Với người Trung Quốc, đặc biệt là những người có quyền lực, việc lựa chọn huyệt mộ cho mình là rất hệ trọng. Vốn là người mê phong thủy, Tưởng Giới Thạch cũng không phải ngoại lệ. Vì vậy, cho tới nay, người ta vẫn lưu truyền rất nhiều giả thuyết khác nhau về việc lựa chọn huyệt mộ theo phong thủy của nhà quân phiệt họ Tưởng này…
1. Trên dãy Tử Kim Sơn nằm ở ngoại ô thành Nam Kinh, ở giữa lăng mộ của Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương, ông vua khai quốc triều Minh và lăng mộ Tôn Trung Sơn có một tòa kiến trúc đặc biệt có tên là Chính Khí đình (“đình” ở Trung Quốc được hiểu là chỗ nghỉ chân).
Căn đình này được xây dựng theo hình vuông, bên trên lợp ngói lưu ly màu lam ngọc, xung quanh trồng hoa, đặt đá, cột trụ màu hồng, vẽ hoa,… mọi chi tiết đều rất cầu kỳ, công phu. Đây chính là nơi Tưởng Giới Thạch lựa chọn làm nơi đặt mộ của mình sau khi chết, cũng chính vị Tổng thống họ Tưởng đã cho xây tòa đình xa hoa này như một cách để đánh dấu.
Vì sao Tưởng Giới Thạch lại chọn vị trí nơi tòa Chính Khí làm mộ của mình? Tưởng Giới Thạch từng nói rằng, hy vọng sau khi mình chết, có thể chôn gần lăng mộ của Tôn Trung Sơn để “mãi mãi được ở gần bên tổng thống”. Tuy nhiên, việc chọn mộ với người Trung Quốc, đặc biệt là những người có quyền lực như Tưởng Giới Thạch thì nhất định mọi việc phải được tính toán cực kỳ tỉ mỉ và chi tiết. Tại Tử Kim Sơn, ngoài lăng mộ Tôn Trung Sơn còn có lăng mộ của Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương.
Tưởng Giới Thạch cho rằng, công tích của mình cao hơn Chu Nguyên Chương một bậc nên lăng mộ phải cao hơn Hiếu Lăng của ông vua họ Chu. Tuy nhiên, ông ta không thể so sánh với Tôn Trung Sơn được, vì vậy, phải tìm một nơi thấp hơn lăng mộ của Tôn Trung Sơn để xây mộ. Chính Khí đình mà Tưởng Giới Thạch chọn là nơi có vị trí đáp ứng được cả hai yêu cầu này của nhà quân phiệt họ Tưởng.
Vào mùa xuân năm 1946, chính phủ Dân quốc từ Trùng Khánh quay trở về Nam Kinh. Tưởng Giới Thạch dẫn theo những người thân tín của mình lên viếng lăng Tôn Trung Sơn mới phát hiện ra vị trí đắc địa này. Khi đó, Tưởng Giới Thạch cầm gậy trèo lên núi, từ Hà Động ở phía tây núi Tử Kim trèo lên cao, nhìn ra xa rồi trầm trồ nói: “Đây đúng là nơi đất tốt!” rồi sai người xây dựng ngôi đình tại đây. Cũng có người lại nói rằng, việc lựa chọn vị trí xây dựng Chính Khí đình không phải là do Tưởng Giới Thạch mà là “tác phẩm” của một thầy phong thủy.
Thầy phong thủy này tên là Thái Hư, một vị sư nổi tiếng tại chùa Tuyết Đậu, cùng quê với Tưởng Giới Thạch. Thái Hư vốn là khách quý ở thường xuyên trong nhà họ Tưởng. Khi chính phủ Dân quốc chuyển về Nam Kinh, vừa lúc Tưởng Giới Thạch tròn 60 tuổi.
Lúc này, Tưởng cảm thấy rằng tuổi mình đã cao, đã đến lúc chọn cho mình nơi để đặt mộ sau này. Chính vì vậy, Thái Hư đã được Tưởng Giới Thạch mời tới Nam Kinh, nhận nhiệm vụ lựa chọn vị trí đặt mộ trong tương lai của Tưởng Giới Thạch.
Sau khi được Tưởng nhờ cậy, Thái Hư đã đi khắp ngọn Tử Kim để quan sát, tìm kiếm. Một ngày khi tới vị trí xây dựng Chính Khí đình ngày nay, mắt Thái Hư bỗng sáng lên: Nơi này phía trước là hồ Tử Hà, nước trong xanh nhìn tới tận đáy, phía sau lại dựa vào ngọn Tử Kim lừng lững, phía bên phải là động Tử Hà, phía bên trái là động Quan Âm, phong cảnh tuyệt mỹ, yên tĩnh, kín đáo, và đặc biệt là nơi thu tụ khí từ xung quanh.
