Tỳ khưu Thiện Minh
Những năm đầu sau khi đức Thế Tôn thành đạo, những vị tỳ khưu đi hoằng pháp từ làng này sang làng nọ, mùa nào cũng đi, dầu mưa, dầu nắng, rất cực nhọc. Vì sự chu du của các tỳ khưu như vậy nên những ngoại đạo nói rằng: “Đến mùa mưa, chim, kiến còn biết làm tổ để trú mưa, các đệ tử Sa môn Cồ Đàm cứ đi mãi và giậm phải côn trùng”. Đức Thế Tôn dùng huệ nhãn để quán xét, ngài nhận thấy nhân duyên đến, nên ban hành lễ An cư Kiết vũ hằng năm để những người xuất gia hành trì có an lạc. Lý do ngài ban hành An cư là nhằm mục đích duy trì truyền thống chư phật trong quá khứ; với lòng từ bi lớn của người xuất gia trong đối với côn trùng và những chồi non khi mưa đâm chồi nẩy nở; Để người xuất gia có 3 tháng trau dồi thân tâm, phát huy giới định tuệ, trở về sống nội tâm nhiều hơn là ngoại cảnh.
Kiết Vũ tiếng Pali Vasssa, nghĩa mùa mưa. Kiết vũ là mùa mưa an vui- hạnh phúc. Ám chỉ chư tăng tu học tốt. Phật giáo Bắc Tông, sử dụng danh từ phổ thông là An cư Kiết Hạ, mùa hạ, nhập hạ v.v... Để tìm hiểu An cư Kiết vũ, chúng ta cần tìm hiểu một số vấn đề liên quan với luật tạng để thấy tầm quan trọng của mùa An cư Kiết Vũ ( Kiết Hạ)
THỜI GIAN AN CƯ
Ấn Độ một năm có ba mùa: mùa lạnh, mùa mưa và mùa nắng. Mùa mưa bắt đầu từ 16 tháng 6 đến rằm tháng 9; mùa lạnh từ tháng 9 đến tháng 2; mùa nắng từ tháng 2 đến tháng 6.Tại sao An cư ngày 16 mà không phải là ngày rằm? Ấn Độ xưa kia chia 1 tháng làm hai giai đoạn, 2 tuần đầu là thượng tuần kể từ mùng 1 đến rằm, hạ tuần từ 16 đến 30. Ngày 16 cũng là ngày mùng 1 của hạ tuần. Do đó nên nhập hạ ngày 16, ra hạ ngày rằm, vì ngày rằm là ngày chót của thượng tuần. Tuy nhiên, truyền thống phật giáo Bắc Tông nhập hạ ngày 16/ 4 ra hạ rằm tháng 7. Sự khác biệt đó so với truyền thống Phật giáo Nam Tông, có khả năng do 2 lý do: Một, y cứ theo kinh văn Sankrit. Hai, theo truyền thống của Hán tạng.
Trong luật tạng Pali, đức phật còn cho phép có 2 loại nhập hạ. Tiền An cư và Hậu An cư. Tiền An cư (Purimikaavassupanaayikaa) là bắt đầu 16/6 Âl đến 15 tháng 9 Âl, còn Hậu An cư (Pacchimikaavassupanaayikaa)từ 16/ 7Âl đến 15 tháng 10 Âl. Hậu an cư là dành cho Quý tỳ khưu có những phật sự quan trọng để giải quyết không về an cư đúng thời gian quy định tiền an cư.
NGHI THỨC NHẬP HẠ
Thời đức Phật, nhập hạ phải chọn một nơi phải thích hợp, tức là không xa thành thị mà cũng không quá gần thành thị để tiện việc trì bình khất thức và dễ dàng trong việc tu học. Ngày nay nhập hạ phải chọn một trú xứ thích hợp là phải có thầy tốt, bạn hiền, già lam, chùa, tịnh xá thanh tịnh để an vui trong mùa hạ. Sau khi chọn xong, trình báo với người trụ trì để hổ trợ việc nhập hạ của mình cho tốt đẹp, đồng thời thông báo cho phật tử của mình và ở địa phương biết để tùy tâm hổ trợ tinh thần hay vật chất trong suốt mùa Kiết Vũ. Nói một cách cụ thể hơn là hổ trợ cúng dường dâng y Tắm mưa và lễ dâng y kathina theo truyền thống luật tạng quy định, những nghi lễ phải cần có sự cúng dường của đàn na tín thí thì hợp theo lẽ đạo hơn.
