Thông báo

Icon
Error

Tùy chọn
Xem bài viết cuối Go to first unread
lunchu_m  
#1 Đã gửi : 31/05/2014 lúc 07:29:34(UTC)
Guest

Danh hiệu: Guest

Nhóm: Guests
Gia nhập: 21-05-2014(UTC)
Bài viết: 1,188

Được cảm ơn: 142 lần trong 97 bài viết
MỘT ĐỜI NGƯỜI MỘT CÂU THẦN CHÚ

Tác Giả: Nguyên Thành biên soạn



ĐÔI DÒNG CẢM TƯỞNG

Tôi là người rất ngại “viết lách”. Viết, đối với tôi là cả một cuộc “vật lộn” với chữ nghĩa. Vậy mà từ khi được duyên may mắn, là người đầu tiên đọc tác phẩm Một đời người, một câu thần chú của giáo thọ Nguyên Thành vừa viết xong, như có ai đó thúc giục tôi một cách mãnh liệt, rằng phải viết lên những niềm hỷ lạc mà tôi đã nhận được từ sự gia trì của Bổn Tôn qua tác phẩm này. Do vậy, tôi “đành” phải “chấp bút”.

Tuy là người đã hành trì giáo pháp Mật tông, và cũng đã đọc một số kinh điển giảng luận của các đạo sư và các thánh tăng, viết về lợi ích của việc thực hành trì niệm thần chú nhưng tôi vẫn không khỏi bàng hoàng và choáng ngợp bởi sự hoành tráng, đầy đủ mọi khía cạnh nông sâu của thần chú Om mani padme hum. Tựa như những viên pha lê đầy màu sắc trước kia để ẩn khuất từng nơi, nay được gom tụ vào một chỗ thì ánh sáng lấp lánh của chúng tăng lên gấp ngàn lần vậy. Tôi như một chú ếch đã tạm hiểu được sự rộng sâu của một dòng sông nhưng vẫn phải nổ tung trước sự mênh mông bao la không bến bờ của đại dương. Vậy đối với những ai có duyên lành với Phật pháp và mong muốn am tường về thần chú Om mani padme hum của Bồ Tát Quán Âm, thì Một đời người, một câu thần chú là một tác phẩm chứa đựng đầy đủ.

Như một nhà họa sĩ tài ba với cành cọ khéo léo, một năng khiếu mỹ thuật, một tấm lòng bi mẫn chân thành, giáo thọ Nguyên Thành đã vẽ lên một bức tranh toàn cảnh tráng lệ, làm cho hàng căn cơ chậm lụt như tôi càng đọc tín tâm càng thâm sâu hơn vào sức gia trì và lòng bi mẫn của Bồ Tát Quán Thế Âm. Chỉ một câu thần chú ngắn ngủi sáu âm mà chứa đựng vạn pháp!

Từng chương trong tác phẩm mang những hình ảnh, khía cạnh khác nhau của thần chú Lục tự đại minh, cũng giống như mỗi màu sắc trong một bức tranh, càng tăng phần sinh động, mà vẫn mang đầy đủ ý nghĩa về lòng bi mẫn siêu phàm của Bồ Tát Quán Thế Âm nhất là những đại nguyện của Ngài dành cho tất cả chúng sanh với tâm không phân biệt, dù cho căn cơ của mỗi chúng sanh khác biệt cũng đều được hưởng lợi lạc như nhau.

Càng đi sâu, ta như lạc vào một hòn đảo chứa đầy những viên ngọc quý giá và chính mình cũng được chiếu soi từ ánh sáng ngọc quý, không những thế mà ta còn được tùy nghi sử dụng. Niềm hỷ lạc dâng trào vì thấy mình quá may mắn gặp được Phật pháp trong đời này và đang hành trì pháp môn trì tụng thần chú Lục tự đại minh.

Để đền đáp phần nào ơn tri ngộ với bậc thiện tri thức qua tác phẩm quý báu này, tôi chỉ biết hết lòng cầu nguyện cho bất cứ ai có duyên may đến được hòn đảo châu báu Om mani padme hum đều sẽ khởi tâm tin nhận hành trì để được phần lợi lạc, không phải trở về tay không!

Bà Rịa Vũng Tàu

Ngày 22 tháng 3 năm 2009

Mật Diệu Kính đề



LỜI NÓI ĐẦU

Thần chú là một đặc trưng của giáo pháp Phật giáo Mật tông, bởi vậy nên gọi là Mật chú thừa hay là Kim cang thừa. Trong Mật chú thừa, hình tượng vị Phật mà các hành giả tu tập thiền quán Bổn tôn thường chọn nhất có lẽ là hình tượng đức Quán Âm Tứ Thủ, và thần chú do Ngài tuyên thuyết là thần chú Mani cũng được nhiều người thọ trì nhất, còn gọi là thần chú Lục tự đại minh hay thần chú Sáu âm. Từ xưa đến nay đã có biết bao thế hệ hành giả Mật chú thừa sử dụng thần chú Mani làm nền tảng tiến tu và nhận Bồ Tát Quán Âm là Bổn tôn thiền quán.

Mật gia Song Nguyễn là nơi tịnh cư thực hành Mật giáo của người viết, cũng noi theo những tấm gương đó.

Trong những năm tháng thực hành pháp môn trì chú song song với pháp quán tưởng Bổn tôn, người viết cũng như những đồng môn khác như đạo hữu Mật Diệu, Mật Hải, Mật Tuệ, Mật Tấn, Mật Hạnh... đều cảm nhận được không ít lợi lạc trong đời sống, cả về mặt tâm linh cũng như thể chất. Thật sự không thể kể hết được ân phước gia hộ từ Bổn tôn, Đạo sư, Dakini, là suối nguồn tâm linh đã mang đến cho chúng tôi tất cả những gì có thể gọi là quý giá của kiếp người, bao gồm cả niềm hạnh phúc trong đời sống hằng ngày cũng như những pháp vị được trải nghiệm qua từng thời khóa hành trì!

