Thông báo

Icon
Error

Tùy chọn
Xem bài viết cuối Go to first unread
thienduyen88  
#1 Đã gửi : 31/05/2014 lúc 07:29:34(UTC)
Guest

Danh hiệu: Guest

Nhóm: Guests
Gia nhập: 21-05-2014(UTC)
Bài viết: 1,188

Được cảm ơn: 142 lần trong 97 bài viết
UserPostedImage Chấp kiến là một căn bệnh phổ thông của con người, đưa đến sự đau khổ phiền não nhưng ít khi chúng ta nhận ra được điều đó. Thường thường chúng ta sống trong môi trường, hoàn cảnh và bị chi phối bởi môi trường cũng như hoàn cảnh xã hội chung quanh, đi theo một nề nếp quen thuộc, một lối suy nghĩ nhất định nào đó và hay có khuynh hướng nghi ngờ, chống đối lại những gì khác lạ với định kiến của mình. Giữa con người với con người, nếu không biết tôn trọng ý kiến của người khác và cứ mải tranh luận phải trái, hơn thua, xung đột sẽ xẩy ra, đưa đến những bất hòa từ nhỏ đến lớn. Những cuộc chiến tranh, thánh chiến, cũng như những sự xâm lăng, chiếm đất xẩy ra từ trước tới nay cũng vì chấp kiến mà ra. Nhất là trong vấn đề tâm linh, thường có khuynh hướng bác bỏ những niềm tin khác và đôi khi để bảo vệ niềm tin của mình, người ta có thể phạm những tội ác tầy trời để diệt đi những gì cho là đe dọa đến niềm tin đó. Sự chấp kiến như vậy đã trở thành tà kiến, hay ác kiến, là một loại thuốc độc làm biến chất đi tính sáng suốt của lương tri, chẳng những hại chính bản thân mình mà còn cả người khác. Chủ trương của đạo Phật là phá chấp triệt để theo tinh thần “Văn, Tư, Tu” , có nghĩa là: không nên tin vào điều gì một cách mù quáng, mà trước hết phải tìm hiểu, lắng nghe điều ấy, suy nghiệm kỹ càng, và thấy đúng rồi mới thực hành theo. Khi đã thấy được thế nào là chân lý rồi thì có niềm tin vững chắc, có trí tuệ sáng suốt để thực hành, và rồi có biện tài lý giải làm cho người khác có thể tin theo. Ðó là cách thuyết pháp chân chính nhất, dùng trí tuệ để thu phục người, không phải bằng sự cưỡng chế hay võ lực.

