Danh hiệu: Advanced Member
Nhóm: Registered
Gia nhập: 08-06-2014(UTC) Bài viết: 3
Cảm ơn: 2 lần Được cảm ơn: 3212 lần trong 450 bài viết
|
Xứ sở của trí tuệ - Tiếng chim trên sông Hằng
[
Thời gian thấm thoắt trôi qua, đúng 1 năm. Cũng đúng ngày ấy, ngày sinh của tôi rằm tháng 10 âm lịch. Đã 2 năm rồi, đúng ngày này tôi đều ở tại Sannarth Ấn độ cùng đoàn của các nước rước xá lợi của Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni.
Cuộc đời của tôi chưa bao giờ nghĩ đến được thọ nhận ân phước như thế này. Năm vừa qua tôi đến đây chỉ được quì mọp xuống để chờ đợi đoàn rước xá lợi đi ngang qua để đảnh lễ xá lợi Ngài. Lòng thầm nghĩ rằng: Sao mà được ôm tháp xá lợi của Ngài từ trong thất ra. Vì được ôm tháp xá lợi này, chỉ có tín chủ tài trợ buổi đại lễ này mới được hồng ân đó. Người tín chủ phải bỏ ra rất nhiều công sức để tổ chức cùng tài vật. Chuyện này đối với tôi quá lớn lao.
Thế nhưng sự tu hành của mình, của một con người đôi khi với tâm thành, chuyện lớn lao như thế nó cũng đến bằng cách rất nhẹ nhàng. Người tín chủ đó đã trao cho tôi được hồng ân đó. Ôm rước xá lợi ra. Buổi lễ rước xá lợi đó được tổ chức 3 ngày, nhưng tôi được rước ôm xá lợi Ngài suốt trong 2 ngày liền. Thật hoan hỉ. Vì sự hoan hỉ , mà nói ra đây chắc cũng có nhiều bạn nói rằng: “ Ông này tu còn chấp tướng, chấp đủ thứ”. Nói sao cũng được, vì trong một đời người, hay nhiều đời người như thế, cũng chưa chắcđược điều ấy. Một Đức Phật mà từ xưa đến nay, tôi đã từng nghe theo, đọc tin theo giáo pháp của Ngài, trong giáo pháp ấy hàm chứa một trí huệ siêu việt không thể nghĩ bàn. Ngài đúng là một người thầy của ba cõi, đáng cho tất cả trời người cúng dường, tôn kính. Tôi cũng thường nói trong tâm của mình: Nếu tôi chỉ là một hạt cát dưới chân của Đức Phật để cho Đức Ngài đi lên đó, thì tôi cũng chưa đủ để đền đáp cái công ơn thuyết giảng pháp bảo của Ngài, giúp cho tôi được như ngày hôm nay. Ngày hôm nay đối với các bạn tôi chẳng có cái gì, nhưng đối với chính tôi đã có tất cả. Sự có đó nó không bao giờ mất đi. Chính những cái đó khi ôm xá lợi của Ngài lòng vui vô tận. Một con người vĩ đại đã trải qua mấy ngàn năm, mà hôm nay tôi lại được ân phước ôm Ngài vào lòng. Hỏi bạn có vui không? Sự vui này nó đã làm tôi lớn lên, cái lớn ấy ngoài tâm tưởng . Vì nếu tưởng vẫn còn giới hạn, cái lớn của trí Huệ, cái đó nó đã bộc phát trong tâm tôi. Nó đến với tôi hay tôi sống lại với nó, điều ấy nó làm cho tôi chỉ có ngủ 2 - 3 tiếng trong ngày. Với cái khí hậu khắc nghiệt. thời tiết bất thường cái lạnh rất ghê. Như vậy mà chúng tôi vẫn ngồi thiền, rồi lại kinh hành. Đúng là đất Phật, nơi Đức Phật sinh ra Ngài thành đạo, Ngài chuyển pháp luân, nhập niết bàn...cùng những thánh tích khác, nó đã trôi qua một thời gian rất lâu, nhưng sinh khí nơi đó không bao giờ mất. Nếu một người phật tử nào với tâm thành, tín tâm đến Ngài, những giờ phút tu hành, ngồi thiền kinh hành nơi đó, hiện trạng tâm thể ở ngay đó thật an lạc thanh tịnh. Ngồi hàng giờ, nhưng người không biết mệt mỏi là gì. Sự ăn uống ở bên đó lại càng chay tịnh đơn giản. Người dân Ấn độ đa số họ ăn chay rau củ, rất ít thấy ở các chợ họ bán cá thịt, thậm chí là không có. Ở những vùng quê của Ấn độ họ rất nghèo, rất lam lũ. Nhưng ngay cả đất đai, nhà cửa ruộng vườn cùng con người ở đây họ có một tố chất về thiền rất tốt. Một con người ngồi, một con người đứng vì thời tiết lạnh họ mặc choàng rất nhiều áo vải trùm khăn. Những thứ đó nó đã trang điểm cho dân tộc Ấn độ một hương vị thiền, một đôi mắt sáng, gương mặt tĩnh. Trên gương mặt của họ bao giờ cũng thấy sự tĩnh lặng. Bản chất của người Ấn độ ở từng cá nhân con người họ hình như ai nấy cũng đều giữ được 5 giới. Hàng ngày họ ăn rau củ, tất cả những vườn, rừng, cây cối của họ đầy những loại chim đủ màu sắc, đủ tiếng hót. Người ngồi đó, đứng đó chim đậu kế bên từng đoàn, rồi những con