Lần nào đi hầu đồng, Thoa (Kim Sơn, Ninh Bình) cũng phải lén lút như ăn trộm, vì chồng chị mà biết thì nguy to. Trước đây, anh không quan tâm lắm đến “chuyện nhang khói” của vợ, nhưng mấy năm nay khi chị ngày càng mê hầu bóng, đến nỗi bỏ bê việc nhà và đốt cả đống tiền vào đó thì anh cấm tiệt.
Bị chồng đánh vì mê đồng
Lần đầu tiên chồng Thoa “thượng cẳng chân” với vợ là dịp anh phát hiện đôi gà chọi mà anh định bụng biếu ông chú đã “bốc hơi”, hỏi vợ con thì người nào cũng ngớ ra không biết. Ít hôm sau, trong lúc lục lọi kho đựng đồ tìm cái búa, anh thấy một cái bọc lạ nhét vào ngách tường, mở ra xem, hóa ra bộ đồ sặc sỡ mà các bà vẫn mặc hầu đồng. “A, đôi gà của tao đây rồi”, anh ré lên và lôi vợ ra mắng nhiếc ầm ĩ, rồi tẩn cho một trận khi nghe vợ thú nhận là số tiền bán gà vẫn chưa đủ may bộ đồ đó, chị vẫn còn nợ.
Để có tiền mua đồ lễ, tiền tán lộc… cho những buổi hầu đồng, Thoa phải nhịn ăn nhịn mặc, lúc nào cũng lăm le xem trong nhà có khoản nào bớt xén, qua mặt chồng được không. Gà vịt đẻ được 10 quả trứng thì chị “khai” là 8, bán rau được 30.000 đồng thì chị báo là 25.000, mua cái gì cũng kê giá tăng lên… Tiền tiết kiệm được, chị chia nhỏ ra dúi chỗ này vài tờ, nhét chỗ kia vài tờ để “giảm thiểu rủi ro”. Thỉnh thoảng, chồng Thoa lại vô tình vớ được vài tờ 5.000, 10.000 đồng ở những chỗ rất "trời ơi đất hỡi", thế là Thoa đã mất tiền lại còn bị chồng chửi.
Quỹ đen của Thoa không đủ chi cho các buổi hầu đồng ngày một dày. Vì thế nhiều khi chị phải bán trộm đồ: thóc lúa, bắp cải, trứng… Lần gần đây nhất, chị bán bốn con vịt béo trong đàn. Có tiền rồi, Thoa còn phải tỉ tê khuyên chồng thăm ông chú họ ốm đau cách đó 15 cây số. Chị tính, chồng mình sang đó kiểu gì cũng bị giữ lại ăn cơm, mình sẽ được rảnh rang với việc lễ lạt. Thật không may, anh chồng đi một lát đã về, ngồi mãi không thấy vợ đâu thì sinh nghi, chợt nghĩ ra ngày thường vợ mình không ưa gì ông chú đó. Anh lục tủ không thấy bộ đồ hầu bóng của vợ, liền ra ngay chuồng gà, chuồng vịt để đếm… Thằng con trai biết nguy, vội cong đít đạp xe ra đền báo động. Thoa mới hầu được vài giá đã thấy thằng con hớt hải chạy đến thì thào: “Mẹ ơi, bố đang tìm mẹ đòi vịt kìa”.
Lừa chồng để đi qua đêm Bà Thục, dì họ của Thoa, cũng mê hầu đồng không kém. Nhưng vì là tay hòm chìa khóa nên bà không phải lo chuyện giấu tiền. Cái khó nhất là làm sao trốn ông để đi hầu đồng được trót lọt, vì bà chỉ tín nhiệm những đền chùa ở xa. “Ông ấy mà biết thì kiểu gì cũng chì chiết, cấm cản tôi, cứ bảo bà chăm chỉ thế mà sao hai vợ chồng ốm đau suốt, tiền thì ngày một hẻo. Tôi đã giảng giải là chính ông cứ ngăn tôi nên các ngài mới bắt thế, cứ để cho tôi chu toàn xem, lại chả giàu có khỏe mạnh à, nhưng ông ấy có chịu sáng ra đâu”, bà Thục than thở.
