu căn , trần thức, tưởng, thọ, hành, thức… đều là âm thanh "Úm Chiết Lệ Chủ Lệ Chuẩn Đề Ta ba ha , Bộ Lâm". Cuối cùng dùng trí tuệ bát nhã để thấy rõ các pháp trên thế gian này tạm bợ giả dối, như mộng như huyễn như trăng đáy sông , thấy đó nhưng chạm tới là mất.

Cảm ơn sư huynh đã lược giải Bát Nhã Tâm Kinh bằng ngôn ngữ mật chú Chuẩn Đề. Sự lược giải hoàn toàn mới mẻ. Mong rằng, khi chúng ta chiêm nghiệm những lời chú giải đó đều hiểu và biết rằng! Phải hành động, phải Chiếu kiến tự quán soi mình, lấy trí tuệ bát nhã để một đao đứt đoạn ruồng phá vô minh, những ngăn ngại trên đường tu. Thì sự tu tập của chúng ta trở nên dễ dàng, sự thành tựu không có xa. Đúng như kinh đã nói: ”Chiếu kiến ngũ uẩn giai không độ nhất thiết khổ ách” . Thấy 5 uẩn đều không thì chúng ta hết khổ liền, hết trầm luân sanh tử ngay.[/COLOR][/SIZE]
NHƯ LAI THIỀN MẬT CHÚ CHUẨN ĐỀ UẾ TÍCH
thanks 2 người cảm ơn cuiyang07 cho bài viết.
Phuc An trên 22-06-2020(UTC) ngày, lientrung trên 05-04-2021(UTC) ngày
ThanhHung  
#4 Đã gửi : 31/05/2014 lúc 07:29:34(UTC)
ThanhHung

Danh hiệu: Advanced Member

Nhóm: Registered
Gia nhập: 08-06-2014(UTC)
Bài viết: 3

Cảm ơn: 2 lần
Được cảm ơn: 3210 lần trong 450 bài viết
THIỀN QUÁN MẬT CHÚ CHUẨN ĐỀ QUA BÁT NHÃ TÂM KINH - PHẦN 3




Kinh Bát Nhã Tâm Kinh là một bộ kinh gút gọn lại những tư tưởng, những giáo pháp Đại Thừa, tối thượng thừa của Phật. Bộ kinh này nói lên tánh chơn thật của vạn vật, vạn pháp, nói lên chân pháp tánh không. Mà đã nói Chân pháp tánh không thì hoàn toàn không có một vật, không có một pháp nào cả. Tâm kinh này, nó dẫn chúng ta vào sự liễu ngộ, chiếu kiến ngũ uẩn, thấy các tướng đều duyên hợp, giả có, không có thực tướng của nó. Đó là Tánh không của Bát Nhã.

Để quán soi, chiếu kiến liễu ngộ Tánh không kia, kinh văn nói: “ Xá lợi Tử! Thị chư pháp không tướng, bất sanh, bất diệt, bất cấu, bất tịnh, bất tăng, bất giảm. Thị cố không trung, vô sắc, vô thọ, tưởng, hành, thức, vô nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý. Vô sắc, thanh, hương, vi, xúc, pháp. Vô nhãn giới nãi chí vô ý thức giới, vô vô minh diệc, vô vô minh tận. Nãi chí vô lão tử diệt”.

Nghĩa: “ Xá lợi Tử! Tướng không của các pháp không sanh, không diệt, không nhơ, không sạch, không thêm, không bớt. Cho nên trong tướng không không có sắc, không có thọ, tưởng, hành, thức. Không có mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý. Không có sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp. Không có nhãn giới cho đến không có ý thức giới, không có vô minh cũng không có hết vô minh. Cho đến không có già chết, không có khổ, tập, diệt đạo, không có trí huệ cũng không có chứng đắc”.

