Thông báo

Icon
Error

Tùy chọn
Xem bài viết cuối Go to first unread
Nguyenhq  
#1 Đã gửi : 31/05/2014 lúc 07:29:34(UTC)
Guest

Danh hiệu: Guest

Nhóm: Guests
Gia nhập: 21-05-2014(UTC)
Bài viết: 1,188

Được cảm ơn: 142 lần trong 97 bài viết
Dứt Bỏ Ảo Tình
Từ khi Phật Thích Ca Mâu Ni lại thành Xá Vệ thuyết pháp, giáo hóa đại chúng thì nhân dân toàn thành này trở nên có đạo đức, có lễ độ, lại biết thương yêu giúp đỡ lẫn nhau, khiến cho nước Xá Vệ biến thành một cực lạc quốc. Tin này truyền đi gần xa, có một số người khác đạo ở nước La Kiệt Kỳ rất khâm phục uy tín Ðức Phật, liền không quản đường xá xa xôi, cố tìm đến nước Xá Vệ để cầu Phật dạy bảo. Nhưng trong khi chưa gặp được Ðức Phật thì bỗng xảy ra một chuyện rất trái ý ở giữa đường.

Số là nước Xá Vệ ở vào xứ nóng, thường có nhiều rắn độc, một khi rắn đã cắn phải người thì người ấy tức khắc chết liền, không có cách nào cứu sống được.

Hôm đó, người viễn khách vừa tới ngoài thành, ngồi nghỉ dưới bóng cổ thụ, nhìn xuống bên đường, thấy hai người, một già một trẻ, đang cuốc đất. Bỗng đâu có con rắn độc núp trong cỏ nhảy ra mổ chết người ít tuổi, người nhiều tuổi bỏ cuốc chạy lại thấy người ít tuổi đã tắt thở thì hơi lộ nét buồn rồi thản nhiên quay lại chỗ cũ cuốc đất.

Viễn khách thấy thái độ ấy làm lạ, liền tiến lại bên cạnh ông già mà hỏi rằng:

- Này cụ! Thanh niên vừa chết kia có là con cháu hay là gia nhân cụ?

Ông già đáp cách tự nhiên:

- Hắn là con tôi.

- Ủa, lệnh lang bị rắn cắn chết sao cụ lại không kêu gào khóc lóc thảm thiết như người xứ chúng tôi thường làm?

- Nó là con trai tôi đó, nhưng bây giờ đã chết rồi, thiết tưởng dù có khóc than chỉ là thêm phiền não mà cũng chẳng cứu sống lại được. Vậy khóc than có ích lợi gì?… Trầm ngâm một lúc, ông lão nói tiếp:

- Ông ạ! Con người ở đời trước sau thế nào cũng chết, khác nào như mọi sự vật, có thành tựu thời phải có hoại không, đó là hiện tượng tự nhiên của tuần hoàn, nếu mà lúc sống gây nhiều nhân thiện thì sau có báo ứng tốt, nhược bằng gây nhiều nhân ác thì có ác báo không sai. Nay đã chết rồi, thì dầu gì chăng nữa cũng là thừa.

Ông già nói xong thấy khách suy nghĩ đờ đẫn người ra liền hỏi:

- Phải chăng ông định tiến vào thành? Tôi muốn cảm phiền ông giúp cho một việc, phỏng có được không?

- Có việc gì xin cụ cứ nói!

- Thế thì hay lắm! Ðây: nhà tôi ở ngay cổng thành đi vào, quẹo sang bên phải bỏ gian đầu đến gian thứ hai ấy chính là nhà tôi. Vậy xin ông, khi đi qua, ghé vào nói giúp với bà nhà tôi rằng: Ðứa con đã chết, vậy trưa nay chỉ đem một xuất cơm cho tôi ăn mà thôi.

Viễn khách nghe ông già dặn thì điếng người, vừa đi vừa tự nghĩ: Ông già này keo quá, con đã chết mà còn đếm xỉa đến cả bữa cơm… Thật cả thế gian này cũng không đâu có người cha đến như thế! Kịp khi qua cửa thành, quẹo sang bên phải, cách hai nhà, quả nhiên thấy bà cụ vừa vặn đứng ở ngoài cửa. Viễn khách liền thi lễ và nói:

- Thưa bà, con trai bà bị rắn cắn chết, ông có nhắn tôi về bảo bà chỉ cần đem một suất cơm cho ông thôi.