Trong kinh A Hàm có kể chuyện một người có kiến chấp rất nặng, nhưng đã được đệ tử của Phật thuyết phục mà nghe theo chánh pháp, được vào cõi lành. Ðó là kinh Tệ Tú, kể chuyện của một người Bà la Môn giầu có, thống lãnh một thôn xóm sầm uất, phong phú. Nhưng Tệ Tú lại rất chấp trước theo tà kiến, không tin có thế giới khác, không tin có hóa sinh, có quả báo thiện ác.
Một hôm, nghe tin đồng nữ Ca Diếp là người uyên bác, thông minh trí tuệ hơn người, lại có biện tài, đã chứng quả A La Hán ghé qua thôn này, dân chúng nghe tiếng bèn rủ nhau lũ lượt đến quy ngưỡng. Tệ Tú thấy vậy cũng đi theo, cốt để chất vấn. Tệ Tú bảo:
“Luận thuyết của tôi là không có thế giới khác, không có hóa sinh, không có quả báo tội phước. Còn luận thuyết của ngài thế nào?”
Ca Diếp đáp: ‘Nay tôi hỏi ông, ông thấy mặt trời, mặt trăng trên kia thuộc về thế giới này hay thế giới khác? Thuộc về trời hay về người?”
Bà la Môn đáp: “Mặt trời, mặt trăng là thuộc về thế giới khác chứ không phải thế giới này, thuộc về trời chứ không phải người.”
Ca Diếp nói: “Như vậy có thể biết là có thế giới khác, có hóa sinh, có quả báo thiện ác.”
Bà la Môn nói: “Tuy ngài nói có như vậy nhưng theo ý tôi thì không có tất cả. Vì sao? Vì tôi chưa bao giờ thấy người chết rồi trở lại nói cho biết là họ đi đâu, mặc dù họ đã hứa sẽ trở lại nói cho tôi biết, nên tôi không tin có thiên đàng, địa ngục, không tin những người tạo nghiệp ác sẽ bị đọa vào địa ngục và những người làm việc thiện sẽ được lên cõi Trời. “
Ca Diếp trả lời: “ Giả sử như có người bị đem ra xử tử, trước khi người ấy bị giao cho đao phủ, lại dùng lời khôn khéo mà xin với thị vệ cho về nhà từ biệt người thân, thị vệ ấy có chịu thả không?”
Tệ Tú nói: “Không.”
“Xem đó thì thấy, ngay trong đời hiện tại, là người cùng loại với nhau còn không chịu thả, huống gì người làm nhiều điều ác, chết đọa địa ngục, ở với quỷ không có từ tâm, thế giới sống chết khác nhau, làm sao xin quỷ thả cho về thăm được? Còn người lên cõi trời như đang bị chìm nơi cống rãnh hôi thối được vớt lên, được tắm gội, gột rửa thơm tho, mặc quần áo đẹp, ở nhà cao cửa rộng, thụ hưởng đủ thú vui ngũ dục, người ấy có còn muốn trở lại cống rãnh trước kia không?”
Tệ Tú trả lời không, nhưng vẫn chưa chịu.
“ Tuy ngài ra dẫn dụ là có thế giới khác, nhưng tôi vẫn cho là không có. Vì sao? Vì tôi có người anh họ tu đủ ngũ giới, chết rồi chắc sẽ được sinh lên cõi trời Ðao Lợi, tôi đã nhờ anh khi chết rồi trở về nói cho tôi biết quả có cõi thiên phước hay không, mà không thấy anh trở lại. Anh ấy là bà con tôi, không lẽ nói dối tôi hay sao? Nên chắc không có đời sau.”
Ca Diếp nói: “ Một ngày một đêm ở cõi trời bằng một trăm năm ở cõi này. Giả sử như người bà con của ông lên cõi trời được, muốn vui chơi trong hai ba ngày rồi mới về báo cho ông biết, thì có còn gặp được ông không?’
“Lúc ấy tôi đã chết mất rồi, làm sao gặp được. Nhưng tôi không tin, ai nói với ngài cõi trời Ðao lợi lại có sự sống lâu như thế?”
“Giả như có người bẩm sinh bị mù, không biết mầu sắc là gì, cũng chẳng thấy mặt trời, trăng sao đâu cả, nếu được hỏi, người ấy sẽ bảo là không có mầu sắc, mặt trời hay trăng sao gì hết, thì có đúng không?”
“Dĩ nhiên là không.”
“Cũng vậy, cái thấy biết của chúng sanh là giới hạn, không như cái thấy biết của Phật thấu suốt mọi thế giới. Chỉ vì ông không thấy được cõi trời Ðao Lợi nên bảo là không có đó thôi.”
Bà La Môn vẫn nằng nặc:
“Tuy ngài nói có, nhưng tôi vẫn không tin có đời sau. Ðó là vì, trước đây trong làng tôi có bắt được kẻ cướp, tôi muốn tìm thần thức của hắn sau khi chết nên bỏ vào cái vạc đóng kín lại, rồi lấy lửa đốt, trong khi đốt tôi cố nhìn kỹ xem thần thức chui ra chỗ nào, sau lại bổ cái vạc ra, cũng không thấy thần thức ở đâu. Như vậy tôi không tin có thế giới khác.”
Ca Diếp hỏi: “Lúc ông ngủ có khi nào nằm mộng thấy núi rừng, sông hồ, vườn quán, đường xá không?”
Ðáp: “Có mộng thấy.”
“Này Bà La Môn, lúc ông nằm mộng như vậy quyến thuộc trong nhà có hầu quanh ông không?”
Ðáp: “có hầu.”
“Như vậy quyến thuộc của ông có thấy thần thức của ông đi ra đi vào không?”
“Không thấy.”