sóc. Một cảnh tượng an lành, hạnh phúc. Được sự an lành đó là do họ đã giữ được giới sát. Sự giữ giới đó đã đem lại sự an lành hạnh phúc kia. Người dân Ấn độ đa số họ không uống rượu, rất lâu, rất lâu đoàn chúng tôi di chuyển bằng xe ô tô khách, mới thấy có một chỗ bán rượu. Quán hay tiệm bán rượu đó nó được rào kín, che kín chỉ hở ra một lỗ cho người bán rượu đưa ra, và người mua đưa tiền vào. Cảnh tượng này các bạn chúng ta có thấy nơi nào nữa không? Những nhà hàng khách sạn không bao giờ thấy chứng rượu hay bán rượu ( Chắc cũng có, nhưng bản thân tôi đi qua chưa thấy). Ở những nơi động tâm, thánh tích nó có tính cách là một địa danh du lịch của thế giới, rất nhiều nước đến đây, nhưng trong cách mua bán, hay sinh hoạt người dân họ cũng hay ít nói dối, lường gạt. Hoặc họ nói dối với một cử chỉ thô làm cho chúng ta dễ biết. Khi chúng ta biết, thì họ cười cười trong dáng dấp mắc cỡ, rất dễ mến. Rồi trộm cắp, móc túi ở đây cũng ít thấy. Đoàn chúng tôi đi, cùng những bạn bè đi trước họ nói cũng ít thấy điều đó. Và ở những nơi du lịch đó cũng ít thấy và nghe đến mại dâm.
Những điều tôi thấy nghe chưa chắc đúng 100%, nhưng như vậy cũng quá tốt rồi. Những đàn chim xải cánh bay an bình, những con thú sóc, khỉ, chồn, công, những con chú vẫy đuôi mừng người xa lạ. Vì tâm của nó không lo ngại có những người sắp giết nó. Những điều đó cho thấy ít nhiều người dân Ấn độ cũng có một tố chất của Đức Phật để lại. Cũng trong chuyến đi này, có một lần đoàn chúng tôi đến sông Hằng. Trong đoàn cũng có nhiều vị tăng, ni, phần đa chúng tôi là những phật tử. Mỗi cá nhân con người cũng ít nhiều đã trải qua sự tu hành, qui y theo Phật. Sự qui y theo phật này theo nhiều tầng lớp tu tưởng tu hành khác nhau, tông phái khác nhau như; Mật tông, Tịnh tông, Thiền tông. Rồi cũng có những sự tín ngưỡng dân gian khác nhau. Lần trước khi đến đây sông Hằng, tôi không thấy người Ấn độ họ chở cá, chim để bán cho khách hành hương phóng sinh. Nhưng lần này lại có vài ba ghe bán loại đó. Thật đáng buồn. Cái buồn này, cái khổ này do đâu mà ra? Trên ghe chúng tôi đi có những vị tăng ni cùng phật tử họ mua rất nhiều cá, nhiều chim để phóng sinh, đem những loại cá, loại chim đó xúm nhau tụng kinh cầu siêu, cầu vãng sinh cho nó. Đủ chú, kiết ấn chuông mõ...Thấy cảnh đó mà lòng tôi suy nghĩ: Nếu mình không mua những con chim đó, những chú cá đó thì đâu cần phải bấn lòng tụng kinh cầu siêu cho nó. Vì thật tế người dân Ấn độ nơi đó họ không ăn cá, bắt chim bao giờ. Nhưng mà hôm nay họ bắt chim, họ bắt cá để bán. Những hành động mang đầy tội chướng đó là do chúng ta. Chúng ta đã đem những phương pháp, phương thức này để thầm dạy họ, trong tâm vô minh của mình. Đôi khi không thấy những điều đó, nhưng nếu suy xét ra đó là hành động, một con đường cùng những ý niệm tạo nên tội lỗi muôn thuở. Kể từ đây những đàn chim không còn tự do hót líu lo như trước, đàn cá không còn tung tăng trong nước cùng vui đùa với khác hành hương khi về với đất Phật. Chúng ta đã vô hình trung tập cho những con người chân thật đó làm điều ác. Chúng ta không khéo lại là những con người tiên phong tạo tội trên đất phật.
Khi tôi thấy điều đó, nói ngay nơi đấy nhưng không ai chịu nghe. Vì những vị tăng ni đã trải qua nhiều năm tháng tu học là những con người có đầy đủ đức hạnh, và họ đang làm những điều tốt, đem chúng sanh đến chỗ an lành thật tốt, thật thiện. Nhưng dường như họ quên không coi chừng phía sau đó là những điều ác. Vì nếu chúng ta còn trong pháp đối đãi thiện ác đó nên coi chừng...
Hành hương trên đất Phật còn rất nhiều điều muốn nói cho các bạn nghe, và những điều muốn nói cho tự mình nghe.
Úm Chiết Lệ Chủ Lệ Chuẩn Đề Ta Bà Ha. Bộ Lâm. Úm Ma Ni Pát Mê Hum.
Sửa bởi quản trị viên 14/03/2016 lúc 03:04:02(UTC)
| Lý do: Chưa rõ |
Cư sĩ Thanh Hùng Pháp hiệu: Thích Chánh Trí
|
5 người cảm ơn ThanhHung cho bài viết.
|
|