Những chuyến đi xa hầu đồng của bà Thục luôn mất một ngày một đêm, vì vậy để trót lọt, bà luôn phải lập mưu lừa chồng. Hôm thì bà nói đến thăm con gái, khi thì sang thăm con dâu một chút vì chồng nó đi bộ đội xa… Lần nào chuyện cũng xuôi cả, trừ một lần.
Chiều hôm đó bà Thục bảo chồng: “Tôi sang nhà chị cả đây, chị ấy ốm nhắn tôi sang. Tôi ngủ với chị ấy một đêm, chăm sóc cho chị đỡ tủi, chiều mai mới về”. Sẽ chẳng có chuyện gì nếu như sáng hôm sau, ông chồng không vì rảnh rỗi mà nảy ra ý đi thăm chị vợ, nhân tiện đón vợ về luôn. Sang đến nơi, thấy bà chị đang ngồi chẻ củi, ông hỏi: “Bác đỡ rồi à? Sao đã làm sớm thế, để khỏe hẳn đã kẻo ốm lại thì khổ”. Bà chị đang ngơ ngác thì ông tiếp: “Thế bà nhà em đâu?”. Sau mấy câu mới biết chị vợ chẳng ốm đau gì mà vợ thì không hề đến đây, ông tím mặt vì tức và ngượng, về nhà hằm hằm đợi vợ. Tối đó, nhà bà Thục nổ ra một trận cãi vã om sòm chưa từng thấy. Bà già 63 tuổi khóc òa khi đầu đã hai thứ tóc mà còn bị chồng nhiếc là “đồ gái hư bỏ nhà đi hoang”.
Thà bỏ chồng… Đang bận tối mắt với các dự án kinh doanh, anh Phương (Hà Đông, Hà Nội) vẫn phải nghỉ việc hộc tốc về thành phố Nam Định vì bố mẹ già bỏ nhau đến nơi. Nguyên nhân lại vẫn chuyện bà mẹ mê hầu đồng mà dốc hết cả tiền bạc vào đấy, chỉ vì nhóm bạn của bà toàn người giàu có, sẵn sàng vung hàng chục triệu đồng vào một buổi lễ.
“Bao nhiêu tiền dành dụm được, rồi tiền con cháu cho, bà đều dốc vào đồng bóng hết. Góp ý thì bà khóc ầm lên, bảo là tôi làm thế cũng vì chồng vì con cả thôi, mình bỏ ra một đồng, các ngài ban lộc cho cả nghìn, cả vạn, tiếc cái gì. Lộc chẳng thấy đâu, chỉ thấy tiền của hết sạch”, anh Phương tâm sự. Để khỏi thua bạn kém bè, mẹ anh may đến 5-6 bộ quần áo lễ. Mỗi lần có buổi hầu, bà sắm lễ vật vô cùng hoành tráng, tiền tán lộc cả tập toàn loại 5.000 đồng. Hai vợ chồng già chỉ có lương hưu nên trước mỗi đợt như thế, bà lại phải kiếm lý do để xin con cái.
Lần này, Phương phải về vì bố anh phát hiện vợ đã rút cuốn sổ tiết kiệm dưỡng già của hai ông bà mà con cháu góp nhau lập ra để đổ vào mấy cuộc hầu đồng ở Bắc Ninh, Cao Bằng, Hà Tĩnh… vừa rồi. Số tiền tiết kiệm đã vơi phân nửa. Cãi nhau mấy ngày bất phân thắng bại, ông đòi ly dị. Bà cương quyết: “Tùy ông, tôi thà bỏ chồng còn hơn. Vì ông mà con cháu mất cả phúc lộc. Chúng nó có bề gì là tại ông hết”.
Đến giờ, anh Phương vẫn chưa hòa giải được bố mẹ. Anh than thở: “Tôi vẫn biết hầu đồng là một nét văn hóa của người Việt mình, nhưng mà mê muội như mẹ tôi thì thành ra mê tín dị đoan mất rồi. Thật là tiền mất mà nhà không yên”.
Theo ĐVO