Nằm lọt thỏm giữa núi đồi u tịch, rừng thiền Huyền Không Sơn Thượng (hay còn gọi Huyền Không 2) tại Huế, hiện ra trong lòng khách thập phương với sự mượt mà của những khóm hoa, không gian xanh mát xen lẫn hình tượng đức Phật. Huyền Không Sơn Thượng được tạo lập từ năm 1988, ban đầu chỉ là những trang trại hoang sơ trồng lúa, khoai, sắn, bầu bí... để nuôi sống nhà chùa và Phật tử tình nguyện khai phá mảnh đất mới.
Sau 24 năm, “thung lũng treo” Huyền Không Sơn Thượng đã đón du khách gần xa với không gian chùa viện và vườn cảnh nên thơ, trữ tình. Đường vào rừng thiền không phải là cổng tam quan thường thấy ở nhiều ngôi tự viện mà là trụ đá cao được chạm khắc tinh xảo mang tên Rừng thiền Huyền Không Sơn Thượng.
Con đường lát đá men theo những chiếc hồ nhân tạo mở ra một không gian vừa thoáng đãng, vừa cầu kỳ bởi sự sắp đặt của con người. Giữa màu xanh của núi đồi cây lá, Rừng thiền Huyền Không Sơn Thượng được thiết kế thành 2 khu vực.
Ngoại viện là các công trình được bố trí hài hoà với khung cảnh thiên nhiên. Trung tâm của cụm công trình này là khu vực chánh điện được mở lối bằng chiếc cổng cổ lâu xi măng giả tre với tên gọi Phương Thảo Địa và bức tượng đức Phật trong tăng bào uy nghi chính giữa dẫn du khách theo hai lối.
Bên trái là am Mây Tía, nơi những người yêu thích văn chương thi phú tìm đến để đàm đạo, bình thơ, ngắm gió trăng mây núi và cũng là nơi các nhà thư pháp tập họp để luyện bút, khoe chữ…
Bên phải là cụm công trình nhà khách, quá thiện đường... dùng để tiếp khách, thọ trai của chư tăng và chúng điệu. Chánh điện thờ Phật Thích Ca, thờ xá lợi Phật ở chính giữa phía trên ba tầng nền so với cổng là ngôi nhà nhỏ giản dị mang dáng dấp ngôi nhà truyền thống Việt Nam, không hoạ tiết cầu kỳ nhưng vẫn tạo cảm giác uy nghiêm mà sang trọng.
Một không gian rộng lớn của rừng thiền Huyền Không Sơn Thượng là mặt nước của các hồ nhân tạo và khu vườn cảnh, tượng được tạo tác công phu, cắt tỉa cẩn thận. Len giữa màu xanh của cây lá và mặt nước là những chiếc cầu với tên gọi thanh nhã như Tĩnh Không kiều, Lãm Thượng kiều, Giải Trần kiều... dẫn đến những ngôi đình bồng bềnh trên mặt hồ trồng sen và súng.
Đây là nơi du khách thập phương dừng chân nghỉ ngơi hay ghi lại những bức hình lưu niệm khi vãng cảnh rừng thiền và cũng là chốn nhiều đôi uyên ương lựa chọn cho album ảnh cưới của mình.
Nếu ngoại viện là nơi để cho Phật tử các giới lui tới học đạo, làm phước, cúng dường hay để cho khách thập phương tham quan,…thì nội viện gồm dãy nhà đơn sơ là không gian dành cho sự tĩnh tu, tham thiền...
Ấn tượng của Rừng thiền Huyền Không Sơn Thượng ngoài vẻ đẹp của hoa và cây xanh còn là không gian thư pháp đậm chất thiền. Ta có thể bắt gặp thư pháp bằng tiếng Việt trên lối đi, cổng dẫn vào các công trình hay trên vách, cột trụ của am, đình, chánh điện. “Nghe đạo, hương rừng theo gió đến; Đọc thơ, trăng sáng vượt non về.” (Chánh điện). “Thiền đạo vô ngôn hoa cỏ nói; Kinh thư đa nghĩa nước trăng cười.” (Am Mây Tía)...
Quên đi sự xô bồ của phố thị, Huyền Không Sơn Thượng mang đến sự thư thái và an nhàn trong tâm hồn bởi chất thiền đã len lõi trong từng nhành cây ngọn lá nơi đây. Không gian thoáng đãng trong lành cùng với sự sắp đặt ấn tượng của bàn tay con người biến vùng đồi u tịch ngày xưa thành một địa điểm thưởng lãm không thể bỏ qua khi đến Huế.
Một số hình ảnh đẹp của Rừng thiền Huyền Không Sơn Thượng:
Đường vào rừng thiền không phải là cổng tam quan thường thấy ở nhiều ngôi tự viện mà là một trụ đá cao được trạm khắc tinh xảo mang tên Rừng thiền Huyền Không Sơn Thượng
Để bước vào chánh điện khách thập phương phải bước qua cổng Phương Thảo Địa
Chánh điện nơi cầu nguyện của Chư Tôn Đức và Phật tử tại Huyền Không Sơn Thượng là gian nhà giản dị nhưng không kém phần nghiêm trang
Khu nội viện ẩn mình dưới màu xanh của cây lá
Những chiếc cầu nhỏ với tên gọi thanh tao là nét đặc trưng tại Rừng thiền
Sự tĩnh tại trong buổi sớm mai ở am Mây Tía
Thư Pháp đình bồng bềnh trên mặt hồ trồng hoa sen và hoa súng
Liêu và cốc của chư Tăng, Ni được bố trí nhẹ nhàng hoà lẫn vào khung cảnh thiên nhiên.
Sự hồn nhiên của những chú tiểu tại Huyền Không Sơn Thượng
Ngoài vẻ đẹp của tự nhiên các tôn tượng của đức Phật là một trong nhiều điểm nhấn làm nên cảnh quan của rừng thiền
Theo Vinh Dự - Hoài Lương
Kienthuc.net.vn