Thông báo

Icon
Error

Tùy chọn
Xem bài viết cuối Go to first unread
cuiyang07  
#1 Đã gửi : 31/05/2014 lúc 07:29:34(UTC)
cuiyang07

Danh hiệu: Administration

Nhóm: Administrators
Gia nhập: 01-06-2014(UTC)
Bài viết: 1,390

Cảm ơn: 757 lần
Được cảm ơn: 3651 lần trong 894 bài viết

Hoài Nhượng Không hẳn là người lừng danh với các công án, song thiền sư Nam Nhạc Hoài Nhượng đã làm được hai việc cực kỳ quan trọng. Một là chọn được một người thầy tài năng là Lục Tổ Huệ Năng, hai là chọn được một người kế thừa xuất sắc, đó chính là Mã Tổ Đạo Nhất.

Thiền sư Hoài Nhượng là người đã kế thừa xuất chúng dòng thiền của Huệ Năng, đồng thời ông cũng là người đã đặt nền móng cho hai trong số năm tông phái của Thiền Tông Trung Quốc bằng việc đào tạo nên Mã Tổ Đạo Nhất. Những huyền thoại còn được lưu truyền cho tới ngày nay về vị thiền sư này, hầu hết đều liên quan tới hai sự kiện đặc biệt quan trọng đó…

Bái sư học đạo

Bắt đầu từ thời Lục Tổ Huệ Năng, Thiền tông Trung Quốc bị chia rẽ thành nhiều phái, nhánh khác nhau. Bắc có Thần Tú, đại đệ tử của sư Hoằng Nhẫn, người từng được coi là người kế thừa xứng đáng của Hoằng Nhẫn. Nam thì có Huệ Năng, người được chính Hoằng Nhẫn lựa chọn, truyền lại cho y bát từ thời Bồ Đề Đạt Ma, người được coi là vị tổ thứ sáu chính thức của Thiền tông Trung Quốc.

Người Trung Quốc vốn trọng sự chính danh, vì vậy, mặc dù hai phái Nam Bắc chẳng bên nào chịu nhường bên nào, song người ta vẫn coi dòng thiền của Lục Tổ Huệ Năng là dòng chính tông. Nam Nhạc Hoài Nhượng chính là người đệ tử chân truyền của Lục Tổ, là người kế thừa của dòng thiền chính tông đầu tiên kể từ khi Thiền tông Trung Quốc bắt đầu có sự chia rẽ đồng thời cũng là người đặt nền móng tông phái mang chính tên ông, tông phái Nam Nhạc Hoài Nhượng.

Nam Nhạc Hoài Nhượng sinh năm 677, là người họ Đỗ, quê ở Kim Châu, nay là huyện An Khang, tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc. Ban đầu, sư có pháp danh là Hoài Nhượng, nhưng sau vì tu ở Phúc Nghiêm, Nam Nhạc, nên người ta mới gọi ông là Nam Nhạc Hoài Nhượng. Từ nhỏ, cậu bé nhà họ Đỗ đã thích đọc kinh Phật, tìm hiểu các vấn đề của Phật giáo.

UserPostedImage
Hoài Nhượng

Một hôm, từ phương xa có một vị pháp sư tên là Huyền Tịnh tìm tới nhà họ Đỗ. Vị pháp sư này nói với cha mẹ của Hoài Nhượng rằng: “Cậu bé này nếu như có thể xuất gia thì chắc chắn sẽ có thành tựu xuất sắc, đồng thời cũng có thể quảng độ chúng sinh”. Nghe theo lời khuyên của vị pháp sư nọ, năm Hoài Nhượng lên 15 tuổi, cha mẹ ông đưa ông tới chùa Ngọc Tuyền ở Kinh Châu xuất gia.

Khi mới xuất gia, Hoài Nhượng chăm chỉ học luật, giữ giới nhưng không thấy hài lòng với kết quả. Hoài Nhượng tự nhủ: “Phàm là người xuất gia phải vì pháp vô vi, trên trời và nhân gian không gì hơn được”. Đang trong lúc băn khoăn vì hướng đi tương lai thì Hoài Nhượng được một hòa thượng tên là Sùng Sơn Huệ An chỉ điểm, nói ông nên tới yết kiến Lục Tổ Huệ Năng bởi vị này sẽ giúp ông giải đáp tất cả những điều băn khoăn. Muốn tiến xa hơn trên con đường tu học, từ Kinh Châu, Hoài Nhượng lặn lội tới tận vùng Tào Khê để xin gặp Lục Tổ Huệ Năng.

