Tông Phái Phật Giáo - Thiền Nguyên Thủy
Viết bởi Silananda
Vài lời giới thiệu
Từ lâu tôi luôn nghĩ rằng thực hành thiền Minh Sát là thực hành chánh niệm. Tôi nhận xét rằng tất cả những phương pháp hành thiền của những thiền sư hiện đại đều dạy thực hành chánh niệm trong kinh Tứ Niệm Xứ. Mỗì một thiền sư danh tiếng tự chọn cho mình một "chuyên môn" theo kết quả kinh nghiệm cá nhân, nhưng chung quy vẩn dạy chánh niệm trong thiền Tứ Niệm Xứ hay thiền Minh Sát, hay Vipassana. Hiện nay danh từ Vipassana thường dùng để chỉ thiền Minh Sát, hay Tứ Niệm Xứ, rất phổ thông trong cộng đồng tu thiền.
May mắn thay mớì đây tôi có dịp đọc một quyển sách nhỏ tựa đề là "The Importance of Mindfulness," phía dưới đề là "The Mahasatipatthana Sutta" của Hòa Thượng U Silananda Miến Điện viết. Tôi vô cùng hoan hỉ vì sự giảng giải ngắn gọn nhưng rõ ràng minh bạch về nghĩa lý hàm chứa trong kinh.
Tuy là quyển sách nhỏ, nhưng nó rất căn bản và là một kim chỉ nam cho những ai mới bắt đầu học thiền và hành thiền và cũng rất lợi ích cho những thiền sinh kinh nghiệm.
Nita Truitner
Minnesota
Mùa Đông 2003
In lần thứ hai
Càng có kinh nghiệm đi dự nhiều khóa thiền do nhiều thiền sư danh tiếng hướng dẩn, tôi càng nhận thấy sự quan trọng của chánh niệm trong thiền Tứ Niệm Xứ, thế nên tôi muốn in lại quyển sách nhỏ nầy để kính biếu các Phật tử mới muốn tu thiền. Khi in lần thứ hai tôi dịch lại nguyên bài vì bản dịch đầu tiên có nhiều chữ hay câu văn dịch không được sát nghĩa. Hy vọng bản dịch nầy sẽ đem đến sự lợi ích cho các thiền sinh mới tập tu thiền Minh Sát.
Trong Tâm Từ,
Nita Truitner
Minnesota
Mùa Xuân 2007
Namo Tassa Bhagavato Arahato Sammasambuddhassa
Thành Kính Ðảnh Lễ Ðức Thế Tôn, Bậc A La Hán Cao Thượng,
Ðấng Chánh Biến Tri
*
Kính Dâng
Cố Hòa Thượng Narada Maha Thera,
vị thầy đầu tiên quy y và đặt cho tôi Pháp danh Nita.
Cố Hòa Thượng Thiền Sư U Silananda,
vị thiền sư đã cho tôi cảm hứng dịch kinh nầy.
Hòa Thượng Thiền Sư Khippapanno,
vị thầy đầu tiên dạy tôi thiền Tứ Niệm Xứ.
-ooOoo-
Lời tựa
Quyển kinh "Sự Quan Trọng Của Chánh Niệm" là bảng ghi âm lại của những bài Pháp thoại Hòa Thượng U Silananda giảng tại Seven Bridge, Ontario, Canada với tựa đề “Bốn đối tượng đặt nền tảng của Chánh Niệm.” Đây là một bài giảng về sự quan trọng của chánh niệm do Đức Phật giảng trong kinh “Đại Niệm Xứ” tiếng Pali là kinh "Mahasatipatthana Sutta."
Hòa Thượng U Silananda là Thiền Sư trụ trì tu viện Dhammananda Vihara ở Half Moon Bay California. Ngài cũng là vị lảnh đạo tinh thần tối cao của Thiền Viện Dhammachakka ở Berkeley, California.
