Thông báo

Icon
Error

Tùy chọn
Xem bài viết cuối Go to first unread
cuiyang07  
#1 Đã gửi : 31/05/2014 lúc 07:29:34(UTC)
cuiyang07

Danh hiệu: Administration

Nhóm: Administrators
Gia nhập: 01-06-2014(UTC)
Bài viết: 1,390

Cảm ơn: 757 lần
Được cảm ơn: 3651 lần trong 894 bài viết
[SIZE="3"][COLOR="darkred"]

[SIZE="5"]
Giải oán thi ân
[/SIZE]

(Kính dâng Hòa thượng Thích Hạnh Niệm - người đã trải nghiệm những gì trong truyện)

GN - Chú sa-di Chúc lơ mơ, hé cặp mắt. Chút ánh sáng mờ mờ và dường như có tiếng lào xào của nhiều người chung quanh. Chú vừa cử động đã nghe đau buốt, xương cốt trong người như gãy vụn. Chú không ngồi dậy nổi. Có tiếng ai thoang thoảng:

- Chú Chúc tỉnh lại rồi!

Chú dần dần nhận ra những đứa bạn học trong lớp đang xúm lại, lo âu, vài đứa lấy dầu nóng đánh vào những vết thương tím bầm trên cơ thể và cái mặt sưng húp của chú. Chú nghiến răng chịu đau cho bạn xoa bóp. Chú vẫn còn hãi hùng khi nhớ lại gương mặt dữ dằn với một vết sẹo vắt ngang má trái và cặp mắt trừng trừng của gã hỏi cung chú về số truyền đơn ai đó đã rải trong lớp học mấy hôm trước. Chú hoàn toàn không biết gì và chẳng biết ai để cung khai. Thế là chú lãnh một trận đòn thừa sống thiếu chết.

Gã bảo thấy cái nút ruồi trên cằm chú là đã ghét rồi. Những cú đấm, đá, quật dùi cui… Chú ngã sấp xuống sàn, máu chảy thành dòng, mắt tối sầm lại, mọi thứ như chìm vào bóng đêm hun hút…

Trí nhớ chú dần hồi phục. Chú thều thào, hỏi:

- Ở đâu đây? Còn các bạn…?

Một đứa vừa xoa dầu cho chú, vừa nói:

- Trại giam. Tụi mình bị tống vào đây mấy hôm rồi. Đứa nào cũng no đòn cả. Chú là người sau cùng đó!

Chợt thấy thằng Thái nằm ở góc phòng, chú nhớ lại lời tên thẩm vấn tối qua. Chú mệt nhọc nói:

- Thái ơi, tôi đâu biết gì về truyền đơn đó mà Thái lại khai cho tôi.

Thằng Thái không dám nhìn vào mặt chú. Nó cúi đầu im lặng một lát rồi nói:

- Tôi xin lỗi chú. Tôi cũng có biết chi đâu mà khai. Nhưng họ đánh đau quá, chịu không nổi nên phải khai bậy. Lúc ấy hoảng quá chợt nhớ đến chú là…thầy tu, khai cho chú, sau này chú có biết chắc cũng không để tâm, chứ khai bậy đứa khác, rủi nó biết, khi được thả về nó tìm trả thù thì chết!

Dù đau đến từng đốt xương với các phần da thịt bị bầm giập, chú cũng không nhịn được cười. Cả đám cũng cười theo.

Đã trải qua những màn tra tấn vừa rồi, chú hiểu được nỗi đau của thằng Thái và sự dằn vặt trong tâm nó bây giờ. Không một mảy may bực tức, trái lại tự nhiên chú lại cảm thấy thương nó. Chú tìm lời an ủi:

- Tôi thông cảm với Thái. Dù khai hay không, tôi nghe nói, đã vô đây thì ai cũng bị đòn cả. Thôi quên chuyện đó đi. Thái đừng buồn nữa.

Thằng Thái lúc ấy mới ngẩng mặt lên, nước mắt ràn rụa, rồi khóc òa. Nó bò lại sát bên, cầm bàn tay chú, tấm tức:

- Tôi hối hận lắm, chú tha lỗi cho tôi. Sau này ra tù, chắc tôi cũng… xin đi tu như chú!

Nghe thằng Thái nói thế, cả đám lại cười to, khiến nó ngượng đỏ mặt, rồi… cũng cười theo. Trong thoáng chốc cái nặng nề, lạnh lẽo đầy sầu thảm của cảnh tù đày như biến mất, chỉ còn lại những tấm lòng biết thương nhau, nương tựa vào nhau làm cho tất cả nghe như mạch sống ấm nồng đang xoa dịu từng tế bào, và hồng cầu sinh sôi trong từng gân máu. Cái hồn nhiên của tuổi trẻ lại tràn ngập căn phòng. Một thằng che miệng thì thầm:

- Thằng Thái nói sau này nó làm thầy tu…là “thù Tây”. Chắc nó muốn ăn đòn nữa.

Thế là cả đám lại lăn đùng ra cười quên bẵng là đang nằm tù và vừa mới bị đòn... te tua xác mướp.

Mấy tuần sau, do không có bằng chứng gì buộc tội, tất cả được trả tự do.

***


Chiến tranh chấm dứt. Hơn ba mươi năm vùn vụt trôi qua với bao nhiêu nỗi đời dâu bể. Chú sa-di Chúc đã trở thành vị Thượng tọa khả kính, trụ trì một ngôi chùa ở một vùng nông thôn. Nhờ sư phụ là một danh y, hết lòng chỉ dạy cho trước khi người qua đời nên Thượng tọa ngoài sở học thâm sâu, còn nổi tiếng với nghề y lý. Thầy lập Tuệ Tĩnh đường, khám bệnh và bốc thuốc từ thiện cứu chữa nhiều căn bệnh hiểm nghèo cho dân chúng. Tiếng lành đồn xa.