Với tâm nguyện là niềm vui nên chia sẻ với mọi người, tựa như ổ bánh ngọt thơm ngon muốn nhiều người cùng ăn chung cho biết mùi vị, người viết không ngại tài sơ trí thiển, cố dồn tâm lực vào tác phẩm này để chia sẻ những nhận thức của mình về thần chú Mani, cũng như những trải nghiệm tâm linh trên đường tu Mật giáo mà bản thân đã kinh qua, mong có thể giúp ích ít nhiều cho những ai chưa biết đến Mật giáo, những ai có thiện cảm với Mật tông, cũng như những ai đang là hành giả Mật giáo.

Trong tác phẩm “Một đời người, một câu thần chú” này, người viết cố gắng thể hiện những quan kiến Mật giáo về pháp môn trì niệm thần chú Mani từ nhiều khía cạnh khác nhau. Khi trình bày, người viết cố gắng y cứ theo những luận chứng trong kinh điển để tránh tình trạng “tri kiến lập tri”, tức là luận giải chủ quan của cá nhân mình. Tuy vậy, về sự vi diệu của thần chú Mani thì có lẽ chỉ chư Phật mới có thể luận bàn rốt ráo. Vì vậy, người viết khó có thể tránh được nhiều sai sót, khuyết điểm. Rất mong quý bạn đọc gần xa niệm tình tha thứ, người viết chân thành cảm kích. Được chút thiện hạnh nào, người viết xin nguyện hồi hướng về cho mọi chúng sanh hữu tình, vô tình trong pháp giới.

Mật gia Song Nguyễn

Phật lịch 2552

Thinley Nguyên Thành

Cẩn chí

ĐẠI SĨ LIÊN HOA SANH (tức GURU RINPOCHE) Đạo sư của nhiều thế hệ hành giả Mật giáo

ĐẠI THÀNH TỰU GIẢ LONGCHENPA và các vị đệ tử dòng truyền thừa Nyingma

ĐỨC ĐẠT-LAI LẠT-MA XIV Lãnh tụ tinh thần của Phật giáo Tây Tạng



DẪN NHẬP

Vùng cao nguyên Ladakh thuộc đất nước Nepal, vào ngày 4 tháng 3 năm 2009. Thời tiết âm 180C! Không cần nói, ai cũng nhận thấy cái rét buốt da ở đây. Nhưng người dân địa phương lại cho biết, so với năm ngoái vào thời điểm này thời tiết còn xuống đến âm 280C. Được như hôm nay là đã ấm hơn nhiều!

Song, vấn đề không phải chuyện ấm lạnh, mà là đang có đến hàng vạn người quy tụ về địa điểm Shey, thuộc cao nguyên Ladakh, không quản mưa lạnh giá rét! Họ tham gia lễ cầu nguyện và trì tụng thần chú Mani cùng thần chú Kim cương Thượng sư một trăm triệu biến mỗi loại. Nghi lễ tâm linh này được diễn ra dưới sự hướng dẫn của đức Pháp vương Gyalwang Drukpa XII. Thành phần tham gia có đủ tứ chúng trong Phật giáo: tỳ-kheo, tỳ-kheo ni, cư sĩ nam và cư sĩ nữ. Tất cả đều cầu nguyện cho quốc thái dân an, thế giới hòa bình, bản thân tinh tấn tu hành để làm lợi lạc cho chúng sanh và chính mình.

Trên thực tế, sự kiện trọng đại này đã có khoảng 45.000 người tham gia. Điều này cho thấy niềm tin mãnh liệt của họ về công năng bất khả tư nghị của thần chú.

Vậy thần chú là gì mà có thể trở thành một phương tiện thiện xảo như thế?

THẦN CHÚ LÀ GÌ?

Thần chú là bản tâm của chư Phật, là mật ngữ của chư Phật, chư đại Bồ Tát, lưu xuất từ trong đại định tam muội, đúc kết tất cả tinh hoa vi diệu trong vũ trụ. Theo nguyên ngữ tiếng Phạn, thần chú được gọi là “mantra”, có nghĩa là “bảo hộ tâm thức” thoát khỏi uế trược, phiền não. Do đó, có thể hiểu nôm na thần chú là phương tiện ban vui, cứu khổ.

Trong Phật giáo Mật tông, thần chú là một phương tiện được sử dụng song hành với phương pháp thiền quán Hộ Phật Du Già (Yidam Yoga), hay còn gọi là thiền quán Bổn tôn.

Công năng của thần chú được mô tả trong nhiều kinh sách Mật giáo. Tuy nhiên, tựu trung thần chú có 5 công năng vi diệu sau đây:

1. Kính ái: ai đọc thần chú sẽ được người, trời, quỷ thần kính trọng và quý mến;

2. Tăng ích: được gia tăng những lợi ích trong đời sống như tuổi thọ, sức khỏe, sự thành đạt;

3. Tiêu tai: tai ách sẽ dần tiêu trừ theo diễn trình từ nặng hóa nhẹ, từ nhẹ trở thành không còn nữa;

4. Hàng phục: trừ tà, diệt ma, tức là những thế lực xấu ác vô hình gây tổn hại cho con người;

5. Câu triệu: tập trung được những năng lực tinh tế của vũ trụ, từ các cảnh giới cao diệu...

Nhưng đó chỉ là những lợi ích thuộc về pháp hữu vi, chưa nói đến các lợi ích cao siêu hơn thuộc về pháp vô vi.

Trong pháp hội Lăng Nghiêm, đức Phật dạy rằng ngay cả các bậc đại Bồ Tát cũng cần trì chú. Từ đó có thể thấy rằng thần chú thực sự hữu ích cho chúng sanh hữu tình, trong đó có loài người chúng ta. Sau đây là một trích dẫn từ kinh Thủ Lăng Nghiêm để thấy rõ oai lực của thần chú:

“Giả sử có chúng sanh trong tâm còn tán loạn, nhưng nếu trì niệm thần chú này cũng vẫn thường được 84.000 hằng hà sa Kim cang thần ngày đêm đi theo giữ gìn hộ vệ... Các quỷ thần ác phải xa lánh vị thiện nhân này ngoài 10 do-tuần, và chúng ma muốn rình rập quấy nhiễu cũng không thể được...”