Bà nghe khách nói xong thì tỏ vẻ buồn rầu thoáng qua nét mặt rồi trân trọng cảm tạ khách, viễn khách lấy làm lạ lùng hết sức và tự hỏi: “Tại sao bà nghe tin con chết mà không kinh hoảng hoặc té xỉu người đi???”. Liền hỏi luôn:

- Này bà, xin thứ lỗi cho tôi hỏi câu đường đột: Bà không thương xót lệnh lang hai sao?

Bà lão thong thả đáp:

- Thưa ông! Cái đạo con cái với cha mẹ là tự túc nhân nghiệp báo nên mới có sự thác sinh vào nhà chớ không phải là do cha mẹ mời vào mà được, đến khi họ chết, cũng là do mãn nhân, mãn nghiệp mà họ đi, nên cũng không thể lưu họ lại. Cha mẹ khác nào như người chủ quán trọ chiều nay có khách lại ngủ đỡ, sáng mai hay ngày kia khách lại ra đi, chủ quán không thể lưu lại. Ấy sự liên quan giữa cha mẹ và con cái cũng thế đó. Vậy thì: Có thương tiếc hay kêu gào khóc lóc liệu có thể cứu sống lại được người đã chết không? Hay chỉ là gây thêm phiền não mà chẳng có ích gì?

Nghe câu trả lời của bà cụ, khách rất hoang mang cho rằng vợ chồng ông già này quả thật là xứng đôi vừa lứa. Cả hai đều có một tấm lòng sắt đá giống nhau. Giữa lúc này, từ phía trong nhà, một người con gái đi ra, bà lão giới thiệu là chị gái người vừa chết. Khách liền hỏi ngay:

- Em trai cô vừa bị rắn cắn chết, chắc cô thương xót lắm nhỉ?

- Thương xót là lẽ thường, nhưng thương xót có thể cứu người em sống lại được chăng? Tôi tưởng: Chị em một nhà, khác nào như các cây gỗ ở rừng hạ xuống đóng thành cái bè rồi thả vào nước cho trôi. Nếu sông hồ phẳng lặng thì bè trôi mãi, bằng có cơn phong ba bão táp nổi lên đánh tan chiếc bè thì mỗi cây trôi đi mỗi ngả, có bao giờ còn hy vọng lắp lại liền với nhau? Tình chị em cũng thế. Ðó là nhân duyên kiếp trước hợp rồi sinh vào một cửa. Tuổi thọ cũng tùy nghiệp báo, có người ngắn có người dài, và ngày chết cũng là vô thường, không sao biết trước được. Nay em tôi chết, mặc dầu tôi là chị hắn, nhưng tôi có làm gì được đâu? Huống chi là khóc với lóc, có phải không ông?

Người này đang nói, bỗng ở đằng sau, thấy một người đàn bà nữa tiến ra, khi nghe cô chị nói xong thì kêu lên:

- Thế ra chồng tôi đã chết rồi?

- Ðúng đấy! Chồng bà đã bị rắn cắn chết ở ngoài đồng. Vậy bà đau buồn lắm thì phải?

- Thưa ông! Chồng chết ai không đau buồn, nhưng cái đạo vợ chồng ở đời khác nào như đôi chim trong rừng, tối đến cùng ngủ một cành, sáng ngày lại bay đi kiếm ăn, nếu có duyên thì trở về cùng nhau, nhược bằng gặp tai họa thì mỗi con bay đi một ngả. Ấy nghĩa vợ chồng ở đời là thế, mỗi người có một số mạng riêng, không làm sao mà nói được rằng: Chồng chết thay cho vợ, hay vợ chết thay cho chồng. Như thế khóc lóc phỏng có ích gì?

Viễn khách nghe lời mọi người trong gia đình này nói ra thì lòng sanh hoài nghi cho thế tục nhân tâm ở xứ này, liền hối hận đã mất công tìm đến xứ này để học cái hay cái tốt của Ðức Phật giáo hóa dân chúng; nào ngờ dân chúng như thế hỏi còn học được cái gì ở đây? Chi bằng lui gót trở về quê hương xứ sở là hơn. Nhưng hồi lâu lại nghĩ: Mình chưa được gặp Ðức Phật đã nóng nảy phê bình một vài thái độ của dân, rồi vội vã quay về, như thế là hành động nông nổi chưa chín chắn, chắc sau này có điều phải ân hận… Vậy ta phải đến thẳng tịnh xá tại vườn Kỳ Viên, để được gặp Ðức Phật đã rồi sẽ hay. Nghĩ rồi, khách đi thẳng một hơi tới Tịnh xá và được ra mắt Phật.