Năm 1979, Ngài sang Hoa kỳ với Đại Lão Hòa Thượng Mahasi Sayadaw, vị Thiền sư danh tiếng bậc nhất ở Miến Điện. Sau đó Ngài được Hòa Thượng Mahasi Sayadaw chọn ở lại Hoa Kỳ để hoằng Pháp ở Hoa Kỳ cũng như ở những nơì khác.
Hòa Thượng U Silananda hoằng dương giáo pháp, giảng dạy rất rành mạch Pháp môn thiền quán cho quần chúng tu tập hành thiền, nhứt là thiền Minh Sát trong kinh Đại Niệm Xứ.
Những bài giảng, Pháp thoại được thu thập và đúc kết thành một tuyển tập được xuất bản trong quyển sách tựa đề là "Kinh Đại Niệm Xứ” "The Four Foundations of Mindfulness" (nhà xuất bản Wisdom Publications, Boston, 1990, ed. Ruth-Inge Heinze).
Bài Pháp thoại nầy trước kia được in thành sách do Buddha Sasana Yeiktha ấn tống năm 1999.
-ooOoo-
Đoạn mở đầu kinh Đại Niệm Xứ
Nầy Chư Tỳ Khưu, đây là con đường độc nhứt để thanh lọc tâm chúng sanh, chấm dứt lo âu phiền muộn, diệt trừ khổ ưu, đạt Thánh đạo, và chứng ngộ Niết Bàn, đó là Tứ Niệm Xứ.
Thế nào là bốn:
Nây Chư Tỳ Khưu, ở đây thầy Tỳ Khưu sống quán thân trên thân, tinh cần, tỉnh giác, chánh niệm để chế ngự tham ưu ở đời.
Thầy Tỳ Khưu sống quán thọ trên thọ, tinh cần, tỉnh giác, chánh niệm để chế ngự tham ưu ở đời.
Thầy Tỳ Khưu sống quán tâm trên tâm, tinh cần, tỉnh giác, chánh niệm để chế ngự tham ưu ở đời.
Thầy Tỳ Khưu sống quán pháp trên pháp, tinh cần, tỉnh giác, chánh niệm để chế ngự tham ưu ở đời.
Đoạn trên trích ra từ một trong những bài kinh của Đức Phật tựa là "Bốn đối tượng chánh niệm," Theo Phạn ngữ Pali, kinh nầy là "Mahasatipatthana Sutta" Đại Niệm Xứ.
Tuy là đoạn mở đầu, đoạn kinh nầy đã tóm tắt cốt tủy của toàn bài kinh.
Chính Đức Phật đã thực hành và công nhận rằng có sự lợi ích sẽ đem lại cho hành giả. Sau đó Ngài khuyến khích các thầy tỳ khưu và các đệ tử của Ngài thực hành pháp môn Tứ Niệm Xứ, và trong suốt 45 năm truyền bá giáo pháp, Đức Phật luôn luôn đề cập, dẩn chứng và nhấn mạnh tầm quan trọng của Kinh Tứ Niệm Xứ.
Sau khi Đức Phật nhập Niết Bàn, các phương pháp thực hành được góp nhặt và ghi chép lại trong tạng kinh Pali.
Những ai thực hành Tứ Niệm Xứ hay thiền Minh sát phải hiểu một cách thật rõ ràng và chính xác đoạn kinh nầy. Thực vậy, tất cả những bài giảng dạy, chỉ dẩn phương pháp hành thiền trong các khóa thiền Vipassana đều căn cứ trên kinh Đại Niệm Xứ. Cho nên để được gặt hái trọn vẹn sự lợi ích, các thiền sinh thực hành thiền Minh Sát nên đọc và hiểu rõ ràng, thấu triệt bài kinh quan trọng nầy.
Bốn đối tượng đặt nền tảng của chánh niệm
Theo kinh Tứ Niệm Xứ, có bốn đối tượng của chánh niệm. Bốn đối tượng ấy như sau:
1) Thân
Danh từ "thân" trong kinh Tứ Niệm Xứ không chỉ có nghĩa là toàn thể thân vật chất mà còn có nghĩa một nhóm của những phần thuộc về vật chất. Nó bao gồm những phần khác nhau của thân thể hay tất cả những gì liên quan đến thân thể vật chất. Thí dụ hơi thở cũng được gọi là thân.
