Tin về cái chết của bé Duyệt Duyệt hôm 21-10 ở thành phố Phật Sơn (tỉnh Sơn Đông - Trung Quốc) lan nhanh như tia chớp, thổi bùng cả sự giận dữ và nỗi đau của hàng triệu cư dân các trang mạng xã hội ở Trung Quốc và một số nước khác, trong đó có Việt Nam.
>>Vì sao người qua đường không cứu Duyệt Duyệt? Bi kịch bắt đầu vào ngày 13-10 khi gần 20 người đi đường đã làm ngơ trước một bé gái 2 tuổi đang nằm đau đớn trên một đường phố ở Phật Sơn sau khi bé bị xe chở hàng cán đến 2 lần. May thay, bên cạnh sự lạnh lùng đến ghê sợ của một số người đi đường còn có trái tim nhân hậu của một người phụ nữ lượm rác, nhỏ thó hom hem ở tuổi 58.
Bà đã cứu đứa bé đang nguy kịch theo bản năng gần như còn tinh khôi của một người mẹ, một Con Người. Dư luận cảm kích trước tấm lòng của người đàn bà tên Trần Hiền Muội đó và cầu mong có một phép mầu nào đó đối với cháu bé. Thế nhưng, phép mầu đã không xuất hiện và câu chuyện buồn thảm kia tiếp tục lay động hàng triệu trái tim có cùng nhịp đập, đốt nóng tâm trạng phẫn uất và nuối tiếc.
Câu chuyện bé Duyệt Duyệt ở Trung Quốc có độ lan tỏa xuyên biên giới và sức gợi nhắc mạnh mẽ. Điều gì khiến con người dửng dưng, mất cảm xúc trước những phận người chung quanh? Đó là nỗi sợ, lòng tham và tính ích kỷ. Hàng loạt câu chuyện “không thể hiểu nổi” gần đây ở nước ta cho thấy điều đó.
Vì sao mấy thanh niên trai trẻ thấy rõ kẻ đang móc túi một bác hưu trí trên xe buýt mà không ra tay hành động? Vì sao chỉ một mình “hiệp sĩ” đang vật lộn với 2 tên cướp mà đám đông xung quanh chỉ đứng nhìn? Vì sao hàng chục người lại ùa vào vơ vét tiền bạc, tư trang của những nạn nhân bị xe đụng đang kêu cứu? Vì sao những vụ hỗn chiến trong khu dân cư hay trên đường phố thường chỉ được “can thiệp” sau khi án mạng đã xảy ra?...
Trong các câu chuyện về sự dửng dưng dẫn đến chết người, có không ít chuyện xảy ra trong ngành y tế. Đây là địa hạt mà sự vô cảm không có quyền hiện hữu bởi mối quan hệ thầy thuốc - bệnh nhân đã được dệt bằng những từ ngữ đẹp và nhân văn nhất từ xa xưa. Lý do thật đơn giản, sự vô tâm trong nghề này sẽ phải trả giá bằng nhiều mạng người. Nhưng bây giờ mối quan hệ kia đã không còn như xưa với những chuyện đau lòng cứ tích tụ dần. Đã có ý kiến kêu gọi chấn hưng ngành y tế, xây đắp nền tảng, học lại những bài học nhập môn về y đức, y đạo của các danh y xưa và nay.
Khi nào nỗi sợ, lòng tham và tính ích kỷ vẫn còn thì tình trạng mất cảm xúc trước cuộc sống xung quanh vẫn còn. Nó đòi hỏi giáo dục từ căn bản, bắt đầu từ những đứa trẻ chập chững đến trường. Khó nhất là vượt qua nỗi sợ, một trạng thái tâm lý mà đại thi hào William Shakespeare đã nhìn với ánh mắt coi khinh: “Kẻ hèn nhát chết nhiều lần trước khi chết thật”.
Theo nguoilaodong