Thông báo

Icon
Error

Tùy chọn
Xem bài viết cuối Go to first unread
cuiyang07  
#1 Đã gửi : 31/05/2014 lúc 07:29:34(UTC)
cuiyang07

Danh hiệu: Administration

Nhóm: Administrators
Gia nhập: 01-06-2014(UTC)
Bài viết: 1,390

Cảm ơn: 757 lần
Được cảm ơn: 3651 lần trong 894 bài viết
Người Trung Quốc thường nhắc tới Đường Thái Tông Lý Thế Dân như một ông vua vĩ đại bậc nhất trong lịch sử của xứ sở này bởi tài năng quân sự lẫn chính trị của ông vua đã sáng tạo nên thời “thịnh trị Khai Nguyên”. Tuy nhiên, có lẽ ít người biết rằng, để tới được chiếc ngai vàng đầy ánh hào quang và những lời ca ngợi ấy, ông vua vĩ đại này sẵn sàng làm tất thảy mọi thứ, kể cả việc phải giết chính những người anh em ruột của mình…

Trên thực tế, Lý Thế Dân vốn không phải là người được ông vua sáng lập nên triều Đại Đường lựa chọn làm người kế thừa ngai báu. Tuy nhiên, bằng vào những chiến tích dặn dày trên chiến trường cùng một đầu óc cơ mưu vượt trội so với người cha lẫn người anh của mình, Lý Thế Dân đã bí mật tổ chức một cuộc chính biến, giết chết hai người anh em của mình là Đông cung thái tử Lý Kiến Thành và Tề Vương Lý Nguyên Cát, trong lịch sử, người ta gọi đây là “Sự biến Huyền vũ môn”. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng, ngoài ngôi vị Thái tử, việc Lý Thế Dân phát động cuộc chính biến ở cửa Huyền vũ còn có một nguyên nhân hoàn toàn khác mà lâu nay ít người biết tới.

Sự biến Huyền vũ môn

Trong số ba người con của Đường Cao Tổ Lý Uyên, ông vua sáng lập nên nhà Đại Đường thì Lý Thế Dân là người tài năng và bản lĩnh nhất. Chính Lý Thế Dân chứ không phải người con trưởng Lý Kiến Thành khuyên Lý Uyên khởi binh chống lại nhà Tùy, lập nên nhà Đại Đường. Tuy nhiên, sau khi Lý Uyên xưng đế, thì lại phải tuân thủ theo luật định từ trước tới nay, phong cho người con cả là Lý Kiến Thành làm Thái tử.

Lý Thế Dân mặc dù chỉ được phong làm Tần Vương song thực tế thì lại nắm trong tay toàn bộ quân đội nhà Đường. Và chính vị Tần Vương tham vọng này là người đã nam chinh bắc chiến, hạ thành Trường An, lật đổ nhà Tùy, dẹp loạn quần hùng, gây dựng cơ nghiệp nhà Đường kéo dài hơn 300 năm sau đó. Cũng chính vì sự khác biệt quá lớn về tài năng lẫn công trạng giữa Tần vương và Thái tử cuối cùng đã dẫn tới một cuộc “huynh đệ tương tàn” đẫm máu và oan nghiệt.

Việc công lao của Lý Thế Dân ngày một lấn lướt khiến Đông cung thái tử Lý Kiến Thành lo lắng không yên. Sợ rằng một ngày kia, Lý Thế Dân sẽ dựa vào công lao chiếm mất ngôi Thái tử của mình, Lý Kiến Thành luôn tìm mọi cách để trừ khử Lý Thế Dân. Cho tới năm Vũ Đức thứ 6, tức năm 626 sau công nguyên, 9 năm sau khi nhà Đại Đường thành lập, quân Đột Quyết tấn công Trung Nguyên.


Nhận thấy cơ hội đã tới, Lý Kiến Thành vào cung xin với Lý Uyên cử người em là Tề vương Lý Nguyên Cát làm thống soái dẫn binh đi đánh quân Đột Quyết. Mục tiêu của Lý Kiến Thành và Lý Nguyên Cát là nhân cơ hội tước đoạt binh quyền rồi sau đó tìm cách giết Lý Thế Dân để trừ hậu họa.