Ngoại đạo có thần chú hay không? Hành giả ngoại đạo cũng có những mật chú riêng, có công năng khác nhau, nhưng không thể gọi là thần chú. Ở họ có thể gọi là thiên chú, tiên chú, quỷ chú, yêu chú... tùy theo đạo giáo của họ. Chẳng hạn, trong Bà la môn giáo có Phạm thiên chú, trong Lão giáo có tiên chú, trong giáo phái thờ quỷ thần, yêu ma thì có loại quỷ chú, yêu chú... Nhưng chỉ riêng trong Phật giáo mới có mật chú được gọi là thần chú.

Vì sao vậy? Chữ “thần” ở đây không có nghĩa là cõi thần, mà là “thần diệu khôn lường”, diệu dụng vô công, là thần lực của chư Phật. Ngoại đạo không đạt đến cảnh giới siêu phàm đó, nên không thể gọi là thần chú. Lược nói đơn giản là như thế, nhưng để thấu triệt cần phải phân tích thêm...

Nguyên nhân ở chỗ là do định lực của mỗi đạo nông sâu khác nhau. Những tu sĩ ngoại đạo dù chuyên cần tu luyện đến đâu cũng chỉ có thể đạt được những thành tựu trong phạm vi tứ thiền, bát định; có nghĩa là từ sơ thiền lên đến tứ thiền, rồi dần lên đến cảnh giới Phi tưởng phi phi tưởng là hết mức. Theo lời Phật dạy, nếu họ gột sạch được tập khí chấp ngã, họ cũng có thể đạt tới Diệt tận định, thoát khỏi luân hồi. Nhưng vì họ tu tập trên căn bản vẫn còn chấp ngã nên điều này là không thể xảy ra. Và vì thế mà thành tựu cao nhất này chỉ có ở hành giả Phật giáo, những người tu tập giáo pháp vô ngã. Chính vì vậy mà hành giả ngoại đạo chỉ có thể đạt tới những mức định thuộc Sắc giới và Vô sắc giới, nghĩa là không ra khỏi Tam giới. Do đó, họ vẫn còn trôi lăn trong cõi luân hồi chịu khổ não, cho dù các vị trời Vô sắc giới sống lâu đến nhiều đại kiếp.

Các hành giả Tiểu thừa có thể đạt đến Diệt tận định, làm vắng bặt được thọ ấm, tưởng ấm cùng những tập khí ô nhiễm chấp ngã của hành ấm, chạm vào mép cửa của tàng thức sơ năng biến, đã thoát khỏi vòng cương tỏa luân hồi. Nhưng đến đây vẫn còn sự biến dịch vi tế và mãnh liệt của những vọng tưởng hư vô vi tế của tàng thức. Bởi vậy, họ chưa đạt được Đại định Tam-muội.

Riêng trong Phật giáo Đại thừa, Mật thừa, các hành giả tu theo con đường Bồ Tát đạo, Phật đạo, thường quán chiếu các pháp như huyễn, thực hành phương tiện và trí huệ Bát-nhã ba-la-mật-đa, thẩm thấu đại bi đồng thể và tự tâm huyễn hiện... nên đạt được thần lực của Đại định tam-muội, như Thủ lăng nghiêm tam-muội, Như huyễn tam-muội, Chân như tam-muội, Kim cang tam-muội... Khi có được đại định ấy gọi là Diệu định quả sắc, trở thành bậc Đại thánh trong Phật giáo, vô ngại tự tại ra vào sanh tử mà chẳng chút nhiễm ô, hóa độ vô lượng chúng sanh hàng vô số kiếp mà không chút dụng công. Đó là đặc điểm của diệu tâm, và từ diệu tâm nên các ngài mới có thể tuyên thuyết thần chú. Do đó có thể hiểu rằng thần chú là phương tiện thần diệu.

Cũng với ý nghĩa này, hòa thượng Tuyên Hóa từng giải thích về thần thông pháp lực. Ngài cho rằng có quỷ thông (phép tắc biến hiện của quỷ), tiên thông (phép tắc biến hiện của tiên, chư thiên cõi trời), ma thông (phép tắc biến hiện của ma), yêu thông (phép tắc biến hiện của yêu quái). Tất cả các loại phép tắc biến hiện đó đều gọi là “nghiệp thông”, Chỉ riêng ở hành giả đạo Phật mới được gọi là “thần thông”, tức là biến hóa tự tại, phân thân vô số ức...

Trong kinh Địa Tạng Bồ Tát Bổn nguyện, Phẩm thứ hai ghi lại một đoạn như sau:

“Các phân thân của con thị hiện ở khắp trăm ngàn muôn ức Hằng hà sa thế giới; trong mỗi thế giới hóa hiện trăm ngàn muôn ức thân, mỗi một thân đó hóa độ trăm ngàn muôn ức người, khiến cho họ quy kính Tam bảo, vĩnh viễn xa lìa sanh tử, đến được Niết-bàn an lạc...”

Sở dĩ được như vậy là vì bậc thánh trong đạo Phật có đạt được “Lậu tận thông” làm nền tảng mà các hành giả ngoại đạo không thể. Từ điểm tham chiếu này có thể hiểu rằng thần chú là danh từ chỉ có ý nghĩa chuẩn xác nhất khi được dùng trong Phật giáo, nhất là Mật tông. Cũng từ đó ta có thể suy ra, chỉ có thần chú trong đạo Phật mới có được đầy đủ 5 công năng lợi ích vi diệu như đã nêu trên ở bình diện thế gian, còn những thành tựu xuất thế gian sẽ tiếp tục được luận giải ở chương sau.