Khi thấy Phật, khách khoan tay cúi đầu thi lễ, đoạn lui sang ngồi một bên, không nói không rằng: Ðức Phật đọc rõ ý kiến trong lòng khách, nhưng cũng cất tiếng từ bi hỏi:

- Tại sao viễn khách có bộ dạng buồn rầu?

- Bạch Thế Tôn, nhân vì con hy vọng một việc mà chưa được như ý nên trong lòng con không được vui vẻ.

- Có việc gì trái với bản tâm, tưởng cứ nói ra không nên để trong lòng phải ưu sầu không thể giải quyết được việc gì hết!

Lúc đó người khách mới thuật hết đầu đuôi câu chuyện đã gặp ở ngoài thành, cuối cùng khách phê bình thái độ của gia đình nông dân ấy là trái với tình đời.

Phật nghe xong mỉm cười dạy rằng:

- Ðiều mà viễn khách cho rằng trái với tình đời là thuộc về “nhân tính”. Còn chân lý thì không những không được thể hiện theo “nhân tính” mà còn phải tước bỏ nhân tính cho đến hết. Ðó mới thực là điều khẩn yếu của kẻ tu hành xuất gia.

Nghĩ một chút, Ngài nói tiếp:

- Viễn khách đây vì chưa hiểu chân lý, nên thấy gia đình nhà nông kia hành động như thế thì vội cho là “phản tình đời”. Nhưng đứng về mặt chân lý mà xét, thì những người ấy quả nhiên là không có hành động lỗi lầm, vì họ biết rõ thế nào là “cuộc đời vô thường”, nghĩa là con người đời không thể nào nắm giữ vĩnh viễn được cái “sắc thân” làm sinh mệnh bấy hủy bất diệt của mình. Kìa xem từ xưa tới nay, dù là phàm hay Thánh, cũng không ai có thể tránh được cái chết.

Nếu vì một cái chết mà cả nhà theo nhau khóc lóc đến phát đau, phát ốm thì sự khóc lóc ấy hỏi có ích lợi gì cho cả người sống lẫn người chết? Vả chăng, con người ngay từ lúc sơ sinh, đã nắm chắc lấy cái chết trong tay rồi. Nay thấy sự chết mà gây phiền não trong lòng quá đỗi thì ta “mê hoặc” chưa hiểu cái lẽ sống chết. Nên biết rằng “sống” và “chết” là hai đầu mối luôn luôn tiếp diễn và luân chuyển không lúc nào ngừng. Hễ đã biết rõ được như thế là đã giải thoát rồi.

Viễn khách nghe Ðức Phật giảng giải cho nghe một hồi thì lòng thoát nhiên tỉnh ngộ. Liền nguyện xin ở lại làm đệ tử của Phật và qui y Phật pháp tức thì. Viễn khách này sau trở nên một vị Tỳ kheo rất tinh tiến.


© 2013. TINHDO.NET không giữ bản quyền nội dung website
Quyền tác giả được ghi ở cuối mỗi bài viết


Được xây dựng bởi Tuệ Minh & Tuệ Dũng
thamsansi2013  
#2 Đã gửi : 31/05/2014 lúc 07:29:34(UTC)
thamsansi2013

Danh hiệu: Newbie

Nhóm: Registered
Gia nhập: 08-06-2014(UTC)
Bài viết: 0

Đọc bài này TSS chợt nhớ đến bài thơ (không biết có chính xác không):

Phụ mẫu ân thâm chung hữu biệt
Phu thê nghĩa trọng dã phân ly
Tình người tợ điểu đồng lâm túc
Đại hạn lai thời các tử phi.
hoatnaovien  
#3 Đã gửi : 31/05/2014 lúc 07:29:34(UTC)
Guest

Danh hiệu: Guest

Nhóm: Guests
Gia nhập: 21-05-2014(UTC)
Bài viết: 1,188

Được cảm ơn: 142 lần trong 97 bài viết
Đọc bài chia sẻ này của đạo hữu làm cho hoatnaovien nhớ về câu chuyện thiền về gia đình cư sĩ Bàng Uẩn. Thân là cư sĩ nhưng gia đình Bàng Uẩn 4 người đã đạt được sự tư tại trong cõi nhân gian này.