2) Cảm Thọ
"Cảm thọ" là gì? Cảm thọ là một tâm sở một trạng thái tâm. Có ba thứ cảm thọ - lạc thọ, khổ thọ và thọ vô ký. Lấy sự đau nhức làm thí dụ. Ta kinh nghiệm sự đau nhức của thân bằng cái tâm của ta. Cho nên khi có thân đau nhức, thì tâm cảm giác sự đau nhức. Trong kinh Tứ Niệm Xứ Đức Phật dạy "Thầy Tỳ Khưu quán thọ trên thọ," có nghĩa là thầy Tỳ Khưu đang quán cảm thọ. Trong khi thực hành chánh niệm, khi kinh nghiệm thân đau nhức, ta phải (chánh) niệm cảm giác có sự đau nhức trong thân.
3) Thức
Tiếng Pali của thức là "citta". "citta" thường thì được dịch là "tâm". Nhưng Sư nghĩ chữ "thức" là chữ dịch đúng nghĩa hơn chữ tâm. Tuy nhiên, dù dịch là "thức," nó vẩn không phải là chữ dịch thật chính xác nghĩa của "citta." Thức" được định nghĩa là sự hay biết một đối tượng. Chỉ khi nào có sự hay biết một đối tượng mới có thể nói rằng có một sự tiếp xúc với đối tượng, cảm giác đối tượng, ưa thích đối tượng , không ưa thích đối tượng, vân, vân….Những nhóm tâm sở nầy phụ thuộc vào thức. Chúng cũng là những phần tử của tâm.
Nhiều khi có sự lầm lẩn giữa hai danh từ "tâm" và "thức". Trong Vi diệu pháp, tâm gồm có bốn nhóm tâm sở, thức uẩn là một trong nhóm đó, và ba nhóm tâm sở khác (thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn)
Theo định nghĩa trên, thức là sự hay biết đối tượng. Sự hay biết ở đây không gìống như sự hay biết trong khi hành thiền. Nó chỉ là một sự hay biết suông. Thí dụ như tôi đang hay biết có người nào đó, mặc dù tôi đang nhìn ở nơi nầy. Sự hay biết đó gọi là thức. Ít ra sự hay biết đó được gọi là thức trong Vi diệu pháp. Một thí dụ khác, khi ta hành thiền, ta niệm "khổ, khổ"; ta có một sự hay biết (hay thức) đi với cái khổ. Đó là một sự niệm thức. Khi ta niệm "giận, giận," ta cũng đang niệm thức.
Các tâm sở khác gồm có tâm xúc, cảm thọ, hành uẩn, chú tâm, ưa thích, không ưa thích, vân, vân…Theo Vi Diệu Pháp, có tất cả năm mươi hai tâm sở, và năm mươi hai tâm sở nầy được chia nhóm vào ba nhóm tâm sở chánh - thọ uẩn, tưởng uẩn, và hành uẩn.
4) Pháp
Chữ "Dhamma" tiếng Pali là một danh từ Pali rất khó dịch ra ngôn ngữ khác cho đúng nghĩa. Danh từ nầy có nghĩa khác nhau trong mỗi trường hợp. Nơì đây Sư xin gìới thiệu danh từ "Pháp là đối tượng” (dhamma objects).
Nếu bạn chú tâm hay quán niệm sự giận, bạn đang quán pháp. Ở đây chữ Pháp không có nghĩa là giáo Pháp hay giáo lý của Đức Phật. Nếu bạn thấy vật gì và bạn niệm sự thấy, đó là bạn đang niệm Pháp. Ở đây Pháp là đối tượng của chánh niệm như các Pháp chướng ngại, năm uẩn, mười hai xứ, Thất Giác Chi hay Tứ Diệu Đế. Pháp là đối tượng quán niệm thì rất sâu rộng. Trong bài kinh nầy, tất cả các đối tượng của chánh niệm đều được gọi là niệm Pháp. Vì thế cho nên cứ để ngưyên danh từ Dhamma để tránh sự lầm lẩn.