Trong khi Lý Uyên vẫn còn đang do dự chưa quyết thì ngày 3/6 năm đó, quan Thái sử lệnh là Phó Dịch Hướng theo lệnh của Lý Kiến Thành dâng lên Lý Uyên một bản mật tấu nói rằng, trong hai ngày vừa qua, sao Thái bạch kim tinh liên tiếp xuất hiện trên bầu trời Trường An. Sao Thái bạch kim tinh xuất hiện là điềm triệu của chính biến.

Sao Thái bạch lại xuất hiện ở địa phần nước Tần, e rằng người phát động chính biến không ai khác chính là Tần Vương. Lý Uyên sai người đưa cho Lý Thế Dân xem bản mật tấu của Phó Dịch Hướng, ám chỉ Lý Thế Dân lấy cái chết để chứng minh mình trong sạch. Từ trước tới nay, Lý Uyên cũng luôn cánh cánh mối lo về đứa con trai thứ quá giỏi giang của mình, vì vậy, ông vua khai quốc coi đây là cách tốt nhất để giải quyết mọi việc.

Nhận được bức mật tấu của Lý Uyên, Lý Thế Dân ngay lập tức viết lại một bản tấu nói rằng, đây thực tế là âm mưu của Lý Kiến Thành và Lý Nguyên Cát. Hai người này vốn đã kéo bè kết đảng trong triều đình từ lâu, nay lại âm mưu giết oan mình.

Trong bản tấu của Lý Thế Dân có viết: “Thần không hề có oán hận gì với hai người anh em của mình, nay họ lại muốn giết thần. Thần nay chết oan, những vĩnh viễn sẽ không phạm vào đạo quân thần”. Lý Uyên nhận được bản tấu của Lý Thế Dân thì lại kinh ngạc, nói rằng ngày mai ông sẽ cho gọi hai người Lý Kiến Thành và Lý Nguyên Cát vào triều để đối chất, hỏi mọi chuyện cho ra nhẽ.

Lý Uyên có lẽ không ngờ rằng, đó là quyết định sai lầm nhất trong cuộc đời làm vua của mình. Bởi ngay sau khi nhận được tin tức đó, Lý Thế Dân đã quyết định sẽ ra tay trước, giết chết Lý Kiến Thành và Lý Nguyên Cát trước khi hai người vào triều gặp Lý Uyên. Đêm ngày 3/6, Lý Thế Dân dẫn những thuộc hạ tin cẩn của mình mai phục ở bên trong cửa Huyền vũ đồng thời ra lệnh cho Cao Sỹ Liêm phóng thích toàn bộ tù nhân trong ngục, phân phát vũ khí để gây hỗn loạn trong cung nhằm tăng cường binh lực cho mình.

Sáng sớm ngày 4/6, Lý Kiến Thành và Lý Nguyên Cát theo lệnh vua cha vào triều thực hiện cuộc đối chất trước mặt bá quan văn võ. Sau khi hai người vươt qua cửa Huyền vũ, đến gần điện Lâm Hồ, bỗng nhiên thấy có điều gì đó bất thường. Những tên lính canh ở cửa Huyền vũ hôm nay bỗng nhiên trở nên rất xa lạ, tên tướng chịu trách nhiệm canh cửa mà hai người rất quen thân cũng không thấy đâu cả. Đang lúc còn do dự nghi ngờ thì bất ngờ có lệnh truyền tới, nói hai người phải bỏ lại lính hộ vệ, chỉ một mình tới gặp Hoàng đế.

Lý Kiến Thành vừa nghe, biết rằng có chuyện đã xảy ra, vội quất ngựa quay đầu chạy ra khỏi cửa Huyền vũ. Lúc này Lý Thế Dân cùng thuộc hạ từ chỗ mai phục mới xông ra quát: “Đứng lại! Không được chạy!”, vừa quát vừa quất ngựa đuổi theo. Lý Kiến Thành nghe giọng Lý Thế Dân càng quất ngựa chạy nhanh hơn. Nhưng hai người anh em chưa một lần cầm quân ra trận làm sao có thể so sánh được với một vị tướng lĩnh dạn dày trận mạc như Lý Thế Dân.

Chỉ một phát tên của Lý Thế Dân, vị Đông cung thái tử Lý Kiến Thành đã ngã ngựa, chết ngay tại chỗ. Lý Nguyên Cát thấy vậy, cũng rút cung tên đeo bên mình ngựa, bắn liền ba phát về phía Lý Thế Dân. Tuy nhiên, trong lúc tâm trạng bấn loạn, những mũi tên của Lý Nguyên Cát không phát nào tới được chỗ Lý Thế Dân.