CƯ SĨ LONG UẨN



Ông người huyện Hành Dương, Xung Châu, tự là Ðạo Huyền, gia thế chuyên nghiệp Nho, đời sống rất thanh đạm, hiểu ngộ ít phần trần lao, quyết chí cầu giải thoát.
Ðời Ðường niên hiệu Trinh Nguyên năm đầu (785 T.L.), ông đến yết kiến Hòa thượng Thạch Ðầu, hỏi:
- Chẳng cùng muôn pháp làm bạn là người gì?
Thạch Ðầu lấy tay bụm miệng ông. Ông bỗng nhiên tỉnh ngộ.
Một hôm Thạch Ðầu hỏi:
- Từ ngày ông thấy Lão tăng đến nay hằng ngày ông làm việc gì?
Ông thưa:
- Nếu hỏi việc làm hằng ngày tức không có chỗ mở miệng.
Ông liền trình một bài kệ:
Nhật dụng sự vô biệt
Duy ngô tự ngẫu hài
Ðầu đầu phi thủ xả
Xứ xứ vật tương oai
Châu tử thùy vi hiệu
Khưu sơn tuyệt điểm ai
Thần thông tịnh diệu dụng
Vận thủy cập ban sài.
Dịch:
Hằng ngày không việc khác
Chỉ tôi tự biết hay
Vật vật chẳng bỏ lấy
Chỗ chỗ nào trái bày
Ðỏ tía gì làm hiệu
Núi gò bặt trần ai
Thần thông cùng diệu dụng
Gánh nước bửa củi tài.
Thạch Ðầu hứa khả, bảo:- Ông làm cư sĩ hay làm xuất gia?
Ông thưa:- Xin cho con theo sở nguyện không cạo tóc xuất gia.
Ông đến tham vấn Mã Tổ, hỏi:
- Chẳng cùng muôn pháp làm bạn là người gì?
Mã Tổ bảo:
- Ðợi miệng ông hút hết nước Giang Tây, ta sẽ nói với ông.
Ngay câu nói này, ông ngộ được huyền chỉ. Ông dừng ở chỗ Mã Tổ hai năm.
*

Sau khi đốn ngộ, ông về nhà lấy thuyền chở của cải đem đổ xuống sông Tương. Ông chỉ cất một cái thất nhỏ ở tu hành. Có người con gái tên Linh Chiếu thường theo hầu hạ, chuyên việc chẻ tre bện sáo bán nuôi cha.
Ông có làm bài kệ:
Hữu nam bất thú
Hữu nữ bất giá
Ðại gia đoàn biến đầu
Cọng thuyết vô sanh thoại.
Dịch:
Có trai không cưới
Có gái không gả
Cả nhà chung hội họp
Ðồng bàn lời vô sanh.
Ông nói năng lanh lợi, các nơi đều nghe tiếng. Ông thường đến các chỗ giảng kinh phát tâm tùy hỉ.
Có vị Sư giảng kinh Kim Cang đến chỗ "vô ngã vô nhân". Ông bèn hỏi:
- Tọa chủ đã "vô ngã vô nhân" (không ta không người), vậy ai giảng ai nghe?
Tọa chủ không đáp được.
Ông nói:- Tuy tôi là người tục cũng tin biết thô thiển.
Tọa chủ hỏi:- Theo cư sĩ ý thế nào?
Ông bèn giải bằng bài kệ:
Vô ngã phục vô nhân
Tác ma hữu sơ thân
Khuyến quân hưu lịch tọa
Bất tợ trực cầu chân
Kim Cang Bát-nhã tánh
Ngoại tuyệt nhất tim trần
Ngã văn tịnh tín thọ
Tổng thị giả danh trần.
Dịch:
Không ngã lại không nhân
Làm gì có thân sơ
Khuyên ông đừng ngồi mãi
Ðâu bằng thẳng cầu chân
Tánh Kim Cang Bát-nhã
Chẳng dính một mảy trần
Tôi nghe với tin nhận
Thảy đều giả danh trần.
Tọa chủ nghe kệ rồi, vui vẻ khen ngợi:
- Chỗ cư sĩ đến phần nhiều các bậc lão túc đã qua.
*

Ông đến viếng Ðơn Hà. Ðơn Hà làm thế chạy.
Ông nói:- Vẫn là thế phóng thân, thế nào là thế tần thân?
Ðơn Hà liền ngồi.
Ông lấy gậy vẽ dưới đất chữ Thất.
Ðơn Hà vẽ đáp chữ Nhất.
Ông nói:- Nhân bảy thấy một, thấy một quên bảy.
Ðơn Hà đứng dậy đi.
Ông gọi:- Hãy ngồi nán một chút, vẫn còn câu thứ hai.
Ðơn Hà bảo: - Trong ấy nói được sao?
Ông bèn khóc ra đi.
*

