Tam quy, ngũ giới (3)
Năm giới: Thứ nhất là giới cấm giết hại. Thứ hai là giới cấm ăn cắp. Thứ ba là giới cấm tà dâm. Thứ tư là giới cấm nói láo. Thứ năm là giới cấm uống rượu. Năm giới này được gọi là học xứ và học tích. Nam nữ tại gia phải nên học theo. Những giới này cũng được gọi là đường lộ, vì nếu đi trên đường đó có thể thăng lên cung điện trí huệ. Tất cả luật nghi diệu hạnh thiện pháp đều xuất phát từ con đường này. Chúng cũng được gọi là học bổn mà người người phải học theo, nên gọi là căn bổn; chúng cũng được gọi là năm đại thí. Năm giới này nhiếp thọ vô lượng chúng sanh, khiến họ thành tựu vô lượng công đức. Năm giới này nơi trời thì gọi là năm tinh sao; nơi núi thì gọi là năm ngọn; nơi con người thì gọi là năm tạng, trong nhà Nho thì gọi là ngũ thường. Người nhân đức không giết hại. Người nghĩa khí không ăn cắp. Người lễ mạo không tà dâm. Người trí không uống rượu. Người tín không nói láo. Nếu giữ năm giới hoàn toàn thì không cầu thành bậc nhân đức cũng vẫn thành người nhân đức. Không thích nghĩa mà nghĩa vẫn vẹn toàn. Không cầu lễ mà lễ vẫn lập. Không hành mà trí vẫn sáng. Không mong được tin tưởng mà chữ tín vẫn nổi. Thế nên, "giăng lưới thì được lưới" cần gì gia công sức thêm. Đây là nói tổng quát về năm giới.
Hiện tại, bàn về nghĩa của năm giới. Thứ nhất là bàn về giới không giết hại. Chủng tử giết hại nằm ẩn tàng trong tâm của mỗi người mà ai ai cũng có. Mạnh Tử còn bảo:
- Nghe tiếng kêu la của con vật, không đành lòng ăn thịt chúng.
Huống chi người học Phật, sao lại hàm hồ có tâm niệm giết hại, để chịu quả khổ sau này ? Thế nên, đức Phật chế giới không giết hại cho các đệ tử; nếu muốn hành đạo nhân từ thì đầu tiên phải giữ giới không giết hại. Nếu giữ được giới không giết hại thì đường luân hồi sẽ chấm dứt. Nghiệp giết hại khởi đầu không ngoài việc Ỷ sức mạnh mà giết hại kẻ yếu. Hoặc vì tham đắm mùi vị thức ăn, hoặc vì tiền tài mà giết hại kẻ khác. Người giết hại người, và súc vật giết hại súc vật v.v... đều do tâm sân hận, kiêu căng ngã mạn. Nếu vì tham đắm mùi vị thơm ngon mà giết hại loài vật thì đó là do ngu si. Dùng thịt loài khác để tẩm bổ cho thân mình, người quân tử sao lại nhẫn tâm ? Sao không biết rằng nếu tạo nghiệp giết hại bừa bãi thì cừu oán tự khởi ? Kinh Lăng Nghiêm thuyết: "Sau khi ăn thịt dê, dê chết trở lại thành người. Người chết trở lại thành dê. Mười loài như thế. Chết rồi lại sanh. Ăn nuốt lẫn nhau. Ác nghiệp đầy dẫy, cho đến cùng tận đời vị lai, cũng chỉ vì gốc tham lam trộm cướp".
Bị quả báo xấu, trải qua bao số kiếp khó mà tránh khỏi. Giết người hại mạng thì phải đền mạng. Giết súc vật cũng phải đền mạng. Tích xưa, khi vua Lưu Ly giết sạch dòng họ Thích Ca, đức Thế Tôn bị đau đầu nhức nhối; quả báo này do nhân nào tạo ? Trong thời quá khứ, vua Lưu Ly vốn là một con cá lớn. Lúc đó, dòng họ Thích Ca bắt giết, rồi ăn thịt con cá lớn. Đức Phật thuở đó là đồng tử, giỡn chơi lấy cây côn đánh vào đầu con cá lớn ba lần, nên nay mới thọ quả báo nhức đầu. Dòng họ Thích Ca vì ăn thịt con cá lớn, nên ngày nay bị vua Lưu Ly, tức tiền thân của con cá lớn, giết sạch hết.