Như vậy, quán soi các pháp tướng chỉ do sự giả hợp mà thành. Cho nên, gọi là không tướng. Cái tướng không ở đây nó không có một pháp, một tướng nào trong đó cả. Nếu có pháp, có tướng thì nó sẽ bị sanh diệt, gải hợp. Khi duyên đủ nó liền có, hết duyên thì nó hết. Như vậy, chúng ta thấy trong cái không đó tức là “Hư Không”. Mà “Hư không” thì thuộc sắc tướng sanh diệt. Thí như, chúng ta dùng con mắt để nhìn vào cái bàn, cái bình bông thì ta sẽ thấy nó sanh diệt, tăng giảm khi duyên đến như đất, nước, gió, lửa, trí thức của con người rồi do người thợ làm đến ngày công thời, thời gian và nó hình thành nên Cái bình hoa. Khi Cái bình hoa đó nó hết duyên thì nó sẽ bị bể. Sự bể ra đó, do người, thời gian, trí thức, thương ghét, ham muốn hoặc không tham, không muốn tự nó rơi bể đi. Thì cái “Tướng Bình Bông “ đó, lúc còn đủ duyên hình thành bình bông thì nó được chứa đựng trong hư không, không gian. Ta nói nó “Có trong hư không”. Đến khi hết duyên thì trong hư không không có bình bông nữa. Hay chúng ta đi ngang qua một xí nghiệp sản xuất nước mắm thì ta nghe ngửi thấy mùi hôi. Còn khi đi ngang qua một xí nghiệp sản xuất nước hoa thì chúng ta nghe ngửi thấy mùi thơm của hương hoa. Như vậy, hư không nó có mất, tăng, giảm đều cũng nằm trên luật duyên hợp hư giả cả.

Như vậy, Khi quán xét chư duyên, các pháp, vạn vật, vạn pháp thì “Các Pháp” đều “Không tướng” như trên. Không tướng ở đây là sự vật do duyên hợp mà không. Khi nhìn thấy như vậy thì ta sẽ nhận ra, chiếu kiến ra cái Tánh không của các pháp, vạn pháp, vạn vật bất tăng, bất giảm.

Ở ngay đây, ta thấy cái bình bông được hình thành, “Sinh” và khi nó bể, “Diệt”. Và cũng thấy ở hư không ấy, lúc thì “Thơm”, lúc thì “Hôi”, có nhơ, có sạch. Hư không thấy nó trống không nhưng nó có nhơ, có sạch, có tăng, có giảm. Vì hư không kia nó cũng là “Sắc”. Còn hư không không sinh, không diệt, không sạch, không nhơ là nó đến “Chân Không” của vạn vật, vạn pháp. Nó không có mất đi. Nó cũng không có sự có. Nó không có mất đi và có thì nó không có một pháp gì cả, văn tự cũng không. Ngay đây, ta thấy Tánh của các pháp không sanh, không diệt, không tăng, không giảm, không nhơ, không sạch. Chủng tử nhơ sạch, tăng giảm, sanh diệt đều do duyên hợp cả.

Và để tiếp quán soi sự vật, vạn pháp: “Thị cố không trung, vô sắc, vô thọ, tưởng, hành, thức. Vô nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý. Vô sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp. Vô nhãn giới nãi chí vô ý thức giới, vô vô minh diệc, vô vô minh tận. Nãi chí vô lão tử diệt”.

Ở đây, tại sao nói về tánh không? Vì đối với Ngã chấp mà mượn danh tự gọi là Tánh không chứ thật tế không có tánh không, cũng không có ngã chấp gì cả thì nó mới hiện thực, hiện hữu thành “Chân không”. Ta sẽ quán soi từng cái một!