Đúng lúc đó, một thuộc hạ của Lý Thế Dân tên là Uất Trì Cung đã đuổi tới. Một cơn mưa sáu bảy phát trên khiến Lý Nguyên Cát rơi khỏi mình ngựa. Đang lúc lồm cồm bò dậy tháo chạy thì Lý Nguyên Cát đã lãnh trọn một đao của Uất Trì Cung.

Trong lúc Lý Uyên còn đang ngồi trong cùng chờ ba đứa con trai của mình thì nghe có tin báo ở bên ngoài đang xảy ra một cuộc hỗn loạn. Đương lúc chưa biết sự thể ra sao thì Uất Trì Cung tay lăm lăm xà mâu dẫn theo một toán binh lính xông vào, chắp tay bẩm báo, nói rằng, Lý Kiến Thành và Lý Nguyên Cát âm mưu làm phản đã bị Tần vương giết cả rồi, “Tần vương sợ loạn quân sẽ làm kinh động đến Hoàng thượng nên sai thần tới hộ giá”.

Uất Trì Cung còn truyền đạt “thỉnh cầu” của Tần vương Lý Thế Dân muốn Lý Uyên hạ lệnh cho bọn lính bảo vệ cung Thái tử và phủ Tề vương không được kháng cự. Lý Uyên nghe xong mới té ngửa người, điềm báo sao Thái bạch kim tinh xuất hiện cuối cùng đã trở thành sự thực, nhưng giờ sự thể đã quá muộn, còn biết làm cách nào được nữa.

Cuối cùng, Lý Uyên đành phải thuận theo sự sắp đặt của Lý Thế Dân, hạ lệnh cho lính bảo vệ của Lý Kiến Thành và Lý Nguyên Cát phải hạ vũ khí, không được kháng cự. Ngay ngày hôm sau, tức ngày 5/6, Lý Uyên ban chiếu chỉ lập Lý Thế Dân làm Thái tử. Hai tháng sau đó, Lý Uyên tuyên bố truyền ngôi lại cho Lý Thế Dân, còn mình thì làm Thái thượng hoàng. Đây là cuộc chiến huynh đệ tương tàn đẫm máu mà sử sách Trung Quốc vẫn gọi là “Sự biến Huyền vũ môn”.

Người phụ nữ sống sót
Sau khi giết Lý Kiến Thành và Lý Nguyên Cát ngay tại cửa Huyền vũ, bức ép cha là Lý Uyên phải lập mình làm Thái tử, để trừ hậu họa về sau, Lý Thế Dân dựa vào tội làm phản của Thành và Cát, giết sạch những người có liên quan. Toàn bộ gia đình Lý Kiến Thành và Lý Nguyên Cát cũng như những người dính líu đến sự việc “mưu phản” đều bị Lý Thế Dân xử tội chết trong đó có 5 người con trai của Lý Kiến Thành và 2 người con trai của Lý Nguyên Cát.

Việc giết những kẻ “hậu nhân” để trừ “hậu họa” này là việc thường xuyên xảy ra trong lịch sử Trung Quốc chứ không riêng gì Lý Thế Dân. Tuy nhiên, có một điều kỳ lạ, được sử sách ghi chép rất rõ là, trong cuộc tàn sát đẫm máu ấy của vị Tần vương họ Lý vẫn có một người sống sót. Đó chính là Tề vương phi Dương Khuê My, vợ của Tề vương Lý Nguyên Cát, tức người em dâu của Lý Thế Dân.


Dương Khuê My vốn là ca nữ nổi tiếng thành Trường An lúc bấy giờ. Không chỉ sắc nước hương trời, hát hay đàn giỏi, Dương Khuê My còn am hiểu sách thánh hiền, xuất khẩu thành chương. Chính vì thế, người đẹp họ Dương đã làm chết mê chết mệt vô số những công tử quý tộc thành Trường An, trong số đó có vị Tề vương ham hưởng lạc nhưng giàu có và đầy quyền lực Lý Nguyên Cát.

Trong thành Trường An lúc bấy giờ, nào ai dám tranh đoạt người đẹp với một đương kim Hoàng tử, thành ra, chỉ ít lâu sau đó, người ta thấy ca nữ họ Dương bỗng dưng biến mất không một dấu vết ở tất cả những chốn ăn chơi hưởng lạc. Thay vào đó, nàng xuất hiện trong phủ Tề vương với tên gọi Dương phi.