Có thể nói đây là một vị trí đắc địa mà không phải ai cũng có thể tìm được. Thái Hư đã báo cáo lại với Tưởng Giới Thạch như vậy và ngay lập tức Tưởng Giới Thạch lệnh cho xây dựng ngôi đình nổi tiếng này.
2. Mặc dù chọn được vị trí đắc địa, phù hợp với yêu cầu của Tưởng Giới Thạch, nhưng tính đi tính lại, Thái Hư vẫn thấy rằng vị trí đã chọn thiếu phần “thủy” (nước). Vì vậy, Thái Hư quyết định sẽ tìm cách bổ sung phần còn thiếu này. Cách làm này tương đối “truyền thống”, giống như việc người ta vẫn thường làm. Thiếu núi thì đắp một ngọn núi giả, không có nước chảy thì khơi một dòng nước khác dẫn vào. Tưởng Giới Thạch là người mê phong thủy, lại rất tin lời Thái Hư vì vậy đã quyết định cho tu sửa lại hồ Tử Hà để bổ khuyết phần còn thiếu trong địa thế phong thủy nơi đây.
Việc vì sao Tưởng Giới Thạch không cho xây dựng ngay lăng mộ của mình mà lại cho xây dựng một tòa đình làm nơi dừng chân ngắm cảnh cho mọi người cũng bắt nguồn từ nguyên nhân phong thủy. Theo lời của Thái Hư thì để tránh việc “long khí” bị thất thoát ra bên ngoài, trước khi xây lăng mộ nên xây một tòa đình để trấn giữ, khóa chặt địa thế phong thủy đắc địa của nơi này.
Chính Khí đình được động thổ xây dựng vào ngày 29/11/1947. Lúc bấy giờ Tưởng Giới Thạch vẫn chưa đặt tên chính thức cho ngôi đình, người ta chỉ gọi nó là Bán Sơn đình (ngôi đình ở lưng chừng núi). Cho tới khi ngôi đình được xây dựng xong, Thẩm Bằng Phi, người chịu trách nhiệm quản lý khu lăng mộ của Tôn Trung Sơn mới gửi báo cáo mời Tưởng Giới Thạch đặt tên cho ngôi đình. Mặc dù biết rằng ngôi đình sẽ chỉ tồn tại cho tới khi lăng mộ của mình được xây dựng, tuy nhiên, Tưởng Giới Thạch cũng hết sức cẩn trọng, cầm bút viết 3 chữ “Chính Khí đình”. Chính ở đây cũng có nghĩa là “trấn”, vì vậy, Chính Khí đình thực chất cũng có nghĩa là Trấn Khí đình.
Từ câu chuyện trên có thể thấy, dù là chính Tưởng Giới Thạch lựa chọn hay là do vị sư tên Thái Hư lựa chọn thì việc xây dựng Chính Khí đình đều có chung một mục đích, ấy là lựa chọn nơi chôn cất cho Tưởng Giới Thạch sau khi chết. Đây là cách nói phổ biến hiện nay, tuy nhiên, cũng có nhiều thuyết khác nói rằng, mặc dù sự thực là Tưởng Giới Thạch có cho người khảo sát phong thủy trong ngoài Nam Kinh để tìm nơi đặt mộ, tuy nhiên, chưa bao giờ có ý định đặt mộ mình ở núi Tử Kim. Trên thực tế, Tưởng Giới Thạch hy vọng rằng sau khi mình chết có thể chôn cất trên ngọn núi Phương Sơn nằm đối diện ở rất xa với núi ngọn núi Tử Kim nổi tiếng này.
3. Phương Sơn cũng là một nơi có phong thủy đắc địa. Xung quanh khu vực này có tổng cộng 5 lăng mộ của các Hoàng đế thời cổ đại, các danh nhân trong lịch sử nhiều người cũng đặt mộ tại khu vực này. Cũng giống như với tòa Tử Kim sơn, chính Tưởng Giới Thạch đã tự mình đến xem rồi các thầy phong thủy tỉ mỉ khảo sát, đoán định và sửa sang địa thế phong thủy nơi đây.