“Tánh chân không” không có sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Không có mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý. Không có sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp. Những chi tiết trên ở Xã hội con người đều có đủ tại sao nói là không? Có những người họ đặt câu hỏi như vậy. Do họ đặt câu hỏi trên quan niệm ý thức hệ hiện hữu và một phần họ chưa hiểu về tánh không của Phật giáo. Ở tâm kinh này, Đức Phật nói “Tánh không” của sự vật là do sự vật duyên hợp giả có. Ý niệm này nói qua rất nhiều lần nên không nói thêm ở đây. Mắt, tai, mũi, lưỡi….. Nó đều có nhưng nó giả có, do sự duyên hợp đất, nước, gió, lửa, các pháp mà thành, không có thật thể của nó. Nếu có thật thể của nó thì tự nó có chứ không nhờ các duyên khác hợp lại mà có. Nếu nhờ các duyên khác hợp lại mà có thì chỉ là giả có thôi, vài ba chục năm rồi cũng mất, cao lắm là một trăm năm hay một trăm mấy mươi năm thôi cũng hư hoại. Nhưng trong quá trình dẫn đến hư hoại đó, hằng ngày, hằng giờ, nó đều chuyển biến sanh diệt của những tế bào, nguyên tử, nguyên tố hình thành nên sanh, lão, bệnh, tử. Bệnh cũng do duyên hợp, tăng giảm. Duyên lạnh nhiều thì lạnh tăng, nóng ít hay ngược lại gọi là “bệnh”. Trong cái duyên lạnh, nóng đó có vô số quá trình chuyển biến các chất, nguyên tố, nguyên tử, tế bào. Nó trùng trùng duyên khởi lên chúng, thấy nó tăng giảm rõ ràng. Nhưng nó chỉ là những sự duyên hợp cả. Nên từ đó, Đức Phật đã nhìn thấy nó bảo rằng trong cái “tánh chân không” của vạn pháp không sanh, không diệt, không nhơ, không sạch. Sự bệnh hoạn, nhơ sạch trong bệnh cũng do duyên hợp mà có. Cho nên, chân không không có nhơ, có sạch. Và trong cuộc sống, trong sanh, lão, bệnh, tử luôn xảy ra những cảm thọ nóng, lạnh, ái, luyến, thương, ghét, vui, buồn. Những cái đó cũng do sự duyên hợp mà có thôi chứ thật tế “tánh chân không” không có sắc, thọ. Như vậy, sự tưởng tượng quay về quá khứ, hiện tại, vị lai tạo dựng thành nhà cửa, thành quách, đồ vật. Tưởng tượng đến cảnh vui, buồn, thương, hận, ghét, bỏ cũng là một sự duyên hợp nhiều yếu tố hình thành. Và do tưởng đó những ý niệm sinh diệt liên tục, những sự phân biệt vô bờ bến. Mỗi yếu tố, sự kiện tâm thức hiện tại, quá khứ, vị lai đều do duyên hợp cả. Mà chúng sanh chấp vào đó cho là thật nên phải trầm luân trong khổ não luân hồi, sanh tử.

Những căn chứa nhóm, nhãn căn chứa nhóm vô lượng, vô biên hình sắc, hư không, vạn sự, vạn vật. Khi khởi lên “Thấy” sắc, thấy vạn sự, vạn vật, ngay đó nhãn thức, sự huân tập có sẵn trong nhãn thức bắt đầu phân biệt. Nó chuyển biến theo Nhãn căn, sắc trần, nhãn thức – nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý. Cũng vậy, lục căn tiếp lục trần hình thành lục thức thành mười tám giới. Mười tám cái ngăn che, giới hạn lại làm cho chúng ta không phát khởi được, không thoát ly được, không giải thoát được. Chúng ta thấy một chuỗi sinh diệt rất ghê sợ nhưng chìa khóa của nó nằm ngay trong “Tâm Kinh Bát Nhã” là “Tánh Không Trí Huệ”. Đức Phật đã quán soi, nhìn thấy mười tám giới kia là tánh không chân thật.

Bây giờ,chúng ta hãy đem mười hai nhân duyên ra để quán soi: “Vô Minh” duyên “Hành”, “Hành” duyên “Thức”, “Thức” duyên “Danh sắc”, “Danh sắc” duyên “Lục nhập”, “Lục nhập” duyên “Xúc”, “Xúc” duyên “Thọ”, “Thọ” duyên “Ái”, “Ái” duyên “Thủ”, “Thủ” duyên “Hữu”, “Hữu” duyên “Sanh”, “Sanh” duyên “Lão tử”.

Từ sự “vô minh”, u tối đó, Tâm ta luôn loạn tưởng ý niệm sanh diệt luôn. Và từ những sự suy nghĩ cộng với những chủng tử trong tàng thức – thức thứ tám cùng ngã chấp – thức thứ 7 mà tạo ra vô số hiểu biết, phân biệt. Đem những hiểu biết, phân biệt để phân tích, phân biệt danh sắc, vạn vật, vạn pháp. Lục trần sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp mà tạo ra xúc cảm, thọ ái luyến. Những cảnh yêu ghét, sự kiện thương yêu, chấp có, không “Hữu” sanh diệt liên tục. Từ chấp có hữu nên chấp có sanh già bệnh chết.

