Một bản chép tay kinh Phật quý hiếm, được phát hiện bởi những người chăn thả gia súc vào năm 1931, đã được in thành sách và phát hành ở Ấn Độ.
Bộ kinh Pháp Hoa được tìm thấy năm 1931
Đó là bộ kinh Pháp Hoa đã được tìm thấy ở Gilgit, Pakistan ngày nay.
Tài liệu này, có niên đại từ thế kỷ thứ V, có lẽ là bản viết tay kinh Phật duy nhất được phát hiện ở Ấn Độ.
Người ta cho rằng kinh Pháp Hoa là một trong các bộ kinh Phật được sùng kính nhất, là giáo pháp của Đức Phật được thuyết trong khoảng thời gian cuối của cuộc đời Ngài.
Kinh Pháp Hoa Gilgit được lưu giữ tại Văn khố Quốc gia Ấn Độ (The National Archives of India) ở thủ đô Delhi.
Cuốn sách - một ấn bản sao chụp, là một bản sao chính xác của bản thảo sẽ được phát hành bởi Văn khố Quốc gia phối hợp với Viện Triết học phương Đông và Soka Gakkai, một tổ chức phi chính phủ của Nhật Bản được Liên Hợp Quốc công nhận.
"Điều này sẽ giúp rất nhiều trong việc bảo quản các tài liệu hiếm hoi cho hậu thế và công tác nghiên cứu trong tương lai", giáo sư Mushir-ul Hasan, Tổng giám đốc Văn khố Quốc gia Ấn Độ cho biết.
Được biết bản thảo đã được phát hiện trong một hộp gỗ trong một căn phòng hình tròn bên trong một bảo tháp.
Tài liệu này đã được nhà khảo cổ Hungary - Anh, Sir Aurel Stein, nghiên cứu và tuyên bố giá trị quan trọng của bản thảo đến toàn thế giới.
Các quan chức tại Văn khố Quốc gia nói rằng bản thảo cổ này được bảo quản để tồn tại trong nhiều thế kỷ vì được viết trên vỏ cây bhoj (cây bu lô), loại cây không bị phân hủy và được giữ ở nhiệt độ dưới không ở khu vực Gilgit.
Kinh Pháp Hoa là một trong những bộ kinh quý nhất của Phật giáo Đại thừa, chủ yếu ở các nước như Việt Nam, Tây Tạng, Trung Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc và Mông Cổ.
Văn Công Hưng (Theo BBC News)