Không thể nào dịch chữ "Dhamma" ra một chữ tiếng Anh, như vậy bạn sẽ sai. Thường thì Dhamma object được dịch là "mind object"
tiếng Việt là "tâm là đối tượng”, hay “mental object” tiếng Việt là "Tâm đối tượng”.
Nhưng nếu dùng riêng mỗi cách dịch như vậy cũng không thỏa doán. Nếu dịch là "tâm là đối tượng” thì những đối tượng khác không phải là "tâm" thì sao? Còn nếu dịch nó là "tâm đối tượng” thì tất cả các đối tượng được liệt kê trong kinh Niệm Xứ đều là đối tượng của tâm? “Thân”cũng là đối tượng của tâm? Vì ta không thể dịch chữ Dhamma trong phần kinh nầy một cách thỏa đáng và thích hợp, tốt hơn hết là cứ dùng danh từ tiếng Pali là Dhamma không nên dịch ra tiếng Anh (hoặc dịch ra tiếng Việt).
Ý nghĩa của câu "con đường độc nhứt” ekayano
Trong phần bằng tiếng Pali, kinh nầy bắt đầu bằng câu “ekayano”, “con đường độc nhứt.” Tiếng Pali, chữ nầy gồm có hai phần, “eka” và "ayana". "Eka" có nghĩa là "một," hay duy nhứt, và "ayana" có nghĩa là "cách thức", "con lộ," hay "con đường.” “Ekayano” nghĩa đen là "một con đường.” Một con đường duy nhứt không có lối rẻ, không có chi nhánh. Chỉ có một con đường và nếu bạn dấn bước trên con đường nầy chắc chắn bạn sẽ đến đích. Không có sự lầm lẫn sai lệch trên con đường nầy.
Một cách diễn đạt khác của “ekayano”là con đường mà mỗi cá nhân chọn lựa đi một mình. Có nghĩa là khi đã chọn đi trên con dường nầy, bạn đi một mình đơn độc, bạn sẽ không có bạn đồng hành đi chung. Dù có tiến bộ hay không tiến bộ, tất cả đều do khả năng riêng của bạn.
Còn một cách diễn đạt thứ ba của câu “Ekayano” là "Con Đường của một Đấng Độc Nhứt.” “Đấng Độc Nhứt” ở đây chỉ Đức Phật. Đức Phật là bậc toàn mỹ toàn thiện trong nhân loại, và Ngài được gọi là Đấng Độc Nhứt. Ngài là người đã khám phá ra và truyền dạy Tứ Niệm Xứ cho nên Thiền Tứ Niệm Xứ được gọi là "Con Đường của Bậc Độc Nhứt.”
Đây là con đường độc nhứt
Câu đầu trong kinh được dịch là: "Nầy các thầy Tỳ Khưu, đây là con đường độc nhứt đưa đến sự thanh lọc (tâm) chúng sanh…đó là Tứ Niệm xứ.
Chính ngay phần đầu của kinh Đức Phật đã nhấn mạnh "Đây là con đường độc nhứt.” Tứ Niệm Xứ là một con đường độc nhứt đưa đến sự thanh lọc tâm chúng sanh. Nhưng những chi của Bát Chánh Đạo cũng là con đường đưa đến sự thanh lọc tâm chúng sanh? Xin trả lời rằng những chi trong Bát chánh đạo sẽ không hiệu quả nếu không có chánh niệm. Cho nên khi nhắc đến chánh niệm, thì bảy yếu tố của Bát chánh đạo cũng được nhắc đến.
Không có con đường nào khác?
Người Tây Phương thường đặt câu hỏi: “Tại sao Đức Phật nói rằng: “Đây là con đường độc nhứt”? Không có con đường nào khác để dẩn đến sự thanh lọc tâm chúng sanh? Họ lý luận rằng có nhiều con đường khác mà ta có thể đi để đến một khu xóm hay thành phố. Nếu có nhiều đường dẩn đến một thành phố tất nhiên phải có nhiều phương pháp khác nhau chúng sanh hành theo để thanh lọc tâm hay đưa đến Niết bàn.