Như vậy, mười hai nhân duyên theo chiều lưu chuyển. Còn theo chiều hoàn diệt thì không có vô minh. Vô minh diệt thì hành diệt, thức diệt đến sanh, lão, bệnh, tử đều diệt. Vòng lưu chuyển, hoàn diệt cũng do sự duyên hợp giả có mà thôi.

Tánh không không có vô minh nên cũng không hết vô minh. Trong mười hai nhân duyên là một chuỗi trầm luân. Hết mười hai nhân duyên (Nhìn thấy duyên hợp) thì hết trầm luân.

Mười hai nhân duyên là một chuỗi trầm luân cũng không phải là trầm luân. Vì trong Tánh không không có tướng, không pháp, không phải sự vật thì làm gì có sanh diệt và hết sanh diệt. Không già chết không phải hết già chết (Không sanh tử cũng không phải sanh tử). Vì tánh không không có tướng người, vật. Không phải mười hai nhân duyên trầm luân, cũng không phải mười hai nhân duyên giải thoát. Vì tánh không không có vô minh cùng giải thoát. Không khổ, tập, diệt, đạo là không có tứ đế: khổ, tập, diệt, đạo. Vì sao? Vì khổ cũng do sự duyên hợp. Các cảnh thọ, cảm, ái luyến, được, thành, bại, thiện ác. Nó do một chuỗi duyên hợp không thật tánh. Cho nên, khổ chỉ là sự duyên hợp giả có mà thôi.

Còn xét về nguyên nhân gây ra khổ đau cũng vậy. Do ta chấp ngả thật có, ta không biết ta là do duyên hợp giả có, chấp pháp thật, có sanh ra tham, sân, si mà hình thành. Nên tập khí nó cũng do duyên hợp, giả có.

Đến sự diệt! Ngày xưa, khi Đức Phật thành đạo rồi, Ngài quán soi căn duyên của chúng sanh quá mong manh, sâu dầy, giáo pháp giải thoát thì mầu nhiệm. Ngài định nhập vào niết bàn. Nhưng lúc đó, chư thiên cung thỉnh, thỉnh cầu ngài mở lòng từ bi ban giáo pháp rải khắp, cứu độ chúng sanh. Vì lòng từ bi vô hạn, ngài chấp nhận lời thỉnh cầu ấy, tùy thuận theo căn cơ của chúng sinh mà lập thành Pháp “Tứ diệu đế” – khổ, tập, diệt, đạo, tạm phân ra tiểu thừa và đại thừa nhằm mục đích đưa dẫn chúng sanh thể nhập vào Phật Thừa, trao giáo pháp “Tứ Diệu Đế” nầy lại cho anh em “Kiều Trần Như”.

Cho nên, “Diệt” cũng chỉ là tạm mượn cũng là duyên hợp thôi. Cho đến Đạo đế, Đức Phật hành đạo hoằng hóa bốn mươi chín năm. Cuối cùng ngài nói: “Trong 49 năm qua, ta không nói một lời nào”. Nói như vậy để đưa chúng sanh vào con đường Phật đạo. Nói như vậy, cũng nhằm nói cũng không có “Tứ Diệu Đế” – “Không khổ, tập, diệt, đạo”.