Quán sát kỸ càng, nhân quả vay trả lẫn nhau, thật rất đáng sợ. Kinh Lăng Nghiêm bảo: "Trên thế gian, những loại thai sanh, thấp sanh, noãn sanh, hóa sanh tùy theo sức mạnh yếu mà ăn nuốt lẫn nhau. Đó là do gốc tham ăn nên mới giết hại."
Không những đức Phật khởi lòng từ bi đến với nhân loại, mà Ngài còn trải lòng từ đến với loài trùng kiến. Phật pháp vốn bình đẳng, không có cao hay thấp. Theo mắt đức Phật quán sát thì chúng sanh trên cõi đất đều có thể thành Phật. Kinh Phạm Võng bảo: "Tất cả người nam là cha mình. Tất cả người nữ là mẹ mình. Chúng sanh trong sáu đường thọ sanh trong đời này, đều là cha mẹ của mình. Nếu giết hại ăn nuốt chúng sanh, tức là giết hại ăn nuốt cha mẹ mình".
Người thế gian không biết nên ăn nuốt lẫn nhau. Vì vậy, đức Thế Tôn mới chế ra giới không giết hại sanh mạng chúng sanh. Tất cả sanh linh động vật đều có Phật tánh. Ngay cả côn trùng còn không thể giết hại, sao lại nỡ lòng tương tàn tương sát đồng loại ? Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh. Đời vị lai họ sẽ thành Phật. Họ là cha mẹ chúng ta trong đời quá khứ, và sẽ là những vị Phật trong đời tương lai. Sao lại dám giết hại ? Phàm phu tục tử chúng ta nếu muốn được lợi lạc chớ nên giết hại đồng loại. Mạnh Tử nói:
- Kẻ thất nhân chỉ lo sợ không hại được người.
Hiện nay, người người luôn tranh thắng bại, nên tạo vũ khí giết hại lẫn nhau ở trên đất liền, trên hư không và dưới nước. Nhân tâm ngày càng hiểm ác. Thế đạo ngày càng cuồng loạn. Tương sát tương tàn đến khi nào mới ngưng ? Nếu không tìm cách cứu vãn thì thế gian này mãi mãi biến thành biển khổ. Kẻ sĩ quán sát thế đạo nhân tâm không khỏi buồn thương. Phải nên nỗ lực cầu hòa bình, cứu vãn nhân tâm mê muội, khiến họ quay về đường chánh. Trọng nhân từ, chứ không trọng võ lực. Chẳng tham đắm mùi vị ngon hay thấy lợi mà quên nghĩa, thì tâm giết hại không thể khởi lên. Nghiệp giết hại nếu ngưng thì vận kiếp hoại sẽ ngừng. Sao lại lo tâm không hợp với người xưa ? Nghe đến lý nhân quả liền thấu rõ nghĩa thâm sâu, như hình với bóng, như âm với hưởng. Nếu thâm tín nghĩa lý nhân quả thì nhân tâm không cần sửa đổi mà vẫn luôn lành thiện. Gặp cảnh thuận nghịch, tâm không ưu sầu hay vui thích. Nên biết những nghiệp khổ trong đời hiện tại, như nạn binh đao, kiếp hỏa tai, lụt lội v.v... đều do tự mình tạo ra trong đời quá khứ. Như trong hai đại chiến thế giới, chiến tranh lan tràn khắp nơi, chỉ có các người Tàu cư ngụ tại Úc Châu là được bình an, vì do đời tiền kiếp, không gieo nghiệp giết hại thâm trọng. Những người thường gặp tai nạn, đều do biệt nghiệp chiêu cảm. Phải nên thấu triệt lý nhân quả, thật không thể nghĩ bàn. Nếu thâm tín lý này thì tâm giết hại sẽ ngừng. Nếu người thế gian thường trì giới không giết hại thì tất cả khí giới sát cụ đều là vô dụng.
Đức Như Lai đầu tiên chế ra giới không giết hại vì muốn khiến cho người người đều khởi lòng nhân từ, thương người thương vật, tự trừ khổ cho mình và người, đồng chứng cảnh giới an lạc thường hằng. Đây là sơ lược giảng giải về nghĩa của giới không giết hại.