Thần chú trong đạo Phật được chia làm 4 loại với những cấp độ khác nhau. Trong Tâm kinh Bát-nhã có đề cập đến:

“Đây là đại thần chú, đại minh chú, vô thượng chú, vô đẳng đẳng chú, có khả năng trừ được hết thảy khổ não, chân thật không hư dối.”

Cũng có một cách phân loại thần chú gồm: đảnh chú, tâm chú và tùy tâm chú. Thông thường, chỉ có chư Phật mới lưu xuất đảnh chú, thí dụ như “Đại Phật đảnh chú Thủ Lăng Nghiêm” hoặc “Phật đảnh Tôn thắng thần chú”... Về mặt lý thì thần chú của chư Phật cao hơn chư Bồ Tát đẳng giác, tức là các đại Bồ Tát. Tuy nhiên, về mặt sự thì tất cả thần chú trên đều lưu xuất từ Đại định Tam-muội nên công năng vi diệu đều là bất khả tư nghị.

Trong các nghi quỹ thực hành thần chú có chỉ dạy cách đọc tụng, trì niệm. Nói chung, đọc thần chú là phát ra thành tiếng hoặc lớn hoặc nhỏ, còn tụng thần chú là ngâm nga trầm bổng theo tiếng chuông mõ như hiện đang thực hiện ở các chùa, tu viện Đại thừa.

Nếu đọc thần chú thành tiếng thì nên tránh tám lỗi sau đây mà “Nghi quỹ Do Subahu thỉnh cầu” đã đề ra:

1. Quá nhanh,

2. Quá chậm,

3. Quá lớn,

4. Quá nhỏ,

5. Gián đoạn vì nói chuyện với người khác,

6. Xao lãng

7. Âm dài, đọc ngắn,

8. Âm ngắn, đọc dài.

Sau đây là giải thích cặn kẽ:

Quá nhanh là khi các âm của thần chú lẫn vào nhau, không rõ ràng.

Quá chậm là khi hành giả không đọc hết số câu thần chú trong khoảng thời gian vừa phải

Quá lớn là đọc như sấm, hoặc đọc làm cho người khác nghe thấy lớn tiếng.

Quá nhỏ là đọc mà chính mình cũng không nghe.

Nói chuyện với người khác là làm gián đoạn việc đọc thần chú.

Xao lãng là không tập trung vào câu thần chú mà mình đang đọc.

Âm dài đọc ngắn là phát âm sai những chữ của thần chú.

Âm ngắn đọc dài cũng là phát âm sai.

Riêng niệm thần chú tức là đọc thầm trong trí, hoặc đọc rì rầm mà người ta thường ví là chỉ đọc cho cổ áo nghe.

Niệm chú gồm có 6 cách sau đây, được ghi lại trong “Thánh nữ kinh” (hay còn gọi là “Giáo huấn Dakini”) do Đại sĩ Liên Hoa Sanh chỉ dạy:

– Một là niệm kim cương, có nghĩa là niệm mà chỉ có chuỗi đeo cổ của mình có thể nghe thấy.

– Niệm có âm điệu kim cương, được dùng trong những dịp thực hành thành tựu lớn.

– Niệm bí mật kim cương là niệm thầm trong trí.

– Niệm như luân xa, là tưởng tượng âm thanh khi niệm ra khỏi miệng, đi vào vùng rốn, rồi tan hòa ngược lên vùng trung tâm tim.

– Niệm như tràng hoa, là xoay tràng hoa thần chú xung quanh mỗi chủng tự thần chú trong trung tâm tim và chú tâm hoàn toàn vào các chủng tự.

– Niệm chú tập trung vào âm thanh là khi niệm chú luôn tập trung chú tâm hoàn toàn vào âm thanh phát ra của câu thần chú.

Mặc dù niệm thần chú có thể áp dụng trong mọi oai nghi như đi, đứng, nằm, ngồi..., nhưng khi ngồi theo tư thế kiết già để niệm thần chú là tốt nhất. Đặc biệt, trong “Thánh nữ kinh” cũng khuyến cáo, nếu hành giả đọc các thần chú Mật thừa hoặc thần chú của các vị bổn tôn hung nộ quá lớn thì oai lực của thần chú sẽ giảm đi đồng thời còn khiến cho các loài phi nhân và ma quỷ sẽ hoảng hốt mà bất tỉnh. Cũng đừng khạc nhổ những nơi có người qua lại, vì như vậy gây trở ngại cho năng lực thần chú. Riêng sự phát âm chưa đúng không phải là vấn đề quan trọng nhất trong việc trì tụng thần chú, mà chủ yếu là sự chí thành, miên mật.

CHUYỆN KỂ VỀ THẦN CHÚ

Chuyện kể răng thuở xưa có một bà lão nghèo sống đơn độc trên một đỉnh núi ở Tây Tạng suốt ngày, ngồi dùng cơm ra, bà lão luôn lẩm nhẩm câu thần chú Lục tự đại minh của Bồ Tát Quán Thế Âm.

Qua nhiều năm như vậy, một hôm bà lão đọc thần chú khiến hạt đậu nhảy qua, nhảy lại hai cái rổ tre của mình. Từ đó, bà có một trò chơi như vậy. Bà sống với niềm vui đó suốt cuộc đời còn lại và không một chút vướng bận thế tục.

Ngày nọ, một hành giả Mật thừa tình cờ leo lên đỉnh núi, thấy hào quang phát sáng ở trong hang động nhỏ. Ông lần mò vào xem và thấy một cụ già đang lẩm nhẩm gì đó. Và mỗi lần như vậy hào quang lại phát ra từ trong động lờ mờ kia, nơi cụ già đang cư ngụ. Vị hành giả thầm hiểu cụ già đó đã đạt Nhất tâm tam-muội do pháp môn trì niệm thần chú.