Để thể hiện qua Bát nhã Tâm kinh, người hành giả Mật chú chuẩn đề họ luôn huân tập tu niệm theo từng giác niệm, niệm tưởng, cảm xúc, thọ cảm. Trong mọi hành trạng tâm thức họ đều là: “Úm chiết lệ, chủ lệ, chuẩn đề, ta bà ha. Bộ lâm”. Làm sao tu trì, làm sao như hư không trong tâm thức. Có nghĩa là hư không ta thấy mênh mông kia không hình sắc, không mùi nhưng nó chuyên chở, chứa nhóm vạn sự, vạn vật, vạn pháp. Hư không đó, nó có sự tăng giảm, nhơ sạch là do con người vô minh không nhìn thấy được tướng duyên hợp của nó. Người hành giả Mật tông chuẩn đề thấy tướng duyên hợp đó họ bình thản với những sự việc, vạn sự, những ý niệm trong tâm họ. Họ chỉ nghe trong những sự vật cũng ý niệm đó nổi lên trong sự không đó. Mỗi mỗi cái, mỗi mỗi ý niệm đều mang “Úm chiết lệ, chủ lệ, chuẩn đề, ta bà ha. Bộ lâm”. Nghe thấy biết được như vậy là lúc đó người hành giả hoàn toàn không chấp chặc vào một hiện vật, một ý niệm nào cả. Cho nên, mới được nghe thấy vậy. Họ cứ nghe, nghe như vậy mãi. Trong lúc nghe đó, có những cảm xúc nóng lạnh của cơ thể (Xúc cảm) “Thọ” họ cũng nghe Thần chú. Rồi trong sự sống khi họ tưởng cũng nghe Thần chú. Cho đến hành, những niệm đến sinh diệt, phân biệt cũng nghe “Úm chiết lệ, chủ lệ, chuẩn đề, ta bà ha. Bộ lâm”. Nghe nói như vậy thấy thật khó và có người bảo “Như vậy rồi làm sao làm ăn, giao thiệp sống trong cộng đồng?”.Nhưng khi nói chuyện, giao thiệp với mọi người mà “Úm chiết lệ, chủ lệ, chuẩn đề, ta bà ha. Bộ lâm” trong tâm ta tự nó vang lên đó là do sự huân tập lâu ngày thể nhập vào tâm. Đức Lục tổ Huệ năng có định nghĩa Tâm: “Có cả thảy các sự vật là Tâm”, “Ly cả thảy sự vật là Tánh”. Tâm là như thế thì có cả thảy sự vật đều niệm chú Chuẩn đề thì ta sẽ làm chủ được vạn vật, vạn niệm. Khi giao thiệp, làm ăn, làm việc vẫn tu, thần chú thể hiện lên giúp cho ta tĩnh tâm, an tịnh, bình tĩnh nhìn thấy sự kiện rõ ràng. Nếu chúng ta không huân tập Thần chú chuyên sâu hay không huân tập thì khi nói chuyện, giao tiếp làm việc thì tâm thức ta luôn luôn trong tình trạng phân biệt, động liên tục, làm cho tinh thần không định, tâm không sáng suốt thì công việc làm bất ổn.

Ngay chỗ đó, thay gì niệm tưởng loạn động lên trong đầu ta nhưng nay ta tu, ta huân tập thì Thần chú “Úm chiết lệ, chủ lệ, chuẩn đề, ta bà ha. Bộ lâm” thể hiện lên. Tức là vạn niệm đều có thấy Thần chú Chuẩn đề. Thì ta nói trong hư không có tăng, có giảm trên kia những sự tăng giảm đều là Thần chú Chuẩn đề cả, với Sắc, thọ, tưởng, hành, thức cũng là Thần chú Chuẩn đề. Lục căn tiếp với lục trần tiếp với Lục thức đều như “Úm chiết lệ, chủ lệ, chuẩn đề, ta bà ha. Bộ lâm”. Vậy Thần chú Chuẩn đề cũng do ở tất cả vạn niệm, vạn duyên, vạn pháp thì là chân ngôn – chân không. Vì tất cả Thánh vạn pháp đều là không. Cho nên, chỉ có một không. Một không ở đây sẽ bằng chân ngôn Thần chú Chuẩn đề, vì thần chú Chuẩn đề trong vạn niệm, vạn vật, vạn pháp đều thần chú.

Người hành giả tu niệm ở đây cũng không có sự chấp là ta đang tu, hoàn toàn vô ngã. Vì nếu chấp vào một sự việc nào thì trong vạn niệm, vạn pháp không thể hiện được Thần chú ở đó. Đã là vô ngã thì đâu có Sắc, thọ, tưởng, hành, thức, không có nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý, không có mười hai duyên trầm luân trên kia, cho đến không có sanh lão, bệnh, tử.



