[SIZE="3"][COLOR="darkred"]
[SIZE="5"]Không nên quá chuộng ngoại và quên những lợi ích chung
[/SIZE]
GN - Những năm gần đây và gần một tháng qua, một số chùa phía Bắc cũng như TP.Hồ Chí Minh và các tỉnh phụ cận có những hình thức rầm rộ đón tiếp, tổ chức các Pháp hội, lễ gia trì, quán đảnh với sự chủ trì của ngài Jigme Pema Wangchen (Gyalwang Drukpa đời thứ 12) và Tăng đoàn Phật giáo Ấn Độ truyền thừa Drukpa (Kim Cương thừa).
Một số ý kiến cho rằng việc đón tiếp, tôn vinh và phô trương ở một số chùa chưa được sự đồng tình cao của Giáo hội và Phật tử; việc quảng bá nghi lễ theo truyền thống Kim cương thừa với những hình thức nghi lễ từ Ấn Độ xa lạ với truyền thống Phật giáo Việt Nam, có nguy cơ làm xáo trộn, rối rắm thêm cho văn hóa của Phật giáo nước nhà trong lúc tổ tiên chúng ta đã tiếp nhận có chọn lọc yếu tố Mật tông từ hơn một ngàn năm trước…
Xung quanh sự việc này, phóng viên Giác Ngộ đã có cuộc trao đổi với HT.Thích Thiện Tánh (ảnh), Trưởng ban Kiểm soát T.Ư, Phó Trưởng ban Thường trực BTS GHPGVN TP.HCM. Với cương vị của mình, Hòa thượng cho biết:
- Vừa qua, ngài Jigme Pema Wangchen (Gyalwang Drukpa đời thứ 12) và Tăng đoàn Phật giáo Ấn Độ truyền thừa Drukpa đã có chuyến thăm lần thứ 5 tại Việt Nam. Chuyến đi này kéo dài hơn những lần trước với nhiều hoạt động như: cử hành lễ gia trì, Pháp hội quán đảnh cộng đồng, cầu nguyện quốc thái dân an, cầu siêu, phóng sanh, triển lãm, giới thiệu sách… tại thủ đô Hà Nội cùng các tỉnh, thành phố: Nam Định, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Đà Nẵng, Đồng Nai, Bình Dương, TP.Hồ Chí Minh từ ngày 5-4 đến ngày 6-5-2014.
Theo tôi được biết, Tăng đoàn Phật giáo Ấn Độ truyền thừa Drukpa đến Việt Nam theo lời mời của nhóm Drukpa Việt Nam, trước khi đến Việt Nam đã được phép của lãnh đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam và sự chấp thuận của Ban Tôn giáo Chính phủ.
* Một số Phật tử cho rằng, việc Phật tử Việt Nam đổ xô đến tham dự những buổi Pháp hội, gia trì, quán đảnh với sự trang hoàng pháp tòa lộng lẫy ở một số chùa tại các tỉnh phía Bắc hay TP.HCM vừa qua là sự hiếu kỳ nhất thời như là một “trào lưu” tôn vinh quá mức những hình thức, giá trị văn hóa, tâm linh từ nước ngoài, xa lạ với truyền thống văn hóa Phật giáo Việt Nam. Ý kiến của Hòa thượng về việc đó như thế nào?
- Bản thân tôi chưa tham dự buổi Pháp hội nào của ngài Gyalwang Drukpa và Tăng đoàn Phật giáo Ấn Độ nên chưa biết họ nói những gì. Nhưng, theo tôi, Phật tử Việt Nam bị thu hút bởi những “cái lạ”, màu sắc lộng lẫy khác thường như ông hoàng, từ sự bài trí nơi pháp tòa, xung quanh khu vực diễn ra buổi lễ cũng như các nghi thức trong các buổi lễ, cách thức mà họ trình diễn các điệu múa Kim Cương thừa… là những thứ khác lạ dễ thu hút sự tò mò, hiếu kỳ của số đông so với sự đăng đàn thuyết giảng khá mộc mạc của chư tôn đức giảng sư Việt Nam.
Thử làm phép so sánh giữa một bên là sự sơ mộc còn một bên là sự lộng lẫy của màu sắc, âm thanh có tính chất huyền bí thì dĩ nhiên cái nào lạ thì sẽ gây tò mò, thu hút hơn. Điều đó, cũng giống như mình đang dùng một chiếc xe máy cũ kỹ mà nhìn thấy một chiếc xe mới sản xuất, màu sắc rất đẹp thì mình cũng muốn biết nó có từ đâu, đi như thế nào, có tốt không.
Tôi cho rằng, theo đà này thì một số người dân, Phật tử Việt Nam cũng sẽ theo truyền thống Kim Cương thừa bởi vì đối với họ đây là một truyền thống Phật giáo ở nước ngoài đầy huyền bí, quá thu hút, quá mới mẻ. Một khi cái gì thu hút mình quá thì mình sẽ có thể bỏ qua những thứ gần gũi, thân thuộc xung quanh. Có thể là tôi lo xa, nhưng nếu theo quy luật “nước lên thì đẩy thuyền”, đến một lúc nào đó, chúng ta cũng có thể sẽ bị đồng hóa ngay trên đất nước của mình chăng?! Tôi cũng hy vọng đó chỉ là “hiệu ứng đám đông”, sau sự kiện này mọi thứ sẽ đâu vào đó.
Tăng đoàn Phật giáo Ấn Độ truyền thừa Drukpa đến Việt Nam là do một nhóm Phật tử chủ trương thỉnh mời, các pháp sự đã diễn ra tại một số tự viện Việt Nam. Như vậy, theo tôi cả hai bên đều có lợi ích về góc độ tổ chức, quảng bá hình ảnh, truyền bá pháp môn, thu hút Phật tử đến tham dự càng đông càng tốt. Còn về việc Phật tử có những chuyển hóa lợi lạc thân tâm hay không thì tự họ mới biết rõ nhất.
* Hòa thượng có ý kiến gì về những mỹ từ tôn xưng “Pháp vương”, “Nhiếp chánh vương”, “Đấng toàn tri”… được quảng bá ở các chùa khi giới thiệu về Tăng đoàn Phật giáo Ấn Độ truyền thừa Drukpa khi đến Việt Nam?
- Theo lẽ, danh xưng này thường chỉ dành để tôn xưng Đức Phật. Tăng đoàn Phật giáo Ấn Độ truyền thừa Drukpa có những danh xưng như vậy là do truyền thống của họ. Tôi nghĩ các mỹ từ đó được sử dụng ở Việt Nam nhằm tạo sự thu hút đám đông, cũng như tính cách huyền bí của các pháp hội đã làm nên những làn sóng hiếu kỳ trong dư luận.
Khi dịch và giới thiệu ở Việt Nam, theo tôi, những người có trách nhiệm nên tìm những từ ngữ phù hợp với văn hóa của dân tộc Việt, không nên có sự tôn xưng thái quá, chuộng ngoại và tùy tiện làm theo suy nghĩ cá nhân mình, vì cái lợi của mình mà quên đi những lợi ích khác, ảnh hưởng đến Giáo hội và văn hóa dân tộc.
* Xin cảm ơn Hòa thượng!
H.Diệu thực hiện[/COLOR][/SIZE]