Chuyện kể rằng, thuở xưa có một người được gọi là “mũi trái rạ”, vì hồi nhỏ anh ta bị bệnh trái rạ để lại những vết sẹo đỏ hồng trên mũi. Suốt ngày anh ta chỉ lo việc chăn bò ngoài đồng cỏ, còn những người trong gia đình thì chăm chỉ học tập kinh điển với một vị Lạt-ma. Họ cho rằng anh dốt nát nên mỗi lần anh muốn dò hỏi họ học những gì ở vị Lạt-ma, hay vị Lạt-ma làm gì, nói gì..., liền bị gạt qua một bên. Họ cho rằng đó là “Mật giáo”, không phải ai cũng có thể biết được!

Có lần anh ta gạn hỏi: “Các người học được mấy điều?” Họ trả lời: “Chỉ có 3 điều thôi! Thậm chí chỉ có 3 chữ mà bao quát toàn bộ tri kiến Phật.”

Gia đình không ai để ý đến anh ta, ngoài việc bảo anh ta dẫn bò xuống làng bán hoặc mua thực phẩm. Anh tha thiết được học như họ, nhưng hầu như không ai cho anh được toại ý.

Vài năm sau đó, anh âm thầm trốn khỏi nhà, tìm cầu học đạo để mong được như những người khác. Vượt qua nhiều gian nan, anh cũng gặp được giáo pháp. Đó là nơi một vị Lạt-ma đang thuyết giảng cho những tu sĩ khác ở một trại lều cạnh chân núi. Anh mon men vào nghe. Quả thật là Phật pháp cao sâu, anh chẳng hiểu một tí gì sau hai giờ liền chăm chú lắng nghe. Vị Lạt-ma giảng những gì mà phức tạp, khó hiểu, càng nghe càng rối bời. Còn 3 chữ chứa đựng toàn bộ tri kiến Phật mà gia đình anh nói, chẳng nghe gì cả!

Anh buồn rầu tâm sự với vị Lạt-ma nọ. Thông cảm với anh, vị Lạt-ma liền hứa sẽ mời vị thầy chứng đắc của mình dạy bảo tinh túy giáo pháp cho anh.

Sáng hôm sau, khi mặt trời ửng hồng ở chân trời phía đông, anh chăn bò ham học giáo pháp đã đứng trước vị sư Mật giáo được tôn vinh là thành tựu giả. Ngài yên lặng lắng nghe anh yêu cầu trao truyền 3 chữ tinh yếu ấy. Ngài biết rõ, nếu tâm thức chín mùi, căn cơ lanh lợi thì dù chỉ một từ, một tiếng cũng có thể giúp người đệ tử đắc pháp và nhập tri kiến giải thoát. Nhưng nhìn anh chăn bò có “mũi trái rạ” này, Ngài không thể nói gì hơn bởi sự đần độn lộ ra vẻ ngoài của anh ta. Ngài mỉm cười nói lãng sang chuyện khác. Anh chăn bò tưởng vị sư ích kỷ, giấu giếm tuyệt học, liền lên giọng thô lỗ, văng tục không ngớt. Thị giả của sư trưởng không chịu nỗi, lấy chuỗi hạt đeo trên cổ đập vào đầu anh ta và gằn giọng: “Này mũi trái rạ, đâu có gì! Benza Hung Phat!”

Nghe thế, tự dưng anh chăn bò vỗ tay cái đét vào đùi mình rồi hét lên: “Dạ, cảm ơn Lạt-ma, con xin ghi nhớ mật chú của Ngài dạy, đó là tinh túy giáo pháp. Benza Hung Phat! Đúng rồi! Benza Hung Phat! Con nhớ rồi! Benza Hung Phat!” Con cảm ơn nhiều!”

Thế là anh chăn bò khấp khởi trong lòng lên đường về nhà, anh đã tìm được cái mà người khác không thể ngờ. Người nhà thấy anh hoan hỷ lộ ra mặt khác với sự đăm chiêu, khắc khổ ngày thường. Họ hỏi anh tại sao, anh ưỡn ngực trả lời: “Mọi người chắc không tin ta đâu! Ta đã học được tinh túy của giáo pháp chỉ thu gọn trong 3 chữ.”

Trầm ngâm một lát, anh nói tiếp: “Ba chữ này bí mật ta phải giữ kín, mỗi ngày đều phải trì niệm.” Những ngày sau, anh trở lại với công việc chăn bò như cũ, chỉ khác trước kia là anh có một chỗ ngồi thiền định trên tấm rạ sau khi xong việc. Anh ngồi kiết già, tập trung cao độ trì niệm câu thần chú. Trong lúc chăn bò, mỗi lần cảm thấy tâm mình buông lung, anh lại nhẩm đọc “Benza Hung Phat”. Không bao giờ anh tìm hiểu 3 chữ ấy mang ý nghĩa gì. Đối với anh “mũi trái rạ” này, chỉ đơn giản là 3 chữ đó bao trùm toàn thể vạn vật.

Với tâm chí thành tu tập, dần dần chàng “mũi trái rạ” của chúng ta trở thành một hành giả Mật tông có trình độ thâm sâu, mặc dù anh không tự biết chứng nghiệm của mình đến đâu.

Nhiều năm trôi qua, có một hôm có người tìm đến “Mũi trái rạ” để nhờ anh chữa trị bệnh tà mà bà vợ của một phú hộ bị mắc phải. Anh ta từ chối, nhưng họ nằng nặc cố mời “mũi trái rạ” đi xuống làng, vì mọi người tin rằng anh có câu mật chú thiêng liêng.

Vạn bất đắc dĩ, anh đành theo họ vì lòng bi mẫn thôi thúc, mặc dù anh không dám tin vào khả năng của mình. Đến nơi, anh vào thăm người bệnh đang vật vã. Anh bắt chước thầy mình, lấy chuỗi hạt trên cổ ra, đập vào đầu người bệnh và gọi lớn: “Mũi trái rạ, đâu có gì. Benza Hung Phat!” Lạ thay, người bệnh bỗng nhiên hết bị tà ám, trở lại bình thường, ngơ ngác nhìn mọi người như vừa mới tỉnh cơn mê. Gia chủ cảm ơn rối rít và cúng dường anh ta nhiều phẩm vật.