Thứ hai là bàn về giới không ăn cắp. Ăn cắp do từ tâm tham phát khởi. Đức Phật dạy hàng đệ tử rằng ngay cả một cây kim cọng cỏ mà người khác không cho thì mình chẳng dám lấy, còn nói chi đến việc trộm cướp. Tuy nhiên, chúng sanh chỉ vì thấy lợi trước mắt nên lập bao chước mưu, không cho mà lấy. Tìm kiếm lợi lộc, ác cầu đa cầu, không bao giờ biết đủ, đều do tâm tham lam sai sử. Hình tướng vi tế của tâm trộm cắp là như thế. Phạm tội nặng nề nhất là ăn cắp và lạm dùng vật dụng của mười phương tăng chúng, vật dụng của hiện tiền tăng, cho đến vật dụng của Phật, Pháp, Tăng. Tuy vật chỉ nhỏ như cây kim cọng cỏ mà lấy càn, rồi tự mình dùng hay cùng người dùng, đều là phạm tội trộm cắp nặng nề. Đại sĩ Hoa Thủ nói:
- Đối với năm tội nghịch hay mười nghiệp nặng, tôi đều có thể cứu hộ. Tuy nhiên, nếu ăn cắp mười phương tăng vật thì tôi không thể cứu được.
Đối với vật dụng của cha mẹ hay sư trưởng, không được cho chớ lấy, nếu lấy thì phạm tội nặng. Nếu thâm tín nhân quả, chẳng phạm tơ hào, thì tuy chẳng trì giới không trộm cắp mà vẫn tự hành trì. Nếu được như thế thì cùng đạo chẳng đổi dời. Tối ngủ chẳng cần đóng cửa. Người người trên thế gian đều kết nghĩa với nhau thì làm sao bị gông cùm lao ngục ? Đây là bàn xong về giới không ăn cắp.
Thứ ba là bàn về giới không tà dâm. Đệ tử Phật xuất gia hay tại gia đều phải nghiêm thủ giới này. Người tại gia giữ năm giới. Tuy được có vợ chồng chánh thức, nhưng không thể tà dâm. Đối với vợ của người khác, được họ bảo bọc, không nên nói lời bậy bạ hàm hồ, còn nói chi đến việc xâm phạm tiết trinh, làm ô nhiễm phạm hạnh ? Đức Phật chế giới cho người tại gia là không được tà dâm. Đối với đệ tử xuất gia, chánh dâm hay tà dâm đều ngăn cấm hẳn. Kinh Lăng Nghiêm nói: "Người khác thương mến mình. Mình mến yêu hình sắc của người.
Vì do nhân duyên này, trải qua trăm ngàn kiếp thường bị triền phược trói buộc. Vì ba nghiệp giết hại trộm cướp dâm dục làm cội gốc, nên mới có nhân duyên nghiệp quả liên tục".
Nếu thường trì giới này thì không cầu mà lễ vẫn lập, không răn nhắc mà vẫn uy nghiêm, oai nghi tự thủ. Pháp đình không cần xử án lao hình. Đây là nghĩa của giới tà dâm.
Thứ tư là bàn về giới không nói láo. Việc nói láo phải nên dứt hẳn. Thấy thì nói thấy. Nghe thì nói nghe. Lời nói không giả dối. Những việc nhỏ nhít còn phải nói thật, huống hồ là những việc quan trọng ! Quán sát nhân duyên nói láo, đa số do cầu danh thơm lợi dưỡng, hoặc vì giấu diếm dục tình mà tráo trở, hoặc vì che tâm giấu mặt. Lại nữa, chưa chứng thánh quả mà nói là đã chứng, hay chưa chứng tâm Phật mà bảo đã chứng đắc, tức khi dễ thánh hiền, làm mê hoặc thế nhân, đó gọi là đại vọng ngữ. Nếu tạo tội đại vọng ngữ thì sẽ bị đọa lạc vào địa ngục vô gián. Thế nên, phải cẩn trọng, chớ phạm giới này. Phật giáo dùng tâm chánh trực làm đạo tràng. Tại sao không y đó mà tu học ? Nếu trì giới này thì sẽ được người người tín nhiệm; không cầu danh mà danh tự đến; không cầu lợi mà phước tự về. Đây là bàn về giới nói láo.
Thứ năm là bàn về giới không uống rượu. Rượu tuy không phải là thức ăn mặn, nhưng thường khiến cho mê tâm loạn tánh. Luận Đại Trí Độ nói uống rượu có ba mươi sáu điều tội lỗi. Kinh Phạm Võng nói: "Đưa rượu cho người uống thì năm trăm đời không có tay, hà huống tự uống cùng dạy người uống ?"