Cư Sĩ Thanh Hùng
Pháp Hiệu Chánh Trí

Sửa bởi quản trị viên 26/06/2014 lúc 10:27:56(UTC)  | Lý do: Chưa rõ


Cư sĩ Thanh Hùng
Pháp hiệu: Thích Chánh Trí
thanks 3 người cảm ơn ThanhHung cho bài viết.
cuiyang07 trên 26-06-2014(UTC) ngày, Phuc An trên 22-06-2020(UTC) ngày, lientrung trên 05-04-2021(UTC) ngày
ThanhHung  
#5 Đã gửi : 31/05/2014 lúc 07:29:34(UTC)
ThanhHung

Danh hiệu: Advanced Member

Nhóm: Registered
Gia nhập: 08-06-2014(UTC)
Bài viết: 3

Cảm ơn: 2 lần
Được cảm ơn: 3210 lần trong 450 bài viết
THIỀN QUÁN MẬT CHÚ CHUẨN ĐỀ QUA BÁT NHÃ TÂM KINH - PHẦN 4



Người Hành giả Mật Tông bên ngoài hình thức chúng ta thấy phương pháp tu rất đơn giản, chỉ vẻn vẹn có một câu Thần chú Chuẩn đề và cùng thấy biết vài cách kiết ấn. Thấy như vậy, chứ thật ra nó rất huyền biến trong nội thức. Nó có cả một kho tàng pháp bảo ở bên trong nội thức. Giáo pháp ba đời của Chư Phật đều nằm trong đó. Muốn thừa hưởng nó, muốn thực chứng nó cũng rất dễ, cũng rất khó. Khó với con người luôn chấp chặc mọi hình thức, chấp chặc mọi thứ xung quanh Pháp tu để rồi cuối cùng tự ràng buộc, nhốt chặc, chấp chặc, dính vào những vọng tưởng, hình danh, sắc tướng.

Chúng ta nên quán soi các pháp, vạn vật đều là giả hợp cả. Nó hình thành các tướng do do từng chi tiết, từng thành phần, từng cá nhân mỗi cái tụ hợp lại, duyên hợp lại mà thành thôi. Khi chúng ta đi vào pháp, Thiền quán Mật Chú Chuẩn Đề, mỗi hành giả chúng ta nên biết các pháp là không tướng vậy. Vì do sự giả hợp cho nên nó không có thực thể gọi là không tướng.

Người hành giả quán soi các pháp như vậy họ sẽ nhẹ nhàng trong hành trì. Họ đi, đứng, nằm, ngồi cứ trì niệm “Úm chiết lệ, chủ lệ, chuẩn đề, ta bà hà. Bộ lâm”. Các duyên ngoài, trong đều hiểu nó là duyên hợp cả. Chúng ta định tĩnh vừa niệm, vừa quán soi các pháp đến đi. Mỗi niệm khi nó ló lên, chúng ta nên nghe biết cái niệm vừa xuất hiện trên là “Úm Chiết lệ, chủ lệ, chuẩn đề, ta bà ha. Bộ lâm”.

Khi Quán soi như thế đó tức là thân tâm và Pháp đồng một thể. Khi đã đồng với Pháp thì tiếng gió reo lên lướt nhẹ qua cũng là Thần Chú Chuẩn Đề. Rồi một tiếng động nhỏ, một sắc tướng nhỏ cũng là “Úm chiết lệ, chủ lệ, chuẩn đề, ta bà hà. Bộ lâm”.