Từ đó, “Mũi trái rạ” không còn là người chăn bò tầm thường nữa, ông ta được nhiều người trọng nể. Giờ đây, ông chỉ ngồi thiền với câu mật chú của mình, gác hết mọi việc đời qua một bên. Người nhà không dám để ông chăn bò nữa mà dọn cho ông một túp lều có tiện nghi đầy đủ, dâng cơm đến hằng ngày. “Mũi trái rạ” chỉ còn duy nhất một việc làm: chữa trị bệnh tà và một số bệnh khác cho dân làng.

Rồi một ngày kia, vị Lạt-ma trước đây đã từng truyền thần chú cho “Mũi trái rạ” cũng bị bệnh. Nghe danh một hành giả có cái mũi trái rạ nào đó, có câu mật chú kỳ diệu trị được nhiều bệnh khác nhau, đồ chúng liền đón rước anh chăn bò năm xưa về chữa trị bệnh sưng cổ họng cho vị Lạt-ma của mình.

“Mũi trái rạ” nghe tin thầy cũ bị bệnh liền tức tốc tìm đến, vén lều bước vào. Đến bên giường, ông chuẩn bị rút chuỗi hạt thì vị Lạt-ma hỏi thị giả, tên khùng này là ai mà sắp đập chuỗi hạt vào đầu mình. Lúc đó, người chăn bò năm xưa quỳ xuống nói: “Thầy không nhận ra con sao? Con đến đây để thực hành phép chữa bệnh mà Thầy đã dạy cho con với lòng bi mẫn vô hạn. Nhờ đó mà con đã giúp được nhiều người”.

Tìm lại trong ký ức, vị Lạt-ma dần dần nhớ ra là ông từng thốt lời giận dữ, đập chuỗi hạt trúng đầu tên khùng này và đọc một câu thần chú đuổi quỷ: Benza Hung Phat.” Vị đạo sư cười lớn vì không ngờ hành vi năm xưa đó có hiệu quả vô biên. Thị giả Ngài cũng cười theo và cả người chăn bò cũng cười. Họ cùng nhau cười vang và nhờ vậy đờm độc trong cổ vị Lạt-ma bị tống ra ngoài. Ngài tự nhiên lành bệnh.

Một câu chuyện có thật khác đã xảy ra vào thời Đức Phật còn tại thế, được ghi chép trong kinh Thủ Lăng Nghiêm.

Một ngày nọ, vị đệ tử thị giả của Phật là A-nan đi khất thực trên một con đường làng quê nọ. Lúc ấy, có một thôn nữ tên là Madanga (Ma-đăng-già) thuộc hàng tiện dân, thoạt nhìn thấy phong mạo của thầy Anan liền mê mẫn tâm thần. Từ đó, nàng bỏ ăn, mất ngủ rồi sinh ra bệnh tương tư.

Sau khi tìm hiểu được nguyên nhân, bà mẹ cầu viện pháp sư của Bà-la-môn xin câu Phạm thiên chú có tác dụng mê hoặc đàn ông. Lần sau, khi thầy Anan đi qua đường làng này, thôn nữ Madanga nhẩm đọc Phạm thiên chú khiến Anan quên hết mọi sự, từ từ đi theo nàng vào phòng ngủ.

Bấy giờ, Đức Phật đang ngụ tại Kỳ Viên tinh xá, biết được sự cố liền bảo Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi trì niệm thần chú Thủ Lăng Nghiêm mới bảo toàn được giới thể của thầy Anan.

Sau đó, nhân nguyên cớ này mà có pháp hội Lăng Nghiêm để Phật tuyên thuyết đảnh chú Thủ Lăng Nghiêm dùng để đối trị ái dục nam nữ, giúp tăng ni vượt qua cửa ải sắc dục, vững bước tiến tu trên đường giải thoát.

Ba trường hợp có thật vừa kể trên chứng minh sống động về công năng của mật chú. Thần chú mặc dù khác nhau nhưng bất cứ ai nỗ lực và chí thành thực hành miên mật cũng đều sẽ được thành tựu không thể nghĩ bàn.



CHỈ MỘT THẦN CHÚ MANI LÀ ĐỦ

Ngày nay, hầu hết những người theo đạo Phật đều được nghe đến thuật ngữ “thần chú”. Mỗi vị Phật và đại Bồ Tát đều có lưu xuất thần chú riêng, tùy theo nguyện lực của mình.

Trong rất nhiều thần chú, người ta thường nghe nhắc đến thần chú “Om mani padme hum” tiếng Phạn (phát âm theo tiếng Việt là: Ôm Ma Ni Pat Mê Hum). Đây gọi là thần chú “Lục tự đại minh” hay gọi nôm na là thần chú sáu âm, thần chú sáu chữ, và cách gọi chuẩn xác nhất là thần chú Mani...

Người Tây Tạng đọc chú này là “Om mani peme hung”. Ở nước ta, trước đây người Phật tử thường đọc theo âm Hán-Việt là “Án ma ni bát di hồng”.

Cho dù mỗi dân tộc có cách đọc khác nhau, nhưng ai nấy đều biết đó là thần chú lưu xuất từ đại nguyện của Bồ Tát Quán Thế Âm. Có lẽ quen thuộc nhất với câu thần chú này là người dân Tây Tạng. Ở đó, từ thuở nhỏ các em bé chập chững tập nói đã bắt đầu đọc thần chú “Om mani padme hum”. Người lớn thì luôn luôn tâm niệm câu thần chú này. Họ còn khắc nó trên vách đá, trên cây, trên tường, làm bánh xe xoay thần chú...

