Clip một người đàn ông van nài kẻ đã móc túi mình và gần đây nhất là một em bé hai tuổi bị xe ô tô đâm bị bỏ mặc giữa phố thực sự đã gióng lên những hồi chuông đáng báo động cho thái độ “vô cảm” đến thương tâm trong xã hội hiện nay. Ngay sau khi đoạn clip “cho em xin lại cái bằng lái xe thôi” xuất hiện trên trang Youtube số lượng người xem và bình luận tăng lên chóng mặt. Đoạn clip dài 37 giây với nhân vật chính là một người đàn ông đang van nài kẻ móc túi mình cho xin lại bằng lái xe. Những hình ảnh cảm động đó đã làm nhiều cư dân mạng bức xúc cũng như thể hiện thái độ của mình trước sự việc này.
Người đàn ông van xin kẻ móc túi trả lại tấm bằng lái xe. Ảnh: Vietnamnet.vn
Bạn có nickname Mrbecauseyoulive thể hiện thái độ thất vọng của mình bằng dòng comment: “Chán, khổ thế”. Hay nickname HuyNg97A8 chia sẻ: “Thương ông chú này quá, sao giờ lắm móc túi quá ta”…
Hầu hết những ý kiến phản hồi sau khi clip được đưa lên mạng thể hiện thái độ bất bình với những kẻ đã móc túi người đàn ông này, đồng thời thể hiện niềm thương cảm cho hoàn cảnh mà anh ta gặp phải.
Có thể nhận thấy trong hàng trăm lời bình chỉ có số rất ít người nhắc tới và bình luận về thái độ của những người xung quanh anh ta. Nickname aprilfish89 là một trong số ít người có comment: “xã hội càng hiện đại nhưng con người ta càng trở nên vô cảm và tha hóa…”.
Bạn đọc Hoàng Long cũng có lời bình sau khi bài báo: “Hà Nội: Khốn khổ van nài kẻ cướp trả bằng lái xe” của Vietnamnet được đăng tải: Mình cảm thấy thật sự bị shock khi nhìn thấy sự vô tâm của những người trên xe nhưng cũng không trách được vì có lẽ đó là sự việc họ phải chứng kiến hàng ngày. Nhưng ngay cả các bạn trẻ cũng im lặng. Phải chăng xã hội người Việt Nam luôn vì cộng đồng nay đang bị tha hóa vì đồng tiền và con người càng ngày càng vô cảm trước nỗi đau của đồng loại???...”
Tình trạng móc túi lộng hành trên những chuyến xe bus không còn là vấn đề mới lạ gì trong xã hội, tuy nhiên có một thực tế mà người ta đã không nhắc tới trong đoạn clip trên đó chính là thái độ vô cảm của những bạn trẻ.
Nhiều bạn trẻ có mặt ở đó nhưng không hề có một hành động, lời nói nào thể hiện sự quan tâm hay thái độ bức xúc, bất bình trước hoàn cảnh đáng thương như vậy.
Cũng một câu chuyện tương tự xảy ra cách đây không lâu, những người trẻ tuổi đã thực sự trở nên vô cảm trước những hành động mà họ đã làm khi đó.
Không một ai giúp cụ già mù đi lạc xe bus (ảnh minh họa - nguồn vietbao)
Hôm ấy, tôi (người viết bài) có việc gấp phải rời Hà Nội về Hải Dương để giúp chị gái sửa máy tính nên đón chuyến xe 202 (Hà Nội – Hải Dương) từ bến xe Lương Yên.
Đó là câu chuyện của một bà lão mù một thân một mình tìm đường về nhà với chỉ một mẩu giấy nhỏ ghi địa chỉ trên tay. Đích đến của chuyến xe là thành phố Hải Dương nhưng do mắt đã không còn nhìn thấy gì nên bà lão đã lên nhầm xe đi Hải Phòng.
Tại điểm dừng tiếp theo, anh phụ xe dẫn bà lão xuống trạm chờ để bà có thể bắt chuyến xe khác. Ngồi gần cửa sổ, tôi thấy bà lão chống chiếc gậy dò đường tìm cho mình một chỗ đứng.
Đúng lúc đó, một chiếc xe bus khác vừa đến trạm, một nhóm khách bước xuống cùng với nhóm học sinh, sinh viên đang đứng chờ xe. Bà lão mù lại gần và chìa ra tờ giấy như ý định nhờ chỉ đường. Thế nhưng mọi người lảng ra, tránh xa bà lão.
Chuyến xe của tôi lăn bánh, hình ảnh bà lão bơ vơ giữa dòng người tại điểm dừng xe bus thật khiến cho người ta phải đau lòng. Càng đau lòng hơn khi chính những thanh niên, chủ nhân tương lai của đất nước lại hờ hững trước khó khăn của một bà lão mù mà họ hoàn toàn có thể giúp được trong tầm tay.
Bà lão đi một mình, đi đâu, liệu có an toàn không? Đó không chỉ là một câu hỏi mà còn là lời cảnh tỉnh những bạn trẻ vô tâm trước khó khăn của người khác.
Thực trạng vô cảm trong giới trẻ hiện nay đang trong tình trạng đáng báo động. Cả một thế hệ nắm tương lai vận mệnh nước nhà đang vô tâm trước những hoàn cảnh và hành động mà họ hoàn toàn có thể ra tay giúp đỡ.
Nguồn cơn của những sự vô cảm đến đáng kinh ngạc là do đâu? Do môi trường xã hội, văn hóa, gia đình hay sự thất bại của nhà trường trong việc giáo dục cho con trẻ một trái tim nhân văn?
Đó là câu hỏi không dễ trả lời!
Nguyễn Nam (SV Học viện Báo chí Tuyên truyền)