Tất cả những niệm tưởng nổi lên trong tâm thức cùng những tướng duyên từ căn, trần, thức mỗi mỗi đều nghe thấy “Úm chiết lệ, chủ lệ, chuẩn đề, ta bà hà. Bộ lâm”. Mắt (Nhãn) khi nhìn thấy bông hoa là Trần thì lúc đó, Nhãn Thức liền sẽ phân biệt màu sắc, đẹp, xấu, thọ cảm sẽ xuất hiện. Trong chuỗi phân biệt sinh diệt đó, ý niệm về màu sắc cũng là Thần chú Chuẩn Đề (Sắc), những ý niệm về thọ cảm cũng nghe thần chú chuẩn đề. Rồi tưởng tượng nên xấu đẹp, tướng tốt xấu, mỗi mỗi ý niệm trong đó đều nghe Thần Chú Chuẩn Đề. Và những ý niệm liên tục phân biệt tốt xấu, sinh diệt trong thời gian diễn tiến đó mỗi niệm đều nghe Thần chú Chuẩn Đề “Úm chiết lệ, chủ lệ, chuẩn đề, ta bà hà. Bộ lâm”. Trong khoảng khắc thời gian đó, mỗi niệm nổi lên đều nghe Thần chú “Úm chiết lệ, chủ lệ, chuẩn đề, ta bà hà. Bộ lâm”. Khi đã xứng được Pháp, y như pháp trên thì ngay chỗ đó không có chỗ được, chỗ đến, chỗ đi, không ta, không người, không thời gian, không gian cũng không. Nên ở đây không có ngăn ngại, không người, không ta, không sanh lão bệnh tử thì không có sự sợ hãi, xa hẳn mộng tưởng điên đảo.

“Dĩ vô sở Đắc Cố, Bồ Đề Tát Đỏa Y Bát Nhã Ba La Mật Đa Cố, Tâm Vô Quái Ngại. Vô Quái Ngại Cố, Vô Hữu Khủng Bố, Viễn Ly Điên Đảo Mộng Tưởng Cứu Cánh Niết Bàn”.

Nghĩa:

“Vì không có chỗ được, nên Bồ tát y theo Bát nhã Ba La Mật Đa tâm không ngăn ngại. Vì không ngăn ngại nên không sợ hãi, xa hẳn điên đảo mộng tưởng đạt đến cứu cánh Niết bàn”.

Tất cả những niệm tưởng đều là Thần chú. Khi mỗi niệm lố lên hay trong vô ký (sự ló lên của niệm không hình danh sắc tướng, nhưng ở đây sắc là hư không tịch lặng). Ngay lúc đó, cái biết thấy Thần chú, mà cái biết thấy đó các bạn nên quán soi xem nó có sắc tướng, cảm thọ, tưởng tượng, có sự liên tục (Hành) rồi sự phân biệt thức không. Nó là ai, từ đâu đến. Khi đó sẽ thấy nếu thấy có hình tước, sắc tướng nên biết đó là duyên hợp. Rồi ngay chỗ đó có cảm thọ, xúc cảm làm ta vui, an lạc hay những cảm xúc nào đó cũng thấy nó duyên hợp. Mỗi niệm nổi lên thấy như vậy thì sẽ quán soi Ngũ uẩn: Sắc, thọ, tưởng, hành, thức đều không. Khi hành giả quán soi như vậy nó không có chỗ được nên (Bồ tát) hành giả y theo như vậy mà tu hành thì sẽ không có ngăn ngại.

Ở đây, không có một sự móng tâm, chuyền níu về bất cứ một pháp nào cả, luôn cả Niết bàn cũng không. Đây là cảnh giới chơn ngôn Chuẩn Đề thể hiện. Chơn ngôn, thể tánh Mật Chú Chuẩn đề luôn ở khắp mọi nơi. Luôn chuyên chở thể hiện trong từng sát na niệm khởi. Cho nên, là gốc, là mẹ, là Phật Mẫu Chuẩn Đề ba đời quá khứ, hiện tại, vị lai.

“Tam Thế Chư Phật y Bát Nhã Ba La Mật Đa Cố, Đắc A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề”.

Nghĩa:

“Chư Phật trong Ba đời cũng nương Bát Nhã Ba La Mật Đa được Đạo quả Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác”.

Bồ tát chư phật ba đời đã y theo Bát Nhã để được đạo quả Chánh đẳng, chánh giác. Thì hôm nay, chúng ta cũng có Phật tánh, ai cũng có Phật tánh cả hay nương tu theo Mật chú Chuẩn Đề, thể hiện Mật Chú Chuẩn Đề “Úm chiết lệ, chủ lệ, chuẩn đề, ta bà hà. Bộ lâm” trong từng giác niệm, trong vạn sự, vạn vật, vạn pháp, mỗi mỗi đều thể hiện lên: “Úm chiết lệ, chủ lệ, chuẩn đề, ta bà hà. Bộ lâm” cho đến lúc Thần Chú Chuẩn đề là ta. Ta là thần chú. Và ngay chỗ đó, vì không có ta thì cũng không có pháp “Úm chiết lệ, chủ lệ, chuẩn đề, ta bà hà. Bộ lâm”.