Người Tây Tạng tin rằng Bồ Tát Quán Thế Âm là vị thần bảo hộ của Xứ Tuyết này, nên câu thần chú “Om mani padme hum” từ lâu đã trở thành quen thuộc và thân thiết đối với họ. Có nhiều người dân Tây Tạng chọn câu thần chú này làm pháp môn tu tập cho cả đời mình. Từ khi nhập đạo cho đến lúc lâm chung, họ thường xuyên trì niệm “Om mani padme hum”, hoặc rõ tiếng hoặc niệm thầm, hoặc ngâm nga trầm bổng theo nhịp điệu.

Trong sách này, chúng ta chỉ đề cập đến Lục tự đại minh thần chú (thần chú Mani) làm nòng cốt trong sự tu tập. Sở dĩ có sự lựa chọn này là vì đức Phật Thích-ca đã xác quyết rằng Bồ Tát Quán Thế Âm có nhân duyên sâu dày với chúng ta. Nhờ đó mà Ngài dễ hóa độ chúng ta bằng những phương tiện thiện xảo của Ngài, trong đó có thần chú Lục tự đại minh. Nhờ vào thần chú này, hành giả chúng ta sẽ dễ dàng tương thông với thần lực từ cảnh giới thù thắng của Ngài với sức gia trì vô dụng công.

Sau đây là bằng chứng xác thực được trích ra từ kinh Địa Tạng Bổn Nguyện, phẩm thứ 12: Thấy, nghe đều được lợi ích:

“Đức Phật bảo Bồ Tát Quán Thế Âm: ‘Ông có đại nhân duyên với thế giới Ta-bà. Nếu hàng trời, rồng, hoặc kẻ nam, người nữ, hoặc thần hoặc quỷ, cho đến các chúng sanh tội khổ trong Lục đạo, nghe danh hiệu của ông, thấy hình tượng của ông, mến tưởng đến ông, khen ngợi ông, thì những chúng sanh ấy đều ở nơi Đạo Vô Thượng quyết chẳng còn thối chuyển, thường được sanh vào cõi người, cõi trời, hưởng đủ sự vui vi diệu; khi nhân quả sắp thành thục liền được Phật thọ ký cho.’”

Kinh điển có ghi rằng Bồ Tát Quán Thế Âm đã phát khởi 12 đại nguyện, trong đó nguyện rằng bất cứ ai trì niệm thần chú của Ngài, thiền định về sắc tướng Ngài, niệm danh hiệu của Ngài, đều sẽ tránh được 15 loại ác tử, còn được 15 loại thiện sanh, và giờ phút lâm chung Ngài sẽ cùng Thánh chúng đến đón rước về cõi Tây phương Cực lạc của Đức A-di-đà Phật.

Trong kinh Pháp Hoa cũng có dạy rằng, chỉ cần thốt lên danh hiệu của Bồ Tát Quán Thế Âm hoặc đảnh lễ Ngài một lần thôi, cũng tương đương với việc lễ lạy và cúng dường Hằng hà sa số chư Phật.

Trong Mật kinh “Đại Bi Quán Tự Tại Thập Nhất Diện Thần Chú” có ghi rõ:

“Đối với chúng sanh bị giam cầm, thần chú của Ta sẽ là mái ấm, một nơi che chở, một chốn nương thân, một người bạn lữ của họ. Cho dù là loài quỷ dữ ăn thịt người và hung tợn đi nữa, nghe thần chú này cũng phải hồi tâm cảnh tỉnh. Họ sẽ được dẫn dắt về nơi tối thượng và hoàn toàn Giác ngộ. Theo đó thì hộ chú của Ta có một thần lực vô biên. Hành giả nào biết trì tụng thần chú này, dù chỉ một biến, cũng rửa sạch được tội ác ngũ nghịch và được gột rửa khỏi bất cứ tội chướng nào...

“Thiết tưởng không còn gì để nghĩ bàn về công đức của những người chí tâm chí thành tu tập pháp môn này như đã được chỉ dạy. Thiết tưởng không còn gì để nghĩ bàn về những người chí tâm trì tụng và thể nhập vào Ta trong sự thiền quán của họ. Mọi nguyện ước của họ dĩ nhiên sẽ được thành tựu. Hành giả nào ghi nhớ danh hiệu Ta trong tâm thức có sức rung cảm đến Hằng hà sa số chư Phật. Chúng sanh nào tưởng nhớ đến danh hiệu của Ta đều đạt quả vị bất lai, đều tiêu trừ mọi bệnh tật và được giải thoát khỏi mọi sở tri chướng, và mọi bất thiện nghiệp về thân, khẩu, ý. Những hành giả tu tập pháp môn này một cách tinh chuyên sẽ chóng thành Phật quả.”

Nên biết, Bồ Tát Quán Âm lưu xuất những thần chú như thần chú Đại bi, thần chú Bát-nhã, thần chú Chuẩn Đề, thần chú Đại bi Thập nhất diện... Tuy các thần chú khác nhau nhưng tựu trung mọi thần chú của Ngài đều có công năng như nhau, không khác biệt, tùy theo hành giả nào có duyên với câu chú nào thì trì niệm câu chú đó. Trên thực tế, thần chú Lục tự đại minh là được phổ biến nhất.

Trên đây là những xác quyết trong kinh điển Mật giáo và Hiển giáo, nhưng mới đây nhất là một bằng chứng sinh động về duyên lành của chúng ta với Bồ Tát Quán Tự Tại qua nữ Delog Dawa Drolma, người đã mất vào năm 1941.

Delog Dawa Drolma được công nhận là hóa thân của Đức Tara Trắng, một năng lực mạnh mẽ của tâm giác ngộ vì sự trường thọ và giải thoát cho chúng sanh. Dawa Drolma là thân mẫu của đạo sư Chagdud Tulku, một thành tựu giả Kim cương thừa của Tây Tạng, qua Hoa Kỳ vào năm 1979, thiết lập viện Chagdud Gonpa ở nhiều bang của Hoa Kỳ, ở Canada và cả Brazil.