Điều khiến người ta thắc mắc chính là, điều gì đã khiến cô gái có xuất thân từ một ca nữ nổi tiếng kinh thành Trường An nhận được sự nhân từ và ưu ái đặc biệt của ông Vua tàn bạo và đầy tham vọng này? Thêm nữa, thực tế thì Lý Nguyên Cát không có đủ khả năng tranh chấp ngai vàng với Lý Thế Dân.

Người trực tiếp đe dọa và thù địch với Lý Thế Dân trước ngai vàng chỉ có một người, đó là Đông cung Thái tử Lý Kiến Thành. Thế nhưng vì sao Lý Thế Dân lại nhẫn tâm giết cả người em ruột của mình?

Người ta nói rằng, chẳng phải ngẫu nhiên mà Dương Khuê My lại được tha chết một cách kỳ lạ và Lý Nguyên Cát lại bị “đuổi cùng giết tận” như vậy.

Trên thực tế, sự biến Huyền Vũ môn là một tên trúng hai đích. Giết Thái tử Lý Kiến Thành, Lý Thế Dân được ngai vàng. Còn giết Lý Nguyên Cát, ông ta có được mỹ nhân Dương Khuê My. Chẳng thế mà chỉ ít lâu sau khi yên vị trên ngai vàng, Lý Thế Dân đã bất chấp mọi đàm tiếu để đưa Dương Khuê My vào hậu cung. Tuy nhiên, có lẽ ít người biết rằng, câu chuyện tình oan nghiệt thực tế đã bắt đầu từ khi ba anh em họ Lý hãy còn thuận hòa.

Sự thật về mối tình oan nghiệt

Trong những năm dài nam chính bắc chiến, Lý Thế Dân thường tranh thủ thời gian nghỉ ngơi trở về kinh thành thăm phụ vương và anh em của mình. Giống như một cách bồi thường, mỗi lần Lý Thế Dân trở về kinh, Lý Kiến Thành cùng Lý Nguyên Cát bỏ hết mọi việc, đặt tiệc thiết đãi Lý Thế Dân vô cùng trọng hậu.

Trong một lần trở về kinh, nhân tiết mùa xuân, ba anh em Lý Thế Dân cùng toàn bộ gia đình ra ngoại ô du lãm. Suốt ngày gò mình trên lưng ngựa nơi chiến trường, giờ tĩnh lặng nhìn gió xuân phảng phất, trời xanh mây trắng, Lý Thế Dân không khỏi cảm thấy hứng khởi. Nhảy phắt lên ngựa, vị Tần vương một mạch phóng ngựa ra bãi cỏ ngút ngàn dưới chân núi.

Ban đầu, nhiều người cũng cưỡi ngựa phóng theo sau, nhưng sau dần, có vẻ như không ai địch lại được vị tướng đã quen hơi lưng ngựa nên mọi người tụt lại phía sau. Khi ngựa sắp chạy vào khu rừng rậm, ngoảnh đầu nhìn, Lý Thế Dân vẫn thấy một người từ xa xa vẫn phi ngựa đuổi theo mình. Đợi ngựa đến gần, Lý Thế Dân mới ngạc nhiên khi đó là Dương phi, người em dâu của mình.

Có lẽ vì dùng hết sức để đuổi theo, mặt Dương phi đỏ bừng, thở hổn hển, hai vệt tóc mai xõa xuống rối bời vì gió. Lý Thế Dân dừng lại đỡ Dương Khuê My xuống ngựa. Và cũng chỉ chờ có thế, Dương phi ngã vào lòng Lý Thế Dân. Trong giấy phút bất ngờ ấy, vị Tần vương dũng mãnh trên chiến trường cũng không biết làm cách nào để xoay sở nữa.

Hóa ra, sau khi có được cô ca nữ xinh đẹp bậc nhất kinh thành, vị Tề vương cả thèm chóng chán Lý Nguyên Cát nhanh chóng bỏ bê người vợ xinh đẹp để quay trở lại những chốn ăn chơi tìm của lạ. Vì vậy, dù đã trở thành Tề Vương phi quyền quý sang trọng nhưng cuộc sống của Dương Khuê My lại trở nên lạnh lẽo với bốn bức tường không.