“Cố tri Bát Nhã Ba La Mật Đa Thị Đại Thần Chú, Thị Đại Minh Chú, Thị Vô thượng Chú, Thị Vô Đẳng Đẳng Chú, Năng Trừ Nhất Thiết Khổ chân thật bất hư”

Nghĩa:

“ Nên biết Bát Nhã Ba La Mật đa là Đại Thần Chú, là đại minh chú, là vô thượng chú, là vô đẳng đẳng chú, hay trừ được hết thảy khổ, chân thật không dối”

“Cố Thuyết Bát Nhã Ba La Mật Đa Chú, tức Thuyết chú Viết: Yết đế, yết đế, ba la yết đế, ba la tăng yết đế, bồ đề tát bà ha”.

Nghĩa:

“Vì vậy nói chú Bát Nhã Ba La Mật Đa, liền nói chú rằng: Yết đế, yết đế ba la yết đế, ba la tăng yết đế, bồ đề tát bà ha”. Úm chiết lệ, chủ lệ, chuẩn đề, ta bà ha, bộ lâm.

Quán-Tự-Tại Bồ-Tát hành thâm Bát-nhã Ba-la-mật-đa thời , chiếu kiến ngũ-uẩn giai không , độ nhất thiết khổ ách .Xá-Lợi-Tử, sắc bất dị không, không bất dị sắc, sắc tức thị không, không tức thị sắc. Thọ,Tưởng,Hành,Thức diệc phục như thị .Xá-Lợi-Tử! thị chư pháp không tướng, bất sinh , bất diệt, bất cấu , bất tịnh, bất tăng , bất giảm.Thị cố không trung vô sắc, vô thọ , tưởng , hành , thức.Vô nhãn , nhĩ , tỷ thiệt , thân , ý ; vô sắc ,thanh , hương , vị ,xúc , pháp ; vô nhãn giới, nãi chí vô ý thức giới. Vô vô minh diệc , vô vô minh tận, nãi chí vô lão tử, diệc vô lão tử tận. Vô Khổ , Tập , Diệt , Đạo , vô Trí diệc vô Đắc, dĩ vô sở đắc cố , Bồ-đề-tát-đỏa y Bát-nhã Ba-la-mật--đa cố, tâm vô quái ngại, vô quái ngại cố, vô hữu khủng-bố, viễn ly điên đảo mộng-tưởng, cứu cánh Niết-Bàn.Tam thế chư Phật, y Bát-nhã Ba-la-mật-đa cố, đắc A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam bồ-đề. Cố tri Bát-nhã Ba-la-mật-đa, thị đại thần chú, thị đại minh chú, thị vô thượng chú, thị vô đẳng đẳng chú, năng trừ nhất thiết khổ, chân thật bất hư. Cố thuyết Bát-nhã Ba-la-mật-đa chú . Tức thuyết chú viết:
'" Yết-đế , yết-đế , Ba-la yết-đế . Ba-la-tăng yết-đế Bồ-đề tát-bà-ha
".



Cư Sĩ Thanh Hùng,
Pháp Hiệu Chánh Trí

Sửa bởi quản trị viên 26/06/2014 lúc 10:28:46(UTC)  | Lý do: Chưa rõ


Cư sĩ Thanh Hùng
Pháp hiệu: Thích Chánh Trí
thanks 2 người cảm ơn ThanhHung cho bài viết.
cuiyang07 trên 26-06-2014(UTC) ngày, Phuc An trên 22-06-2020(UTC) ngày
Ai đang xem chủ đề này?
Guest
Di chuyển  
Bạn không thể tạo chủ đề mới trong diễn đàn này.
Bạn không thể trả lời chủ đề trong diễn đàn này.
Bạn không thể xóa bài của bạn trong diễn đàn này.
Bạn không thể sửa bài của bạn trong diễn đàn này.
Bạn không thể tạo bình chọn trong diễn đàn này.
Bạn không thể bỏ phiếu bình chọn trong diễn đàn này.