Khi Hoài Nhượng vào tham vấn Lục Tổ Huệ Năng, Huệ Năng hỏi: "Ở đâu đến?". Hoài Nhượng đáp: “Ở Tung Sơn đến". Huệ Năng lại hỏi: “Là thứ đồ gì, làm sao mà tới?”. Lúc đó, Hoài Nhượng không biết trả lời ra sao, bèn quyết định lui xuống, ở lại hầu hạ Huệ Năng để tự mình rèn rũa thêm. Sau tám năm nghiên cứu Phật pháp, Hoài Nhượng chợt bừng tỉnh đến gặp Lục Tổ và nói: “Con đã hiểu rồi!”. Lục Tổ Huệ Năng hỏi: “Con hiểu điều gì?”. Hoài Nhượng đáp: “Nói là vật gì là không đúng!”. Huệ Năng nghe xong liền hỏi ngay: “Vậy có cần phải sửa đổi lại cho đúng không?”.

Hoài Nhượng đáp: “Tu chứng tức chẳng không, nhiễm ô tức chẳng được". Huệ Năng nghe thấy vậy bèn nói: “Chính cái không nhiễm ô này là chỗ hộ niệm của chư Phật, ngươi đã như thế, ta cũng như thế. Tổ thứ 27 Bát-nhã Đa-la ở Tây Thiên có lời sấm rằng: “Dưới chân ngươi sẽ xuất hiện con ngựa tơ đạp chết người trong thiên hạ”. Sự việc này ngươi chỉ cần nhớ lấy trong lòng, không cần phải nói ra sớm”.

Sự thực sau đó đã chứng minh, đệ tử của Hoài Nhượng, Mão Tổ Đạo Nhất là người đã truyền bá thiền pháp rộng rãi, đồng thời cũng là người thành lập nên tông phái Lâm Tế và Vi Ngưỡng (còn gọi là Ngưỡng Tông).

Hoài Nhượng tiếp tục ở lại chùa Bảo Lâm nghiên cứu Phật pháp và phụng sự cho Huệ Năng. Sau 15 năm ở cùng Huệ Năng, tới khi thầy mình qua đời, Hoài Nhượng mới chuyển tới chùa Bát Nhã ở Nam Nhạc Hành Sơn để truyền bá thiền pháp, bắt đầu sáng lập nên thiền phái Nam Nhạc phân biệt với nhánh thiền của người đồng môn, cùng là đệ tử của Huệ Năng là sư Thanh Nguyên Hành Tư. Thiền phái của sư Thanh Nguyên Hành Tư sau này là người mở đầu cho ba tông phái Tào Động, Vân Môn và Pháp Nhãn. Có thể nói, sự phân chia tông phái của Thiền tông Trung Quốc như ngày nay là bắt nguồn từ Hoài Nhượng và Thanh Nguyên Hành Tư.

Thu nạp đệ tử

Sau khi tới chùa Bát Nhã ở Nam Nhạc, sư Hoài Nhượng tập hợp tiền của cho xây sửa lại tự viện, sau đó đổi tên chùa từ Bát Nhã thành chùa Quan Âm, chuyên việc truyền bá Thiền tông. Hoài Nhượng thu nạp đệ tử từ khắp nơi, nỗ lực hết sức mình để truyền bá tư tưởng Thiền tông đốn ngộ của Lục Tổ Huệ Năng.

Khi đó, tại núi Nam Nhạc, có một hòa thượng họ Mã tên Đạo tự mình lập am tu hành theo yếu pháp “tiệm ngộ” của Bắc Tông do Thần Tú đứng đầu. Hàng ngày, Mã Đạo Nhất thường ngồi thiền định trên các mỏm đá trên ngọn Nam Nhạc, rất ít qua lại với những người xung quanh. Một ngày nọ, Hoài Nhạc thấy Mã Đạo Nhất ngồi thiền, mới hỏi: “Đại đức ngồi thiền làm gì?”. Mã Đạo Nhất trả lời: “Để làm Phật”.

Hôm sau, Hoài Nhượng chuẩn bị sẵn một viên gạch, đến trước am của Mã Đạo Nhất ngồi mài liên tục. Mã Đạo Nhất thấy vậy, bèn bước ra hỏi: “Thầy mài gạch làm gì?”. Hoài Nhượng đáp: “Mài để làm gương”. Mã Đạo Nhất nói: “Mài gạch đâu thể làm gương được?”. Hoài Nhượng lại nói: “Ngồi thiền cũng đâu thể trở thành Phật được”. Mã Đạo Nhất biết là mình đã gặp bậc thầy, mới hỏi: “Vậy phải làm thế nào mới phải?”. Hoài Nhượng hỏi vặn lại: “Nếu như trâu kéo xe, xe không đi thì phải đánh trâu hay đánh xe?”.