Bạn nên nhớ là có nhiều sự so sánh không hoàn toàn đúng hay thích hợp. Đúng vậy, có nhiều con đường để dẩn đến một khu xóm hay thành phố. Ta nói rằng con đường lộ là một phương tiện duy nhứt để ta đi đến một thành phố. Tuy có nhiều đường lộ dẩn đến một khu phố, nhưng những phương tiện đó cũng vẩn là đường lộ.
Cùng thế ấy, mặc dù có nhiều phương pháp khác nhau để thực hành chánh niệm. nhưng chung quy những phương pháp đó đều là phương pháp thực hành chánh niệm. Chỉ có chánh niệm mới có thể đưa ta đến sự chứng ngộ Niết Bàn.
Ta cần tập thể thao để các bắp thịt được săn cứng và nở nang. Như vậy, nếu bạn muốn cho các bắp thịt được nở nang, bạn phải tập thể thao. Nhưng tập thể thao cũng có nhiều phương cách khác nhau, ví dụ như tập tạ, hay dùng các dụng cụ máy móc vân vân…Cùng thế ấy, chỉ có chánh niệm mới đưa chúng sanh đến sự chứng ngộ Niết Bàn, nhưng chánh niệm được thực hành dưới nhiều hình thức khác nhau. Trong kinh Tứ Niệm Xứ, Đức Phật dạy rằng chánh niệm được thực hành theo 21 cách khác nhau. Có 21 cách để thực hành chánh niệm mà ta chọn. Nhưng dù bạn chọn cách nào, chung quy cũng vẩn là thực hành chánh niệm, đó mới là điều quan trọng vì chỉ có chánh niệm mới là phương pháp thanh lọc tâm chúng sanh.
Trong kinh Pháp cú (274) - Đức Phật nói rõ ràng thêm về chánh niệm, "Chỉ có chánh niệm, mà không có một phương pháp nào khác để thanh lọc trí tuệ.” Chính Đức Phật nhấn mạnh câu khẳng định nầy, thế nên chúng ta phải chấp nhận rằng chánh niệm là con đường duy nhứt dẩn đến sự thanh lọc tâm chúng sanh.
Chánh niệm là sự bảo vệ tâm
Chánh niệm cũng giống như một người cận vệ. Khi người cận vệ bị dời đi nơi khác thì những cửa của giác quan không được bảo vệ. Chỉ khi nào có sự hiện diện của chánh niệm ở các cửa của giác quan, tâm ta mới được trong sạch. Những trạng thái tâm phiền não bất thiện sẽ không xâm nhập vào tâm ta được vì có chánh niệm gìn giữ ở các cửa của giác quan. Chỉ khi nào chánh niệm bị mất đi, hay khi ta ít chánh niệm thì có những phiền não đủ loại sẽ phát sanh. Chỉ có chánh niệm mới giúp giữ tâm trong sạch. Nên lưu ý, chánh niệm ở đây chỉ một chi của Bát Chánh Đạo.
Những đối tượng của chánh niệm
Chánh niệm trên nhiều đối tượng – chánh niệm trên thân, chánh niệm trên cảm thọ, chánh niệm trên thức, chánh niệm trên Pháp. Thực hành chánh niệm là một phương pháp duy nhứt để thanh lọc tâm chúng sanh.
Sự quan trọng của sự thanh lọc tâm
Tại sao có sự nhấn mạnh về tâm? Đức Phật luôn nhấn mạnh tầm quan trọng của sự thanh lọc tâm. Điều nầy không có nghĩa là ta xem nhẹ việc vệ sinh và giữ gìn sức khoẻ của cơ thể. Nhưng quan trọng hơn chính là sự thanh lọc tâm của chúng ta.
