Câu chuyện này, khi ở Trúc Lâm, bậc đạo sư đã kể lại về một người Bà-la-môn giỏi đoán những điềm báo cho là được thể hiện trên y phục. Truyền thuyết nói rằng thời ấy ở thành Vương Xá, một người Bà-la-môn giàu có nhưng hết sức mê tín.
Một hôm, sau khi tắm xong, người Bà-la-môn bảo đem y phục lại và được báo cho biết là áo của ông đã bị một con chuột cái cắn. Người ấy suy nghĩ, “quần áo bị chuột cắn là trong nhà sắp có đại nạn. Đấy là một điềm xấu, như lời nguyền rủa.”
Chuyện tương tự như vậy đã xảy ra trong rất nhiều đời. Bà già chuẩn bị đi bán hàng, ra đến đầu ngỏ gặp… gái (chứ không phải gặp anh hùng). Bà quay trở lại nhà vì nghĩ rằng… xui xẻo, nếu đi buôn bán không được. Một cô mới sáng sớm mở cửa hàng, có người đến xem hàng xem họ… rồi chẳng chịu mua. Thế là cô mắng tét tát người đó vì sợ xui cả ngày. Nếu lỡ gặp người nào… nặng vía (?) thì dù có mở hàng cô cũng nhất định không bán. Nhiều người khi đi chợ, không dám mua mở hàng vì sợ cô hàng xinh đẹp… ế hàng cả ngày sẽ rủa mình một trận. Hoàn toàn tương tự, hàng năm, giới buôn bán đều nhờ thầy xem cho ngày khai trương. Thầy bảo mùng ba tốt thì các cửa hàng đều đồng loạt khai trương, có lẽ vì nhiều thầy nhưng… cùng một sách. Nếu thầy phán mùng bốn sát chủ thì không ai dám mở cửa hàng. Vài năm gần đây, nhiều cửa hàng mở cửa buôn bán qua tết, không nghỉ. Thế là việc khai trương không còn nữa, vì có đóng cửa ăn Tết đâu mà khai trương.
Khi áo bị chuột cắn thì không thể cho con trai, con gái, nô tỳ hay người làm công… Ai lấy y phục này, đại nạn sẽ đến với người xung quanh. Ta hãy quăng nó vào nghĩa địa, chổ quăng xác chết. Nhưng không thể giao cho những nô tỳ đi làm việc này. Chúng có thể khởi lòng tham, lấy bộ y phục ấy và gặp nạn. Người Bà-la-môn cho gọi con trai và nói rõ sự việc ấy: “ Này con thân, chớ lấy tay chạm vào cái áo này. Hãy lấy gậy mang nó quăng xa vào nghĩa địa rồi tắm cả đâu cho sạch”.
Ông Bà-la-môn này tốt bụng. Ông sợ cái áo xui xẻo kia sẽ gây đại nạn cho người khác. Trong môi trường cạnh tranh hiện nay, thị trường là chiến trường, doanh nghiệp A có thể tìm cách hạ thấp uy tính doanh nghiệp B. Chuyện xui xẻo cho A thành chuyện may của B. Những gì đem lại may mắn thì phải tìm cách giành cho được. Chuyện chen lấn nhau để lấy được ấn đền Trần là biểu tâm lý đó của một số người. Ông Bà-la-môn trong truyện không có tâm lý đó.
Sáng sớm ngày hôm đó, bậc Đạo sư nhìn xem có ai mà ngài có thể hóa độ. Ngài thấy người cha và người con ấy có căn duyên với quả Dự lựu. Như người thợ săn thú, người đi theo con đường thú đi và ngồi trước của nghĩa địa ấy, phóng ra hào quang sâu sắc của Đức Phật.
Đức Phật thấy được sự tốt bụng của cha con ông Bà-la-môn. Ngài biết rằng chỉ cần giúp họ tin vào nhân quả, tin rằng mọi đều có nguyên nhân từ chính mình, rằng làm điều tốt sẽ được điều tốt, làm điều xấu sẽ gặp điều xấu, thì họ không còn mê tính lành dữ nữa.
Thanh niên trẻ Bà-la-môn vâng lời theo cha, mang bộ y phục trên đầu cây gậy, như mang con rắn độc và đi đến cửa nghĩa địa. Bậc Đạo sư hỏi:
Này thanh niên, làm gì vậy?
