Nhu cầu vật chất là động lực để con người ta đến chủa. Nhu cầu ấy đang từ từ hủy hoại giá trị tâm linh của đền chùa. Còn đâu giá trị tâm linh.
Hiện tượng mua thần bán thánh với những biểu hiện cụ thể như: dâng lễ quá xa xỉ, đốt thật nhiều vàng mã, nhét tiền vào tượng thánh thần... từng được báo chí phản ánh nay lại rộ lên vào những ngày hội đầu xuân).
Một người đàn ông gào thét khi bị đám đông xô đẩy trước phủ Cố Trạch (thuộc đền Trần, Nam Định) - một trong ba nơi ban tổ chức đặt bàn phát ấn cho người dân.
Trước những tệ đoan chủ yếu để cầu tài cầu lộc, thăng quan tiến chức... không những không dừng lại mà ngày càng phổ biến, phóng viên đã mời các nhà nghiên cứu văn hóa lý giải từ các góc độ xã hội, tín ngưỡng, văn hóa, đồng thời đưa ra những giải pháp từ góc độ của mỗi cá nhân để góp phần hạn chế hoặc làm lành mạnh hóa việc thờ cúng, dâng lễ, cầu may, cầu an...
* Giáo sư Nguyễn Văn Huy - nguyên giám đốc Bảo tàng Dân tộc học: Nên biết điểm dừngGiáo sư Nguyễn Văn Huy.
Việc hành lễ, bày tỏ tín ngưỡng, mong ước, nguyện vọng cũng như sự ban tặng với hình thức nào, mức độ nào thì gọi là phù hợp, được xã hội chấp thuận, tán đồng? Theo tôi, quan trọng nhất là biết điểm dừng.
Nếu không có điểm dừng, thật sự đó là một cuộc mua bán, dùng tiền để mua sự may mắn, mua tài mua lộc. Điểm dừng không thể là một rào cản có tính hành chính, nó chỉ có thể được xác định bởi tự thân mỗi con người đặt niềm tin vào tín ngưỡng và những người làm nghề truyền tải niềm tin.
Hãy nhìn sang các ngôi chùa ở các nước láng giềng: Thái Lan, Trung Quốc, Myanmar, Lào... người mộ đạo rất đông nhưng không có hiện tượng buôn thần bán thánh, nhét tiền vào tượng Phật và cũng không có những mâm lễ đầy tú ụ.
Đó là do người dân thật sự giác ngộ tín ngưỡng và biết điểm dừng. Giúp người hành lễ, cả người cầu xin và người làm nghề trung gian nhận thức được điều đó là một quá trình giáo dục lâu dài và bền bỉ của xã hội. Nó cũng quan trọng và bức xúc không kém việc chống tham nhũng.
* Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Bùi Trọng Hiền: Thánh thần không phải quan tham
Ở nước ta đa số tín ngưỡng hiện tồn tại đều trải qua quá trình dung hợp lâu dài, đại thể sẽ thấy các vật phẩm biểu trưng như hương, hoa, đăng, trà, quả, thực. Bên cạnh đó tục đốt tiền âm phủ, vàng mã cũng đã xâm nhập nhiều hình thức tín ngưỡng từ bao đời nay.
Niềm tin “hồn nhiên” của con người quan niệm theo logic càng trao gửi nhiều vật phẩm cúng bái, càng đón nhận được kết quả tương ứng từ thế giới thần linh.
Điều đó đồng nghĩa với việc người có tín ngưỡng vô hình trung đã biến các vị thánh thần trở thành những “ông quan tham” trong một cuộc mua bán tưởng tượng. Ở mặt nào đó, có thể nhận định như một hiện tượng mua bán mang tính vụ lợi cá nhân thông qua việc thờ cúng.
Trên thực tế, sự mê tín và tín ngưỡng vốn không có ranh giới rõ ràng. Chính điều đó càng làm nảy sinh nhiều hiện tượng “cầu xin” mới với nhiều biến tướng khó kiểm soát. Cùng là một lễ cúng bái, nếu làm giản dị nhẹ nhàng thì người ta dễ dàng chấp nhận đó là tín ngưỡng.
Nhưng dường như nếu vật phẩm được chất chồng quá mức, tốn kém lãng phí thì sẽ bị coi là mê tín, buôn thần bán thánh.
Trong một xã hội văn minh, dường như việc kiểm soát “mức độ niềm tin” của con người là điều không thể thực hiện. Có chăng, chúng ta chỉ nên phổ cập giáo dục trên các phương tiện thông tin đại chúng, chia sẻ với những người cai quản các địa điểm thờ tự như đình, đền, chùa, miếu, khống chế trực tiếp bằng các điều luật được thống nhất...
Hòa thượng Thích Hải Ấn (ủy viên hội đồng trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo VN):
Hòa thượng Thích Hải Ấn.
Về nạn đốt vàng mã, dâng tiền trên mâm lễ, rải tiền chỗ nọ chỗ kia..., phải làm sao giảm được điều này chừng nào tốt chừng đó! Ngay cả cán bộ cấp cao từ Hà Nội vào chùa (Từ Đàm, Huế) cũng làm vậy, họ không biết thành ra phải phân tích cho họ biết. Chỉ nên đến chùa và những nơi tâm linh để cầu nguyện, để cho tâm hồn thanh thản, nhẹ nhàng, giúp con đường hướng thiện của mình ngày càng phát triển. Chứ đừng tới chùa với những mưu cầu vật chất, bởi thực tế điều đó không có trong giáo thuyết của nhà Phật.
Theo :Tuổi trẻ