Trên hành trình đến các cõi bên kia cái chết, Dawa Drolma đã được diện kiến Đức Quán Âm Tứ Thủ (Avalokiteshvara) cao quý. Ngài miêu tả lại cảnh giới ở trụ xứ Potala của Đức Quán Âm Tứ Thủ như sau:

“... Ở đây tôi tìm thấy một tòa lâu đài đẹp tuyệt vời, tự xuất hiện và hình thành tức thời, tường làm bằng năm lớp riêng biệt. Lâu đài này trong suốt nên có thể nhìn xuyên qua từ bên trong cũng như bên ngoài, được nâng đỡ bằng một ngàn cột pha lê và tráng lệ nhờ những đà mái làm bằng châu ngọc. Nó được tô điểm bởi những cái rèm ánh sáng cầu vồng, như thể được thắp sáng bởi một ngàn mặt trời và mặt trăng. Những đà tường làm bằng lam ngọc, đầu tường bằng san hô, những bậc thang bằng ngọc trai.

“Chung quanh dinh thự làm bằng năm loại châu báu này là một bậc thềm thấp bằng hồng ngọc, trên đó nhiều ngàn thiên nữ cúng dường nhảy múa vui đùa. Phía trên là một mái vòm bằng vàng, với những chiếc dù bằng lụa trắng và một Pháp luân có nai quỳ gối và lắng nghe ở hai bên. Ở bốn bên của lâu đài là những đầu máng xối có đầu makara, những sợi dây bằng ngọc trai treo từ miệng chúng với những chiếc chuông và chuông chùm nhỏ xíu, phát ra những âm thanh thú vị.

“Bốn phía tòa lâu đài được trang trí bằng bốn cửa. Tôi đi vào cửa phía tây và gặp một thiên nữ giác tánh nguyên sơ. Đi sâu vào trong, tôi thấy vô số của cải và những thú vui cảm giác, như thể đang ở trong một ảo

giác. Vô số những báu vật cúng dường được sắp xếp một cách trang nhã nhất, thậm chí số lượng còn nhiều hơn cả của cải của những đại thiên trong cõi trời Hóa lạc thiên.

“Ở giữa những thứ này, trên một hoa sen trắng trăm ngàn cánh mở ra là Đức Quán Thế Âm cao quý, bậc điều phục chúng sinh bi mẫn tối thượng, với vẻ thanh xuân của một thiếu niên 16 tuổi. Thân Ngài có sắc trắng chói lọi, một mặt và bốn tay. Đôi bàn tay thứ nhất chắp lại nơi tim và cầm một viên ngọc. Bàn tay phải của đôi tay thứ hai cầm một chuỗi hạt pha lê và bàn tay trái cầm một cành hoa sen trắng nở ra rực rỡ cạnh tai Ngài. Tôi bị thu hút bởi những tướng chính và phụ trên thân tướng toàn hảo của Ngài. Ngài mặc y phục bằng lụa và những vật trang sức bằng những châu báu khác nhau, trên vai choàng bộ da linh dương krisnasaranga trùm qua phía trái ngực. Ngài ngồi tréo chân trong tư thế kim cương, thân Ngài chói lọi với vô số tia sáng. Trong tâm tôi, Ngài không khác với Ngài Drimed Khakyod Wangpo, vị Lạt-ma gốc của tôi...”

Trong bối cảnh trang nghiêm và tráng lệ như thế Dawa Drolma được nghe Đức Quán Thế Âm ban Pháp âm về những đại nguyện bi mẫn của Ngài, trong đó nhấn mạnh: “... Hãy trì niệm liên tục thần chú sáu âm, chỉ một điều đó thôi là đủ.”

Không mảy may hư vọng, vì điều này được nói ra bởi một bậc Đại thánh như Bồ Tát Quán Thế Âm. Trải qua nhiều thế kỷ, hàng triệu hành giả Mật giáo đã trì niệm thần chú Lục tự đại minh Om mani padme hum, đều được lợi lạc vô song. Đó là bằng chứng sống động về năng lực siêu nhiên vi diệu của thần chú sáu âm này.

Đạo sư Patrul Rinpoche, một đại thành tựu giả, phiêu bồng và lãng tử nhất ở xứ Kham thuộc Tây Tạng, vào thế kỷ thứ 19 (1808 – 1887), khi viết bản văn “Kho tàng Tâm của các Bậc Giác ngộ” gồm 82 bài kệ, trở thành tác phẩm kinh điển của nhiều thế hệ hành giả Mật giáo, luôn nhấn mạnh mỗi câu cuối của bài kệ là “Hãy trì tụng thần chú sáu âm”. Đặc biệt, trong đoạn kệ 64 Ngài viết:

“Một Bổn tôn, Quán Thế Âm, hiện thân của tất cả chư Phật;

“Một thần chú, sáu âm, hiện thân của mọi thần chú;

“Một Pháp, tâm Bồ-đề, hiện thân của hết thảy thực hành trong giai đoạn phát triển và thành tựu.

“Biết cái một, điều đó giải thoát cho tất cả, hãy trì tụng thần chú sáu âm.”

Nhiều câu chuyện kể lại rằng Đạo sư Patrul mỗi lần nhận được vật phẩm cúng dường thường gọi những anh thợ đẽo đá và điêu khắc đến nhận hết. Ngài không quên động viên họ cố gắng khắc thần chú Mani trên đá càng...
Ai đang xem chủ đề này?
Guest (2)
Di chuyển  
Bạn không thể tạo chủ đề mới trong diễn đàn này.
Bạn không thể trả lời chủ đề trong diễn đàn này.
Bạn không thể xóa bài của bạn trong diễn đàn này.
Bạn không thể sửa bài của bạn trong diễn đàn này.
Bạn không thể tạo bình chọn trong diễn đàn này.
Bạn không thể bỏ phiếu bình chọn trong diễn đàn này.