- Thưa Tôn Giả Gotama, bộ y phục này bị con chuột cái cắn, được xem là lời nguyền rủa, được ví như nọc độc con rắn. Cha tôi sợ rằng nếu giao cho người khác quăng bộ y phục này, họ có thể khởi lòng tham và lấy dùng, nên mới sai tôi. Tôi cầm lấy bộ y phục, hứa rằng tôi sẽ quăng và sẽ tắm cả đầu. Tôi đến đây là vậy, thưa Tôn Giả Gotama!
- Vậy ngươi hãy quăng đi !
Thanh niên Bà-la-môn quăng bộ y phục ấy. Bậc đạo sư nói :
Y phục này thích hợp với chúng tôi .
Tôn giả Gotama , chớ có lấy bộ y phục bị nguyền rủa này.
Đức Phật vẫn lấy bộ y phục và đi về hướng Trúc Lâm .
Nhận luôn vật mang điềm xấu , Đức Phật đã làm cho anh thanh niên ối rối , vì nó ngược với suy nghĩ thông thường . Điều xui xẻo chỉ xảy ra cho hành động xấu trong quá khứ của mình . Điều may mắn chỉ xảy ra cho hành động tốt trong quá khứ của mình , do đó, nếu bị xui xẻo , không phải chỉ do ra ngõ gặp gái , không phải chỉ do khách hàng …nặng vía , không phải chỉ do khai trương không đúng ngày . Nếu được may mắn thì chắc chắn không phải do ấn đền Trần . Nếu nhận thức được điều ấy , người ta sẽ không phải chen lấn lấy bằng được Ấn đền Trần . Nếu nhận thức được điều này , cô chủ cửa hàng sẽ không mắng khách hàng nữa mà còn …cảm ơn . Cảm ơn vì biết phước đức của mình mỏng như cánh hoa tường vi , lẽ đương nhiên là chẳng có ma nào ghé vào cửa hàng của mình . Nay có một người ghé , dù chẳng mua , cũng là đã tốt hơn nhiều . Lẽ ra phải là cám ơn thay vì chửi mắng .
Thanh niên đi rất mau về thưa với cha :
Thưa cha, bộ y phục con quăng ở nghĩa địa; nhưng dù con ngăn cản , Sa-môn Gotama vẫn lấy vì cho là thích hợp và đã đi đến Trúc Lâm !
Người Bà-la-môn suy nghĩ :
Bộ y phục này là điềm xấu , giống như bị nguyền rủa . Dùng nó Sa-môn Gotama sẽ bị tai hại . Do vậy , chúng ta sẽ bị chỉ trích . ta sẽ đem cho Sa-môn Gotama nhiều y phục khác và khiến Sa-môn Gotama quăng bộ y phục đó đi !
Người Bà-la-môn này quả thật có quan tâm đến người khác , ngoài ra ông còn sợ bị mang tiếng nếu Đức Phật bị tai nạn cì sử dụng cái áo bị chuột cắn . Do đó , ông định đem đến cho Đức Phật nhiều áo khác để thay thế .
Người Bà-la-môn cùng với con trai đi đến Trúc Lâm , thấy bậc Đạo sư , đứng một bên và thưa :
Thưa Tôn Giả Gotama , có thật chăng , Tôn giả có lấy một bộ y phục bị vứt ở nghĩa địa ?
Thật vậy , này người Bà-la-môn !
Thưa Tôn giả Gotama , y phục ấy sẽ mang lại điềm xấu . Nếu Tôn giả sử dụng nó sẽ bị tai hại và cả tịnh xá cũng sẽ bị tai hại , nếu Tôn giả không có áo mặc hay áo đắp , hãy lấy những cái áo này và vứt y phục kia đi .
Này người Bà-la-môn , chúng tôi là người xuất gia . Đối với chúng tôi , các mảnh vải vứt ở nghĩa địa , giữa đường , đống rác , chỗ tắm rửa vẫn còn có thể dùng được . Ông vẫn mê tín điềm lành dữ như thuở xưa .
Đức Phật kể lại câu chuyện trong một đời trước , câu chuyện đa từng xảy ra tương tự . Sau khi kể chuyện xưa , Bậc đạo sư đọc bài kệ :
Ai thoát điềm lành dữ
Thoát mộng và các tướng
Vị ấy vượt qua được
Lỗi lầm điềm lành dữ
Hai ách được nhiếp phục
Không còn phải tái sanh
Câu chuyện thuật tiếp rằng , dựa vào bài kệ nói trên , bậc Đạo sư thuyết pháp cho vị Bà-la-môn . Ngài cũng giảng cho hai cha con người Bà-la-môn về Bốn sự thật . Cuối bài thuyết giảng , vị Bà-la-môn cùng với người con trai đều chứng quả Dự lưu .
Tấn Nghĩa: Văn hóa Phật giáo