Ông hiện còn sống mà thần thức ra vào còn không thấy được, huống chi tìm nơi người chết. Không thể chỉ dựa vào việc trước mắt mà quán sát chúng sanh. Này Bà la Môn, có những vị Tỳ kheo, đêm ngày không ngủ, tinh cần chuyên tu, lấy sức tam muội mà được thiên nhãn, rồi bằng thiên nhãn ấy quán thấy chúng sanh chết chỗ này sanh chỗ kia, sống lâu hay chết yểu, tùy hành vi mà thọ báo ở cảnh giới nào, thẩy đều biết hết. Oâng không nên vì con mắt uế trược không nhìn thấy chỗ thú hướng của chúng sanh mà vội cho là không có. Ông nên từ bỏ tà kiến của mình, chớ giữ nó suốt đời, chỉ thêm khổ não.”
Bà la Môn nói: “Tôi không thể bỏ được, vì từ sinh ra đến giờ đã quen nghĩ như vậy, luyện tập như vậy rồi.”
Thấy Bà La Môn còn quá cố chấp, Ca Diếp bèn dùng thí dụ để làm sáng tỏ thêm.
“Người có trí nhờ thí dụ mà mau rõ hơn. Nay có ví dụ này, ta kể cho ông rõ.
Có hai người kia, một người trí và một người ngu, rủ nhau ra ngoài thành bứt lúa mọc hoang về làm của. Ðến một xóm hoang, thấy có cây gai mọc đầy đất, người trí bảo người ngu chung nhau lấy đem về, mỗi người mỗi gánh. Sau đó đi ngang một xóm khác, họ thấy có đám chỉ gai. Người trí nói: “Chỉ gai này đã làm thành rồi, nhỏ và mịn, đáng lấy hơn”. Người ngu nói: “Tôi đã lấy cây gai buộc chặt thành bó rồi, không thể bỏ được.” Người trí một mình lấy một gánh chỉ gai đem về. Họ cùng nhau đi, bỗng lại gặp có đám vải gai. Người trí nói, “Vải gai này là do chỉ gai đã làm thành, nhẹ và mịn đáng lấy hơn.” Người ngu nói: “Nhưng tôi đã lấy cây gai buộc thành bó rồi, không bỏ được.” Người trí bèn lấy vải gai đem đi. Bỗng họ lại gặp một đống bông gòn. Người trí nói:” Bông gòn có giá, nhẹ, và mịn, đáng lấy hơn.” Người ngu vẫn khăng khăng: “Nhưng tôi đã lấy cây gai buộc chặt rồi, không bỏ được.” Người trí một mình bỏ vải gai, lấy bông gòn gánh đi. Ðến nơi khác họ lần lượt gặp chỉ bông, gặp vải bông, rồi gặp đồng trắng, gặp bạc, gặp vàng. Người trí nói: “Nếu không có vàng ta mới nên lấy bạc, không có bạc ta mới nên lấy đồng, không có chỉ gai ta mới lấy cây gai, nay ở đây có nhiều vàng là thứ quý hơn tất cả, ngươi hãy bỏ cây gai đi mà lấy vàng đem về.” Nhưng người ngu vẫn nhất định: “Tôi đã lấy gai bó buộc chắc chắn gánh tới đây rồi, không thể bỏ đi được.” Người trí bèn bỏ bạc mà lấy vàng, gánh một gánh nặng đem về. Ðến nhà, bà con thấy anh ta gánh nhiều vàng thì hoan hỉ nghênh đón, còn anh chàng ngu gánh cây gai về thì chẳng ai thèm vui mừng đón tiếp. Người ngu gánh cây gai về mới thấy buồn và hổ thẹn.
Nếu cứ chấp chặt vào mớ kiến thức đã có sẵn và không dám tiếp nhận những gì thuận lý hơn thì cũng như anh chàng ngu kia khư khư ôm lấy bó gai, chẳng được lợi ích gì mà còn bị chê cười vậy.
Bà La Môn nói: “Nếu như quả thật có cõi trời, làm lành sẽ được lên cõi trời, như vậy thì chết đi sẽ sướng hơn, sao các ngài không tự vận chết đi để được lên cõi trời, mà tất cả đều tham sống, không ai tự sát cả. Như vậy đủ hiểu chết vẫn không hơn sống!”
Ca Diếp nói: “Ðể tôi cho ông nghe thí dụ này. Xưa kia có một trưởng lão tuổi đã trên một trăm, có hai người vợ, một người có con trước, một người đang có thai. Trưởng lão không bao lâu sau chết đi. Con người vợ lớn nói với người vợ nhỏ rằng: “Bao nhiêu gia tài này đều về tôi cả, bà không có phần.” Người vợ nhỏ nói: “Hãy chờ ít lâu để tôi sinh. Nếu là con trai thì nó phải có một phần gia tài. Nếu là con gái, cậu cưới nó thì sẽ có tiền.” Nhưng con người vợ lớn cứ nằng nặc đòi chia gia tài cho bằng được, bức bách quá người vợ nhỏ bèn lấy dao tự mổ bụng mình để coi cho biết con trai hay con gái.
Này Bà La Môn, người mẹ này tự sát, lại hại luôn đứa con trong bụng. Chẳng khác gì lý luận của Bà La Môn các ngươi, đã tự giết mình còn muốn giết luôn kẻ khác. Nếu các Sa Môn, Bà La Môn tinh tấn tu thiện, giới đức đầy đủ mà sống lâu ở đời thì hẳn sẽ đem lại nhiều ích lợi, an lạc hơn cho chúng sanh nơi cõi trời người. Ví như hai người chơi đấu bi, người thua đem tẩm độc vào bi đưa cho người được nuốt, người được cứ tiếp tục nuốt bi tẩm độc vào, toàn thân đều bị trúng độc. Aùc kiến cũng như độc dược, nếu không biết xả đi thì sẽ mê muội, khổ sở suốt đời.”
Bấy giờ, Bà La Môn mới quy phục Ca Diếp, và xin quy y nơi Phật, Pháp, Tăng.



(trích kinh A Hàm)
Ai đang xem chủ đề này?
Guest
Di chuyển  
Bạn không thể tạo chủ đề mới trong diễn đàn này.
Bạn không thể trả lời chủ đề trong diễn đàn này.
Bạn không thể xóa bài của bạn trong diễn đàn này.
Bạn không thể sửa bài của bạn trong diễn đàn này.
Bạn không thể tạo bình chọn trong diễn đàn này.
Bạn không thể bỏ phiếu bình chọn trong diễn đàn này.