NPT - Chiều ngày 23/11, một nguồn tin khả tín từ Yên Tử cho hay, 9 giờ sáng ngày 24/11 Đại đức Thích Tâm Mẫn chỉ còn đi 108 bước, lạy 108 lạy nữa là cung đối trước Phật tượng của chùa Đồng, đỉnh cao nhất của non thiêng Yên Tử.Đây có thể được coi là thời khắc lịch sử của Phật giáo Việt Nam vì lần đầu tiên trên thế giới, một nhà sư Việt Nam, 35 tuổi, thực hiện thành công viên mãn hành trình "nhất bộ nhất bái" với độ dài kỷ lục hơn 1800km.
Theo nguồn tin riêng của chúng tôi, trong thời khắc lịch sử này, đại diện một số cơ quan ban ngành của tỉnh Quảng Ninh và Đại đức Thích Tâm Mẫn sẽ cùng lễ tạ Tam Bảo tại chùa Đồng.
Và cũng trong thời khắc này, có nhiều khả năng Phật tử và du khách không được tháp tùng cùng thầy Tâm Mẫn.
Vì vậy, những tấm hình nóng hổi ghi lại thời khắc này sẽ khó có thể có trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đây là điều rất đáng tiếc!
Một điều bất ngờ khá kỳ thú là ngày Đại hội Phật giáo toàn quốc lần thứ 7 bế mạc cũng là ngày nhà sư "nhất bộ nhất bái" viên thành tâm nguyện: duyên kỳ ngộ.
Có vẻ như Đại đức Thích Tâm Mẫn muốn dâng hoa trái tu học của gần 4 năm kiên trì, nhẫn nại này lên chư tôn đức đang tham dự đại hội và toàn thể tăng ni Việt Nam.
Xin giới thiệu vài cảm xúc của cư sĩ Minh Mẫn về duyên hội ngộ độc nhất vô nhị.
Quần Anh
Đại hội PG toàn quốc và sự kiện nhà sư "nhất bộ nhất bái" về đíchSáng ngày 24/11/2012, ĐĐ Thích Tâm Mẫn vừa đến chùa Đồng, núi Yên Tử sau gần bốn năm nhất bộ nhất bái dãi dầu mưa nắng suốt đoạn đường xuyên Việt trên 1800km, phát xuất từ chùa Hoằng Pháp, TP Hồ Chí Minh ngày 27/1/2009 (tức mồng 2 Tết Kỷ Sửu)
Ngày 24/11 cũng là ngày bế mạc Đại hội nhiệm kỳ 7 của GHPGVN tại thủ đô Hà Nội sau khi kết thúc nhiệm kỳ 5 năm vừa qua.
Quả là một sự trùng hợp kỳ lạ như có sự an bài của tâm linh khi kết hợp hai sự kiện quan trọng trong cùng một ngày tại hai vùng đất thiêng của đất nước.
Trong 5 năm qua, Phật giáo có quá nhiều sự kiện buồn vui trên con đường phát triển thì gần 4 năm qua, một hạnh nguyện an bình trải qua bao khó nhọc của một con người mang thân phàm nhưng có một tâm Thánh.
36 giờ đường tàu hỏa hay 2 tiếng đường hàng không, hành khách cũng đã mệt mõi và trong tâm tư diễn ra vô số buồn vui ưu tư lo toan tính toán từ Sài Gòn đến Hà Nội, thì ngược lại gần 9 nghìn giờ nhất bộ nhất bái giúp cho tâm an trụ trong hạnh nguyện của một nhà sư chưa từng có tại Việt Nam. Bấy nhiêu thôi cũng đủ nói lên một công đức to lớn đủ để hàng phật tử ngưỡng mộ.
Một tâm lành luôn tỏa sáng năng lượng tác động đến chung quanh huống nữa sao khỏi ảnh hưởng đến những người con Phật cùng hướng giải thoát.
Mỗi người có một tâm hạnh, mỗi pháp môn có một cách hành trì, mỗi tổ chức có một khuynh hướng đi lên. Chính vì thế, hàng chục nghìn tăng ni và hàng chục triệu tín đồ đầu tư hướng thiện cho ngôi nhà Phật pháp hưng long đã gặp nhau tại một điểm, một điểm kết thúc kỳ diệu giữa một tập thể và một cá nhân cùng một thời điểm trong một xã hội đang phát triển.
Chỉ khác nhau là một tổ chức Giáo hội kết thúc một nhiệm kỳ 5 năm tại Thủ đô thì một cá nhân kết thúc một công hạnh gần 4 năm tại núi rừng Yên Tử, nơi mạch pháp tồn tại nuôi dưỡng thần khí dân tộc.
Nhìn ở khía cạnh tích cực thì sự thành công của ĐĐ Thích Tâm Mẫn như một tâm hoa cúng dường một chặng dài phát triển của Giáo hội bằng sự thành công của đại hội kỳ nầy.
Trong cuộc sống luôn có những cuộc hội ngộ kỳ thú trên một giao điểm vô tình, nhưng tâm linh không hề vô tình nếu cùng một hướng đi lên.
Thành kính chúc mừng sự hoàn nguyện của thầy Thích Tâm Mẫn cũng như sự viên mãn của Phật giáo Việt Nam ngày nay.
Hà Nội mạnh Đông, 23/11/2012
Minh Mẫn