Bản tính vốn đa tình, Dương Khuê My cảm thấy vô cùng tủi phận. Nhưng cũng trong khoảng thời gian cô chỉ còn biết khóc dòng cho số phận ấy, cô đã gặp người anh hùng của đời mình, Tần Vương Lý Thế Dân. Người anh chồng dũng mãnh và tài danh, xét về mọi mặt đều vượt trội so với gã chồng Lý Nguyên Cát xấu xí lại chỉ biết ăn chơi hưởng lạc từ lâu đã khiến Dương Khuê My ngưỡng mộ muôn phần. Vì thế, càng bị Nguyên Cát ghẻ lạnh bao nhiêu thì tình yêu thầm kín mà Dương Khuê My dành cho Lý Thế Dân càng lớn bấy nhiêu.

Thực ra với cô em dâu xinh đẹp này, Lý Thế Dân không phải không có vài phần lưu tâm. Đặc biệt là trong những lần yến ẩm, Lý Thế Dân bao giờ cũng thấy sự u uất, sầu não trong mỗi nét cười của Dương Khuê My.

Sau khi tỏ tường chuyện gia đình không lấy gì làm hòa thuận của Nguyên Cát, Lý Thế Dân càng không khỏi có chút cảm thương cho thân phận của một mỹ nhân phải chịu cảnh phòng không lẻ bóng. Một bên là tấm lòng luyến tiếc mỹ nhân của một anh hùng, một bên là tình yêu vụng trộm của một thiếu nữ đa tình, vì vậy khi đã đến gần bên nhau, không gì có thể cản trở hai người hòa hợp làm một.

Cũng từ đó về sau, mỗi lần Lý Thế Dân về triều là lại tìm mọi cách gặp cho được Dương phi. Cũng may Lý Nguyên Cát cả ngày đam mê tửu sắc ở bên ngoài, chẳng chú ý gì đến Dương Khuê My nên mối tình Lý Thế Dân và Dương Khuê My có không ít cơ hội nảy nở phát triển. Lại thêm tình yêu dan díu, vụng trộm vượt ngoài mọi khuôn khổ này là thứ kích thích vô cùng đối với cả Lý Thế Dân và Dương Khuê My, thành ra cả hai người đều bị chìm đắm trong mối tình đầy nghiệp chướng này, cho tới tận khi xảy ra sự biến Huyền Vũ môn và Lý Nguyên Cát bị giết chết.

Nhiều người nói rằng, sau khi đã dùng tên bắt chết Lý Kiến Thành, Lý Thế Dân hoàn toàn có thể ra lệnh cho thuộc hạ dừng tay không truy sát Lý Nguyên Cát. Bởi lẽ xét cho cùng thì người muốn đương đầu với Lý Thế Dân chỉ có một mình Lý Nguyên Cát. Thế nhưng, vì muốn chiếm đoạt cô em dâu xinh đẹp, Lý Thế Dân đã nhẫn tâm sát hại luôn cả người em ruột của mình.

Lý Nguyên Cát đã chết, nhưng làm cách nào để hợp thức hóa mối quan hệ giữa mình và cô em dâu mà không bị triều thần dị nghị, nhất là khi mình vừa nhận chức Thái tử? Tính toán ngược xuôi, cuối cùng, Lý Thế Dân nghĩ ra một kế, đưa Dương Khuê My về cung Thái tử nhưng vẫn với thân phận Tề vương phi.

Vốn thân với vợ cả của Lý Thế Dân là Trưởng Tôn vương phi từ trước nên sau toàn gia bị giết, Dương phi thường lấy cơ tâm sự để lui tới cung Thái tử. Sử sách chép rằng, ít lâu sau sự biến Huyền vũ môn, một hôm khi Dương phi và Trương Tôn vương phi đang ngồi nói chuyện tại cung Thái tử thì Lý Thế Dân đột nhiên bước vào.

Dương phi đứng dậy chào, rồi đợi khi Lý Thế Dân vừa ngồi xuống, Dương phi lập tức quỳ xuống xin Lý Thế Dân ban cho mình cái chết. Đột ngột bị cô em dâu xinh đẹp quỳ trước mặt xin được chết, Lý Thế Dân trong phút chốc không biết đáp lời ra sao. Trương Tôn vương phi vội vàng khuyên giải, Dương phi khóc nấc lên, nhất định không chịu đứng dậy, trông rất yếu đuối tội nghiệp. Lý Thế Dân thấy Dương phi quá đáng thương, mới đứng dậy, liên miệng mời cô em dâu xinh đẹp đứng dậy rồi mới nói tiếp.