Riêng người xuất gia, khi chọn trú xứ thích hợp, phải quét dọn, lau chùi trú xứ cho thật sạch, chuẩn bị nước sử dụng cho chu đáo, quan sát ranh chùa, hay trú xứ cho thật chính xác để bảo đảm mùa kiết vũ an vui và thành tựu phước báu. Tiếp theo, người xuất gia đắp y phục chỉnh tề, lễ phật 3 lạy, lễ bái Tam bảo tóm tắt. Hướng về kim thân đức Phật phát nguyện như vầy:
“Ukasa Imasmim Vihare imam Temasan vassam upemi, Utiyampi, tatiyampi”:
Nghĩa: Kính bạch đức Thế tôn, đệ tử xin phát nguyện An cư Kiết Vũ 3 tháng tại đây, lần thứ nhì, lần thứ ba. Thế là mùa An cư sẽ bắt đầu từ khi chư tăng cử hành lễ nguyện An cư Kiết Vũ. Vị nào không cử hành lễ An cư thì xem như năm đó không có tuổi hạ, không có quả báo dâng y Kathina, mà còn phạm tội tác ác.
THẾ NÀO ĐỨT HẠ CÓ TỘI VÀ ĐỨT HẠ KHÔNG CÓ TỘI?
Có một số quy định trong luật tạng Pali, đứt hạ có tội và đứt hạ không có tội, một số quy định được liệt kê như sau:
1. Đứt hạ có tội:
- Đến ngày nhập hạ, tác ý không muốn nhập hạ để đi tự do chỗ này chỗ nọ, phạm tội Tác ác.
- Nếu nhập hạ không có chỗ ở, hoặc chỗ không có dừng, che lợp, không có cửa đóng kín, phạm tội Tác ác.
- Nếu nhập hạ rồi, cố ý đi khỏi chỗ ở trước mặt trời mọc, phạm tội Tác ác. Ngoại trừ có phép đi trong 7 ngày thì không phạm tội.
- Có 7 hạng người: Tỳ khưu, Tỳ khưu ni, Thầy tổ, Sa di, Sa di Ni, Cha, mẹ khi có hữu sự như bịnh, đau v.v... được phép đi khỏi chỗ nhập hạ 7 ngày, nếu đi quá ngày thứ 8, mặt trời mọc lên phạm tội Tác ác.
2. Đứt hạ không có tội
- Tăng chia rẽ nhau
- Các tỳ khưu muốn chia rẽ nhau
- Có sự rũi ro sanh mạng
- Có sự rũi ro đến đời sống phạm hạnh
Chư tăng có quyền bỏ trú xứ an cư Kiết vũ mà không phạm tội.
NHỮNG LỄ CẦN BIẾT TRONG MÙA KIẾT VŨ
1. Khứ Nguyện: Trong thời gian nhập hạ, Chư tăng có nhu cầu cần thiết, như thuyết pháp, giảng đạo, thầy tế độ, cha mẹ v.v... bịnh, chúng ta cũng được phép xin đi trong thời gian không quá 7 ngày. Trước khi đi, mặc y nghiêm chỉnh, thắp nhang cúng và lạy phật 3 lạy, phát nguyện như vậy:
“ Ukasa sace me antarayo natthi sattahabbhantare aham puna nivattisam”. Dutiyampi, Tatiyampi.
Nghĩa: Bạch đức Thế Tôn, Nếu không có sự rũi ro đến đệ tử, đệ tử sẽ trở về trong vòng 7 ngày. Lần thứ nhì, lần thứ ba. Đồng thời, Nếu nơi An cư đông chư tăng, chúng ta phải đến xin phép vị trụ trì và Chư tăng được phép rời trú xứ không quá ngày thứ 7 để chư tăng chứng minh.