Chuyện này lúc bấy giờ đã được đăng lên báo chí hàng ngày. Bài báo khi đó nói, Tưởng Giới Thạch đã nhờ một người dân địa phương tên là Đinh Phúc Trí làm người dẫn đường để khảo sát Phương Sơn. Đinh Phúc Trí sau này kể lại, vào một ngày mùa thu năm 1946, Tưởng Giới Thạch đã cùng với thầy phong thủy mang theo la bàn tới Phương Sơn. Họ dừng lại ở sườn đông bắc của Phương Sơn rồi tỉ mỉ quan sát, lựa chọn nơi đặt mộ, thậm chí còn đánh dấu để ghi nhớ vị trí.
Điều đáng nói là, nếu như vị trí của Chính Khí đình nằm ở phần “dương” của Tử Kim Sơn thì vị trí Tưởng Giới Thạch chọn ở Phương Sơn lại nằm ở phần “âm” của ngọn núi này. Trong phong thủy học, một nơi đắc địa để xây mộ thường nằm ở phần dương của ngọn núi, tức sườn phía Nam chứ không phải là sườn phía Bắc. Trong lăng mộ của các Hoàng đế Trung Quốc, chỉ có lăng mộ của Triệu Khuông Dận, ông vua khai sáng triều Bắc Tống, còn gọi là Tống Thái Tổ là “khác người”, xây dựng theo kiểu “Đông cao, Tây thấp”, còn lại đều tuân thủ chặt chẽ quy định ngầm nói trên.
Vậy vì sao Tưởng Giới Thạch lại chọn lựa một vị trí nằm ở phần “âm” của ngọn Phương Sơn làm nơi đặt mộ của mình? Ngoài việc ông ta thích thú với địa thế phong thủy của Phương Sơn, việc lựa chọn ngọn núi này còn được Tưởng Giới Thạch tính toán rất kỹ lưỡng về mặt chính trị.
Tử Kim Sơn và Phương Sơn một dãy ở phía Bắc, một dãy ở phía Nam. Tưởng Giới Thạch lựa chọn Phương Sơn là muốn độc bá một phương, không phải nằm trên cùng một ngọn núi với Tôn Trung Sơn, tuy nhiên, vẫn giữ được thái độ kính trọng với vị “quốc phụ” này. Tưởng Giới Thạch luôn tự nhận mình là học trò của Tôn Trung Sơn đồng thời nhiều lần tuyên bố, “sau khi chết vẫn tiếp tục là người học trò trung thành” của Tôn Trung Sơn.
Nay Tôn Trung Sơn đã đặt mộ tại Tử Kim Sơn, Tưởng Giới Thạch luôn suy nghĩ xem mộ của mình sau này sẽ đặt tại đâu. Cuối cùng nhờ sự chỉ điểm của Thái Hư, nói rằng nếu như xây dựng mộ ở sườn phía Bắc của Phương Sơn thì sẽ hình thành thế “đối lăng” với lăng mộ của Tôn Trung Sơn, như vậy sẽ giống như người học sinh đang cung kính dâng lễ cho người thầy của mình. Vì vậy, Tưởng Giới Thạch quyết định nghe theo lời của Thái Hư đặt mộ tại sườn Bắc Phương Sơn.
Tuy nhiên, cuối cùng Tưởng Giới Thạch đã từ bỏ vị trí đã chọn ở Phương Sơn để chọn vị trí trên Tử Kim Sơn. Lý do vì sao cho tới nay vẫn còn là một bí ẩn chưa có lời đáp. Người ta nói rằng, sau khi đã chọn xong vị trí đặt mộ, một lần, Tưởng Giới Thạch đứng tại sườn Bắc của Phương Sơn nhìn về phương Bắc, lăng mộ Tôn Trung Sơn trước đây nhìn thấy rất rõ nay gần như biến mất. Tưởng Giới Thạch cảm thấy như vậy không ổn, vì không thể cùng người thầy của mình là Tôn Trung Sơn vĩnh viễn dựa vào nhau, vì thế Tưởng Giới Thạch mới quyết định chuyển mộ sang Tử Kim Sơn.
Thất bại trong cuộc nội chiến 1946 - 1949, Tưởng Giới Thạch bỏ chạy ra đảo Đài Loan. Đến ngày 5/4/1975, Tưởng qua đời tại hòn đảo này, không thực hiện được mong muốn chôn cất tại Tử Kim Sơn cùng với Tôn Trung Sơn. Người ta nói rằng, sau khi Tưởng Giới Thạch chết đã dặn con cháu của mình không được chôn vội để đợi đến khi “quốc gia thống nhất” để có thể về chôn cất ở đại lục.
Hải Phong: theo phunutoday