Phải đợi tới lúc Trương Tôn vương phi đưa tay dìu, Dương Phi mới chịu đứng lên song vẫn khóc mãi không thôi. Lý Thế Dân lúc này mới nói: “Vương phi đừng quá đau buồn! Tề vương âm mưu làm loạn, chẳng có liên quan gì đến vương phi cả. Ta còn sống một ngày thì nhất định sẽ chăm sóc Vương phi, Vương phi chớ có lo nghĩ nhiều. Nếu như Tề vương phủ quá cô quạnh, hay là Vương phi cứ chuyển tới chỗ ta ở, hai chị em cô có thể thoải mái tâm sự mà ta thì cũng không phải lo lắng”. Người ta nói rằng, thực tế đây chỉ là trò diễn của Lý Thế Dân và Dương Khuê My nhằm qua mặt người vợ Trương Tôn và bá quan văn võ trong triều mà thôi.

Ngay trong ngày hôm đó, Dương phi “tuân mệnh” Thái tử Lý Thế Dân chuyển tới ở Đông cung. Lý Thế Dân sai người dọn một căn phòng sạch sẽ rồi tự tay mình bày trí, sắp xếp để đón Dương phi. Đồng thời còn cử những người hầu tâm phúc của mình tới hầu hạ riêng cho Dương phi. Từ đó, trong cung Thái tử, Dương phi được đối đãi như thượng khách.

Tiết trung thu năm đó, Thái tử ban tặng vàng ngọc châu báu cho những người vợ của mình, cũng không quên dành tặng Dương phi một phần. Khi sứ thần Nhật Bản tặng một đôi rèm bằng lụa quý, Lý Thế Dân dành một bộ cho Trương Tôn vương phi, bộ còn lại không cho bất cứ người vợ nào khác mà dành cho Dương phi. Lý Thế Dân đối xử với Dương phi không hề kém gì so với người vợ đã đồng cảm cộng khổ với mình trong suốt nhiều năm.

Ít lâu sau đó, khi Lý Thế Dân lên ngôi Hoàng đế, sử sách gọi là Đường Thái Tông, đã nạp luôn người em dâu xinh đẹp họ Dương làm quý phi. Quyết định này của Đường Thái Tông gặp phải sự phản đối kịch liệt của triều thần. Tuy nhiên, không gì có thể ngăn cản ông vua si tình này. Sau đó ít lâu, khi Trưởng Tôn Hoàng hậu qua đời vị bạo bệnh, Hoàng đế Lý Thế Dân còn dự định sẽ phong cho Dương quý phi làm Hoàng hậu thay thế.

Lần này, sự phản ứng của các đại thần còn dữ dội hơn. Người ta nói rằng, một người phụ nữ có nguồn gốc ca nữ ti tiện, lại đã qua một đời chồng mới được đưa vào cung tuyệt đối không thể ngồi ở ngôi mẫu nghi thiên hạ được. Cãi không lại các đại thần của mình, Lý Thế Dân mới đành từ bỏ ý định lập Dương quý phi làm Hoàng hậu.

Cho tới tận ngày nay, Lý Thế Dân vẫn được người ta nhắc tới như một ông vua vĩ đại vào loại bậc nhất trong lịch sử Trung Quốc. Tuy nhiên, có thể khẳng định rằng, việc biến người em dâu xinh đẹp trở thành một ái thiếp trên long sàng là một vết nhơ không thể tẩy rửa trong sự nghiệp bạt ngàn những lời ca ngợi và chiến tích của ông Vua nổi tiếng này.

Phong Nguyệt
NHƯ LAI THIỀN MẬT CHÚ CHUẨN ĐỀ UẾ TÍCH
thanks 1 người cảm ơn cuiyang07 cho bài viết.
Phuc An trên 27-07-2020(UTC) ngày
Ai đang xem chủ đề này?
Guest
Di chuyển  
Bạn không thể tạo chủ đề mới trong diễn đàn này.
Bạn không thể trả lời chủ đề trong diễn đàn này.
Bạn không thể xóa bài của bạn trong diễn đàn này.
Bạn không thể sửa bài của bạn trong diễn đàn này.
Bạn không thể tạo bình chọn trong diễn đàn này.
Bạn không thể bỏ phiếu bình chọn trong diễn đàn này.