Sự sạch sẽ của thân quan trọng như thế nào? Trong chú giải có nói rằng vệ sinh cá nhân hay sự sạch sẽ của cơ thể cũng như sự sạch sẽ của nơi ăn chốn ở cũng vô cùng quan trọng vì chúng rất cần thiết để hổ trợ trong sự đạt đến định và phát sanh trí tuệ. Ta cần phải giữ gìn thân thể sạch sẽ và chăm sóc nơi hành thiền cho tươm tất gọn ghẽ. Hàm ý ở đây là khi ta không chểnh mãng trong sự giữ gìn thân thể sạch sẽ tức nhiên ta phải nổ lực nhiều trong sự làm cho tâm trong sạch.
Những lợi ích nào gặt hái được khi thực hành chánh niệm?
1. "Thanh lọc tâm"
Trong kinh Đức Phật kể những lợi ích mà ta gặt hái được khi hành chánh niệm. Lợi ích thứ nhứt là sự thanh lọc tâm
2. Chấm dứt lo âu phiền muộn và uất ức than khóc
Lợi ích thứ hai là sự chấm dứt lo âu phiền muộn và uất ức than khóc. Ở đây lo âu phiền muộn là trạng thái của tâm. Uất ức thổ lộ trong tiếng khóc than.
3. Diệt trừ khổ ưu
Đau đớn ở đây chỉ về đau thân. Sầu bi ở đây chỉ về sự ưu phiền ở tâm, trầm cảm, ác tâm, sân hận. Thực hành chánh niệm giúp ta vượt khỏi mọi sự khổ thân và khổ tâm và làm cho chúng tan biến đi. Nhưng dù bạn không thể chiến thắng sự đau đớn (ở thân) hay không thể hoàn toàn tiêu diệt nó hẳn, bạn cũng có thể sống với sự đau đớn và chấp nhận nó nếu bạn thực hành chánh niệm. Tâm của bạn sẽ không bị phiền nhiễu hay quấy rầy bởi cái đau ở cơ thể. Khi tâm bạn không thấy bị phiền nhiễu bởi cái đau ở thể xác, thì cái đau nầy không hiện hữu.
Tâm không thể nào cùng một lúc mà chú ý nhiều hơn một đối tượng. Tâm chỉ có thể cùng một lúc bắt một đối tượng mà thôi. Nhờ dùng đặc tánh nầy của tâm, ta sẽ diệt trừ được phiền não khi ta thưc hành chánh niệm. Lấy sự giận làm thí dụ. Thí dụ ta giận ông A. Khi nào tâm ta còn để trên ông A, sự giận của ta sẽ tăng thêm và ta càng giận ông A thêm vì ta lấy ông A là đối tượng của tâm ta. Nhưng một khi ta để tâm vào sự giận, thay vì vào ông A, thì ông A sẽ không còn hiện hữu trong lúc đó. Ngay trong lúc ta để tâm vào sự giận và khi cái nguồn góc của sự giận (ông A) không còn hiện hữu thì cái giận cũng sẽ biến mất luôn.
Cùng thế ấy ta nên chăm sóc tâm bằng chánh niệm, một chánh niệm đơn giản nhưng mạnh mẽ. Ta phải dùng chánh niệm mạnh mẽ để đối trị với những cảm xúc như tham ái sân hận oán ghét, trầm cảm, và sầu bi. Khi có những trạng thái tâm phát sanh, ta chỉ dùng chánh niệm và tâm ghi nhớ. Khi tâm chánh niệm mạnh, những trạng thái tâm phiền não sẽ biến mất. Vì thế nên Đức Phật dạy, “Đây là con đường độc nhứt để vượt khỏi sự sầu não, diệt trừ khổ ưu trên đời.”
4. Đây con đường độc nhứt đạt đến Đạo cao thượng
a) Nghĩa của "con đường.” hay “Đạo tâm”.