2. Bảy Ngày Đầu An Cư: Mới nhập hạ buổi chiều, nếu có việc phải đi thì không được phép, phải chờ rạng sáng ngày mai mới được phép. Nhập hạ được 1, 2 ngày, nếu có nhu cầu cần thiết đi phải thực hiện đúng theo nghi thức Khứ Nguyện. Tuy nhiên phải trở về trước mặt trời mọc ngày thứ 7, tức là ngày đi tính 1 ngày.
3. Bảy Ngày Cuối Mùa An Cư: Còn 7 ngày nữa ra hạ, tức là mùng 9 tháng 9, hoặc mùng 9 tháng 10, nếu có việc thì được phép đi trong 7 ngày, nhưng phải nguyện trở lại cho kịp trong khoảng 7 ngày. Đi rồi làm xong việc trong 7 ngày, sẽ làm Tự tứ (Pavarana) chung với chư tỳ khưu nơi chùa khác gần đó cũng được không cần phải trở về cũng không đứt hạ. Tuy nhiên, trước khi đi lưu ý không được nguyện rằng:” Đệ tử sẽ không trở về” như thế đứt hạ, từ khi đi ra khỏi chùa đến bước thứ hai, như thế gọi là việc phải làm trong khoảng 7 ngày cuối cùng của mùa Kiết Vũ.
4. Lễ Tự Tứ (Pavarana): Là hình thức thú lỗi lẫn nhau, vì trong thời gian An cư chắc chắn ít nhiều có những lỗi lầm do thấy, do nghe, do nghi nên thú lỗi với chư tăng trước khi từ giã. Nghi lễ bắt đầu chư tăng nhập hạ chung mặc phục chỉnh tề, Lễ bái Tam bảo, ngỗi chồm hổm với nhau đọc theo thứ tự hạ lạp , lớn đọc trước nhỏ hạ đọc sau:
Sangham Bhante/ Avuso pavaremi ditthena va sutena va parisankaya va vadantu mam ayasmanto anukampam upadaya passanto patikarissami. Dutiyampi, Tatiyampi.
Nghĩa: Kính bạch Quý ngài, Trong ba tháng An cư, tôi xin làm lễ Tự tứ với chư tăng, nếu quý ngài có thấy nghe, hoặc nghi những điều gì đối với tôi, xin quý ngài hãy từ bi chỉ bảo, để tôi hành theo cho được sự lợi ích, lần thứ nhì, lần thứ ba.
Nghi thức tuy đơn giản nhưng rất thâm thúy và đầy đạo vị của những người xuất gia sống đời phạm hạnh. Giống như cánh đại bàng tự do giữa bầu trời thêng thang. Bậc xuất gia cũng tự do ung dung trong nội tâm, trước khi nhập hạ cũng diễn ra trong đoàn kết, kết thúc cũng lục hòa bằng hình thức tự tứ.
Luật tạng đã trãi qua 2600 năm, ngày nay chúng ta vẫn còn thấy Chư tăng Phật giáo Bắc Tông và Phật giáo Nam Tông tôn trọng lời Phật dạy thực hiện nghi thức An cư đúng truyền thống. Mùa An cư là để đánh dấu sự tiến bộ chư tăng trên bước đường tu niệm, đánh dấu mạng mạch của Phật giáo, vì giới luật còn, phật giáo còn tồn tại. Mùa An cư là để đánh dấu tuổi đạo của chư tăng, phân biệt lớn và nhỏ tuổi đạo là phân biệt từ mùa An cư. Đối với Phật giáo tính tuổi đạo để tôn trọng với nhau trong các nghi lễ.
Mùa An cư là chư tăng ngưng hoằng pháp, tập trung tâm ý cho việc phát huy Giới hạnh và tham thiền. Trở về sống thật với nội tâm, tăng cường thêm nội lực. 3 tháng hạ cũng là ba tháng nghỉ dưỡng, để bỗi dưỡng vật lực, tâm lực và trí lực.