Thuở xưa, một vị tỳ kheo có khả năng hàng phục độc long, nhưng lại thích uống rượu. Ngày nọ, thầy uống rượu say sưa, nằm trên đường lộ, ói mửa hôi hám, không ai muốn đến gần, chỉ có một con cóc nhảy đến liếm mép. Sau đó, thầy lảo đảo trở về chùa. Phật thấy liền mắng:
- Ông có thần lực, hàng phục được độc long. Hôm nay say sưa nằm trên đường lộ, lại bị con cóc hàng phục. Thần thông của ông ở đâu rồi ?
Kể từ đó, Phật cấm các tỳ kheo không được uống rượu. Rượu khiến làm loạn tâm tánh và chiêu vời tai họa. Như thuở xưa, có một đệ tử tại gia của Phật, vì phạm giới uống rượu nên phạm luôn bốn giới giết hại ăn cắp tà dâm nói láo. Thật rất đáng thương !
Rượu khiến làm nhân duyên tạo tội, sao lại tham uống ? Nếu người thế gian trì được giới này thì họa do say sưa không thể đến mình. Đây là giải thích xong về giới cấm uống rượu.
Nếu muốn không phạm năm giới này, điều quan trọng là phải nhiếp tâm. Vọng tâm nếu được nhiếp phục, không khởi phân biệt, không còn thương yêu oán ghét, thì bao loại nghiệp ác, do đâu mà sanh ? Kinh Lăng Nghiêm nói: "Nhiếp tâm là giới. Nhân giới mà sanh định. Từ định mà phát huệ".
Nên biết hai chữ "Nhiếp Tâm" bao hàm ba môn học vô lậu: Giới, định, huệ. Đoạn trừ tham, sân, si thì các việc ác không thể khởi, và tự mình luôn hành những việc lành. Hai chữ "Nhiếp Tâm" đơn độc có thể cứu hộ nhân tâm, duy trì được thế đạo; chỉ việc nhiếp tâm một chỗ thì chẳng có việc gì là không thể giải quyết được; nếu nhiếp tâm được thì công phu ngày càng thâm sâu, và đạo Bồ Đề càng sáng tỏ.
Nhờ hồng ân của chư Phật, trước xướng tam quy y, sau lại ban năm giới. Dùng phương tiện này để cứu khổ chúng sanh. Thâm ân chư Phật lớn lao vô ngần; dẫu đập nát thân này thì chỉ báo đền được một trong muôn phần.
Nghe thuyết nghĩa của năm giới rồi, phải do từ liễu giải mà thực hành. Trăm gia đình trong làng nếu có mười người trì năm giới thì mười người đó được an vui. Trăm người tu mười điều thiện thì trăm người hòa kính. Nếu mọi nhà đều y theo cách thức tu trì giáo pháp này thì trăm vạn người đều nhân từ. Hành một việc lành thì bỏ một việc ác, và tiêu một hình phạt. Một hình phạt tiêu mất trong một nhà thì trăm hình phạt tiêu mất trong một quốc gia. Vị nguyên thủ quốc gia không cần trị mà vẫn ngồi hưởng thái bình. Thế nên, thọ trì năm giới, tức là không những y theo lời Phật dạy, được thọ hưởng quả lành, mà còn trợ người khác y theo luật lệ quốc gia, khiến nước nhà thạnh trị, nhân dân an lạc.
Đây là hành tướng cùng danh đức của tam quy y và năm giới cấm. Quý vị nếu thường chân thật hành trì thì gieo trồng được chủng tử thành Phật. Hạnh và giải tương ưng thì sẽ đạt đến bờ giác. Xin cầu nguyện cho quý vị, từ đây về sau do nghe mà sanh kiến giải. Do có kiến giải mà sanh tư duy. Do tư duy mà phát tâm tu hành, thì thành Phật sẽ có kỳ. Mọi người phải nên thường chuyên cần tinh tấn, rồi chỉ bảo người khác, thì mới mong báo được ân Phật. Hy vọng quý vị, mỗi người luôn luôn nỗ lực, khiến giải trừ tai ách, tiêu trừ hoạn nạn. Nếu thọ tam quy y và năm giới cấm, tức là các việc ác chẳng làm, mà luôn hành các điều thiện, thì tự có khả năng cùng đạo tương ưng và có thể đạt thành tựu Phật đạo vô thượng viên mãn.
(Khai thị tại Áo Môn, hý viện Bình An vào 1-8-1947)