Khi bạn đọc sách về Đạo Phật bạn sẽ gặp chữ “Đạo” Path rất thường xuyên. Có khi chữ đó viết với chữ “p” nhỏ, nhưng thường thì chữ đó viết với chữ hoa “P”.Chữ con đường hay “Đạo” là một thuật ngữ dùng để chỉ nhóm tám yếu tố của Bát chánh đạo - Chánh kiến, chánh tư duy, vân, vân…chúng phát sanh cùng lúc với tâm chứng ngộ. Cái tâm thức đi chung cùng phát sanh với những yếu tố trên gọi là "Đạo Tâm.”
b) Nghĩa của chữ "giác ngộ"
Chữ "giác ngộ" là một chữ khác rất quan trọng mà nghĩa của nó cũng rất khó hiểu. Người đời thường dùng chữ nầy một cách tự do, nhưng chỉ một số ít người mới thật hiểu nghĩa của nó một cách trọn vẹn. Chữ nầy đối với nhiều người hay đối với nhiều tôn giáo thì mang nhiều ý nghĩa khác nhau. Như thế, nghĩa của chữ "giác ngộ"đối với một Phật tử rất khác đối với “giác ngộ” của một người Thiên Chúa giáo. Cho nên khi nói đến chữ giác ngộ, trước hết ta nên định nghĩa nó cho được rõ ràng.
Đối với đạo Phật, "giác ngộ" có nghĩa là sự diệt trừ phiền não và chứng ngộ Niết Bàn, thấy và nhận diện Niết Bàn cùng một lúc. Khi một hành giả hành thiền Minh Sát và có tiến bộ từ giai đoạn nầy đến giai đoạn khác, đến tầng cao hơn, kết quả của sự tinh tấn hành thiền, trong một khoảnh khắc, một loại tâm thức phát sanh trong tâm mà hành giả chưa từng bao giờ kinh nghiệm trước kia. Tâm nầy đồng sanh khởi với những tâm sở khác vô cùng mãnh liệt chúng có thể tiêu diệt hoàn toàn những ô nhiễm và không bao giờ để ô nhiễm nầy phát sanh lại trong tâm. Đồng thời tâm thức nầy lấy Niết Bàn làm đối tượng. Thế nên khi ta nói giây phút "giác ngộ" đó là cái tâm thức phát sanh ngay trong giây phút đó hay ngay trong khoảnh khắc đó – cái khoảnh khắc phát sanh cái tâm thức có thể diệt tận mọi phiền não và lấy Niết Bàn làm đối tượng. Cái tâm thức nầy được gọi là "Đạo Tâm.”
Ngay sau "Đạo Tâm” phát sanh, có hai hay ba “Quả Tâm” cùng phát sanh. Bạn phải hiểu Vi Diệu Pháp mới có thể hiểu rõ vấn đề nầy. Nhưng để nói một cách giản dị, đạt đến Đạo cao thượng là một cách để được giác ngộ. Khi nào bạn đạt đến Đạo cao thượng khi đó bạn mới giác ngộ, và bạn mới có thể diệt trừ ô nhiễm trong tâm và lúc đó tâm lấy Niết Bàn làm đối tượng.
5. Đây là con đường độc nhứt để chứng ngộ Niết Bàn
Đây có cùng một nghĩa với đạt đến Đạo cao thượng. Khi một hành giả đạt đến Đạo cao thượng và khi Đạo tâm sanh khởi nơi tâm của hành giả và cái tâm đó lấy Niết Bàn làm đối tượng người ấy đã đạt Niết Bàn. Thế nên đạt đến đạo cao thưọng và chứng ngộ Niết Bàn có cùng một nghĩa.
Đức Phật dạy rằng thực hành chánh niệm nghĩa là thực hành Tứ Niệm Xứ là phương pháp độc nhứt để vượt khỏi sầu não, diệt trừ khổ ưu, đạt Thánh Đạo và chứng ngộ Niết Bàn.
Ý nghĩa của Tứ Niệm Xứ?
Hai chữ quan trọng ở đây là "xứ" hay "nền tảng" (dịch từ chữ "foundation") và "chánh niệm." Trước khi ta nói về Bốn đối tượng chánh niệm, ta nên hiểu "chánh niệm" là gì. Tuy chúng ta thực hành chánh niệm lâu năm, khi bị hỏi “chánh niệm là gì" ta không thể trả lời một cách thỏa đáng.