Đã thành thông lệ, hàng năm cứ vào ngày 10-9 âm lịch, Lễ hội chùa Keo mở cửa đón hàng nghìn du khách thập phương về dự hội.
Hội chùa Keo năm nay vẫn được Ban tổ chức duy trì những nghi lễ truyền thống mang bản sắc văn hoá của địa phương như: biểu diễn trống hội, hát du thuyền. Du khách về dự hội chùa Keo sẽ được hoà mình trong không gian văn hoá tâm linh của đất và người Thái Bình. Trong lễ hội sẽ diễn ra nhiều hoạt động phong phú như: Tế lễ Phật, rước kiệu Thánh cùng nhiều trò chơi dân gian độc đáo (thi têm trầu cánh phượng, leo cầu ngô bắt vịt, vật tự do).
Theo địa chí Thái Bình, chùa Keo thuộc xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư (Thái Bình) xưa và nay là một danh thắng độc đáo kỳ vĩ vào bậc nhất của Việt Nam. Lễ hội chùa Keo với tục thờ thiền sư Không Lộ, theo xuân thu nhị kỳ đã có sức cuốn hút mọi lứa tuổi, mọi tầng lớp cư dân trong vùng. Hàng năm, lễ hội được tổ chức vào hai kỳ: Hội xuân được tổ chức vào ngày mồng 4 Tết Nguyên Đán. Hội thu được tổ chức vào các ngày 13 đến 15- 9.
Hội vui xuân chùa Keo xưa, ngoài lễ Phật là các cuộc đua tài giải trí gắn với sinh hoạt của cư dân nông nghiệp, trong đó, đáng chú ý là ba trò thi: Bắt vịt, nấu cơm và ném pháo. Các lễ thức trong 3 ngày hội tháng 9 của chùa Keo vừa mang tính lễ hội nông nghiệp, đua tài giải trí, vừa mang tính chất của một lễ hội lịch sử mà cả xâu chuỗi các hành động. Hội là một bản diễn xướng lịch sử về hành trạng của Quốc sư Dương Khổng Lộ, trong đó những sinh hoạt văn hóa, văn nghệ dân gian hòa quyện vào các nghi thức tôn giáo.
Trải qua bao thăng trầm, đến nay một số lễ thức trong hội chùa Keo đã bị giảm lược, nhưng các nghi thức trong đám rước vẫn cơ bản được giữ nguyên, múa ếch vồ và múa chèo chải cạn vẫn được duy trì. Dự kiến Lễ hội chùa Keo kết thúc ngày 15-9 âm lịch.
MAI QUÝ TÙNG (Theo NDĐT)