Một hôm, ngồi trong am, ông chợt nói:
- Khó khó mười tạ dầu mè trên cây vuốt. (Nan nan thập thạch du ma thọ thượng than.)
Long bà đáp:
- Dễ dễ trên đầu trăm cỏ ý Tổ sư. (Dị dị bách thảo đầu thượng Tổ sư ý.)
Linh Chiếu tiếp:
- Cũng chẳng khó cũng chẳng dễ, đói đến thì ăn, mệt ngủ khò. (Dã bất nan, dã bất dị, cơ lai khiết phạn khốn lai thùy.)
*

Ông ngồi hỏi Linh Chiếu:
- Cổ nhân nói: "sáng sáng đầu trăm cỏ, sáng sáng ý Tổ sư" (minh minh bách thảo đầu, minh minh Tổ sư ý) là sao?
Linh Chiếu thưa:
- Lớn lớn già già thốt ra lời nói ấy. (Lão lão đại đại tác giá cá ngữ thoại.)
Ông hỏi:- Con thế nào?
- Sáng sáng đầu trăm cỏ, sáng sáng ý Tổ sư.
Ông bèn cười.
*

Ông có làm bài kệ:
Tâm như cảnh diệc như
Vô thật diệc vô hư
Hữu diệc bất quản
Vô diệc bất cư
Bất thị Hiền Thánh
Liễu sự phàm phu
Dị phục dị
Tức thử ngũ uẩn hữu chân trí
Thập phương thế giới nhất thừa đồng
Vô tướng pháp thân khởi hữu nhị
Nhược xả phiền não nhập Bồ-đề
Bất tri hà phương hữu Phật địa.
Dịch:
Tâm như cảnh cũng như
Không thật cũng không hư
Có cũng chẳng quản
Không cũng chẳng cư
Chẳng phải hiền thánh
Xong việc phàm phu
Dễ lại dễ
Tức năm uẩn này có chân trí
Thế giới mười phương đồng một thừa
Pháp thân không tướng nào có nhị
Nếu bỏ phiền não vào Bồ-đề
Chẳng biết nơi nào có Phật địa?
Lại có bài kệ:
Hộ sanh tu thị sát
Sát tận thủy an cư
Hội đắc cá trung ý
Thiết truyền thủy thượng phù.
Dịch:
Hộ sanh cần phải giết
Giết hết mới ở yên
Hiểu được ý trong đó
Thuyền sắt nổi phao phao.
*

Sắp tịch, ông bảo Linh Chiếu ra xem mặt trời đúng ngọ vô cho ông hay. Linh Chiếu ra xem vào thưa:
- Mặt trời đã đúng ngọ, mà có nguyệt thực.
Ông ra cửa xem.
Linh Chiếu lên tòa của ông ngồi kiết già chấp tay thị tịch.
Ông vào xem thấy cười, nói:- Con gái ta lanh lợi quá!
Ông bèn chậm lại bảy ngày sau.
*

Châu mục Vu Công đến thăm bệnh ông.
Ông bảo:
- Chỉ mong các cái có đều không, dè dặt các cái không đều thật, khéo ở thế gian đều như bóng vang.
Nói xong, ông nằm gác đầu trên gối Vu Công mà thị tịch.
*

Tin ông tịch đưa về nhà cho bà hay.
Bà nói:
- Con gái ngu si với ông già vô tri, không báo tin mà đi, sao đành vậy?
Bà ra báo tin cho con trai đang làm ngoài đồng. Bà nói:
- Long công với Linh Chiếu đi rồi con!
Người con trai đang bừa đáp:- Dạ!
Rồi lặng thinh giây lâu bèn đứng mà tịch.
Bà nói:- Thằng này sao ngu si lắm vậy!
Lo thiêu con xong, bà đi từ biệt thân thuộc rồi biệt tích.



sưu tầm
Ai đang xem chủ đề này?
Guest (2)
Di chuyển  
Bạn không thể tạo chủ đề mới trong diễn đàn này.
Bạn không thể trả lời chủ đề trong diễn đàn này.
Bạn không thể xóa bài của bạn trong diễn đàn này.
Bạn không thể sửa bài của bạn trong diễn đàn này.
Bạn không thể tạo bình chọn trong diễn đàn này.
Bạn không thể bỏ phiếu bình chọn trong diễn đàn này.