Nghe tới đây, Mã Đạo Nhất lặng thinh không đáp. Hoài Nhượng nói tiếp: “Thiền ngồi mãi cũng chẳng thành, mà Phật ngồi mãi cũng chẳng tới”. Nghe tới đây, Mã Đạo Nhất bèn quỳ xuống lễ bái, hỏi: “Dụng tâm thế nào mới hợp với vô tướng tam-muội?”. Hoài Nhượng đáp: “Ngươi học pháp môn tâm địa như gieo giống, ta nói pháp yếu như mưa móc, nếu duyên ngươi hợp sẽ thấy đạo này”.

Đạo Nhất hỏi: “Đạo không có sắc tướng làm sao thấy?”. Sư bảo: “Con mắt pháp tâm địa hay thấy được đạo”. Đạo Nhất hỏi tiếp: “Có thành hoại chăng?”. Sư đáp: “Nếu thấy cái thành hoại, tụ tán mà nghĩ là thấy Đạo thì không thể thấy Đạo” và làm bài kệ: “Tâm địa chứa các giống/ Gặp ướt liền nảy mầm/ Hoa tam-muội không tướng/ Thì sao có hoại thành?”.

Thiền sư Đạo Nhất nghe đây như được mở mắt, bái Hoài Nhượng làm thầy và ở lại hầu hạ sư hơn 10 năm, chuyên tu theo pháp môn “đốn ngộ” của Huệ Năng truyền lại. Trong tất cả môn đệ của Hoài Nhượng, chỉ có một mình Đạo Nhất được truyền pháp ấn. Sau này, Mão Đạo Nhất mở đường thuyết pháp ở Giang Tây, truyền bá giáo nghĩa Nam Tông, trở thành giáo chủ một phương. Người đương thời gọi ông là Giang Tây pháp chủ. Sau này, chỗ Hoài Nhượng mài gạch trước am Mã Đạo Nhất được gọi là Ma Kính đài (đài mài kính), đồng thời khắc ở chỗ này hai chữ Tổ nguyên.

Mặc dù xuất thân từ Bắc Tông, theo pháp môn “tiệm ngộ”, tuy nhiên, kể từ khi theo Hoài Nhượng tu học, Mã Đạo Nhất trở thành người đệ tử xuất sắc nhất của thiền phái tu theo pháp môn đốn ngộ này.

Sau Lục tổ Huệ Năng, Mã Đạo Nhất là người đã đem lại cho Thiền Trung Quốc một sắc thái đặc biệt. Mã Đạo Nhất chuyên sử dụng những phương pháp quái dị để dạy học trò như tiếng quát, im lặng, dựng phất tử, hay thình lình đánh gậy.

Có khi, ông xô học trò xuống đất, vặn mũi bứt tóc, tung ra những câu hỏi bất ngờ và cho những câu trả lời mâu thuẫn. Mục đích của mọi hành động này là kéo thiền sinh ra khỏi mọi thói quen lí luận, dùng những cú sốc mạnh mẽ để giúp học trò khỏi vòng vây bọc của khái niệm, để sau đó có một kinh nghiệm giác ngộ trực tiếp. Uy tín của Mã Đạo Nhất lan rộng tới mức, người đời đều gọi ông là Mã Tổ, tức vị tổ họ Mã để bày tỏ sự kính trọng.

Sau khi Đạo Nhất rời khỏi núi Nam Nhạc không bao lâu, vào năm Thiên Bảo thứ 3, tức năm 744, sư Hoài Nhạc viên tịch tại chùa Bát Nhã, núi Nam Nhạc, thọ 67 tuổi. Đường Kính Tông tưởng nhớ công lao của ông mới sắc phong cho ông làm Đại Huệ Thiền sư, người đời gọi ông là Thất Tổ. Cũng bắt đầu từ đây, Thiền tông Trung Quốc bắt đầu hình thành cảnh tượng phồn hoa với năm chi phái khác nhau.


Bằng Hư:Phunutoday
NHƯ LAI THIỀN MẬT CHÚ CHUẨN ĐỀ UẾ TÍCH
Ai đang xem chủ đề này?
Guest (2)
Di chuyển  
Bạn không thể tạo chủ đề mới trong diễn đàn này.
Bạn không thể trả lời chủ đề trong diễn đàn này.
Bạn không thể xóa bài của bạn trong diễn đàn này.
Bạn không thể sửa bài của bạn trong diễn đàn này.
Bạn không thể tạo bình chọn trong diễn đàn này.
Bạn không thể bỏ phiếu bình chọn trong diễn đàn này.