Một hôm có một người chở đứa con trai hai mươi tuổi đến chùa. Ông vừa khóc, vừa nói:

- Bạch thầy, con của con bị bệnh nặng quá, bệnh viện đã bó tay bảo đem về. Người ta mách đem đến thầy hy vọng sẽ khỏi. Còn nước, còn tát. Con lạy thầy từ bi giúp cho cháu. Vợ chồng con chỉ còn mình nó, chúng con đội ơn thầy.

Thượng tọa nhíu mày nhìn ông lão một chút như có điều suy nghĩ, rồi ôn tồn:

- Bác bình tĩnh. Tôi sẽ cố gắng giúp cháu.

Thượng tọa im lặng bắt mạch. Lát sau, thầy quay sang nói với ông lão:

- Bệnh cháu rất nặng, thế nhưng cũng không hẳn là hết hy vọng. Thời gian chữa trị chắc phải hơi lâu, có thể vài ba tháng. Nhà bác ở đâu?

Ông lão khúm núm:

- Dạ bạch thầy, nhà con cách đây hơn 60 cây số, tận chân núi Quéo.

Nhìn dáng lam lũ, nghèo khổ của ông lão, Thượng tọa động lòng:

- Xa quá. Vậy bác để cháu lại chùa để tôi thường xuyên theo dõi bệnh, tiện hơn. Bác khỏi phải lo gì cả vì việc chữa bệnh ở đây là miễn phí, có nhiều đạo hữu và các tình nguyện viên thường xuyên giúp chăm sóc người bệnh.

Mấy tháng sau, nhờ sự tận tâm và tài năng của Thượng tọa, người thanh niên đã dần hồi phục, rồi khỏi hẳn. Từ đó ông già và cậu con trai đã xin quy y làm đệ tử, cách vài tháng lại về thăm Thượng tọa, mang theo ít nông sản để biếu chùa. Họ đã trở thành quen thuộc với tất cả quý thầy và đạo hữu tại đây.

Thời gian thấm thoắt, hơn mười năm nữa trôi qua. Thầy nay đã lên Hòa thượng, ông lão càng già thêm. Anh thanh niên ngày nọ bây giờ đã có vợ con. Hai cha con ông, đôi khi lại dẫn thêm đứa cháu nhỏ, vẫn đều đặn về chùa thăm thầy, thường ở lại vài ngày phụ giúp việc phơi thuốc, gói thuốc, hoặc các việc khác cho chùa. Tuy nhiên sức khỏe thầy trong những năm sau này không được tốt.

***


Sáng nay ông lão - cùng người con trai về chùa chiều qua - ngồi bên Hòa thượng, nói chuyện nông tang ở quê. Thỉnh thoảng thầy lại ho khục khặc. Tôi biết thầy đang cố gắng kìm cơn ho để cuộc chuyện trò được thoải mái, không làm cho người đối diện phải ái ngại. Hơn ai hết, kề cận bên thầy nhiều năm nay, nên tôi biết rõ sức khỏe của thầy. Mỗi khi thời tiết thay đổi là những nội thương trong người thầy lại bắt đầu hành hạ. Mà ở miền Trung này cứ vào khoảng giữa thu cho đến ngày lập xuân thì trời rất lạnh lẽo, mưa phùn gió bấc, bão lụt triền miên. Với thời tiết khắc nghiệt ấy người có tuổi luôn cảm thấy nhức mỏi, suy yếu, huống nữa là thầy, trong người mang nhiều thương tích và di chứng từ trận đòn bất nhân trong tù ngày ấy.

Ông lão ái ngại nhìn thầy:

- Thầy… thầy mệt không thầy?

Hòa thượng khoát tay, mỉm cười:

- Không có gì, tuổi già sức yếu, thời tiết khó chịu, ai chẳng vậy, ho xoàng ít hôm rồi hết thôi.

Rồi thầy vừa cười vừa nói:

- Đời có nhiều chuyện thật vui. Mình chữa lành bệnh cho kẻ khác mà bệnh mình thì không chữa được. Ấy cũng là do nghiệp thôi.

Thì bao giờ thầy chẳng thế. Dù trong người đau như dần, nhiều đêm không thể ngủ được, nhưng thầy luôn tỏ vẻ khỏe khoắn trước mặt mọi người, không muốn ai lo lắng về sức khỏe của thầy. Tôi hiểu và cảm thấy thương thầy nhiều lắm, nhất là biết được sự chịu đựng bền bỉ, không than thở dù phải chịu đau đớn thể xác bao nhiêu năm qua. Đột nhiên nhớ lại câu chuyện thầy bị đánh oan trong tù, tôi nổi sân si không kềm chế được, buột miệng:

- Thằng gian ác nào đánh gãy xương thầy trong tù hồi đi học, chắc cũng bị quả báo rồi!

Tôi nghe thầy đằng hắng một tiếng, và thấy mắt thầy nháy nháy ra hiệu để tôi đừng nói tiếp. Tôi chưa kịp hiểu vì sao thì ông lão đứng bật dậy, mặt từ từ ửng đỏ rồi chuyển sang trắng bệch. Ông nhìn chằm chặp Hòa thượng, mấp máy nói trong hơi thở đứt quãng, giọng lạc hẳn:

- Là thầy, đúng là thầy…hột nút ruồi... nút ruồi..

Miệng ông há hốc, mắt như đứng tròng. Ông đứng ngây như một thây ma.

Hòa thượng mỉm cười, vịn vai ông lão, giọng nhẹ nhàng:

- Bác bình tĩnh ngồi xuống, chuyện xưa qua rồi, đã vào chùa là phải buông bỏ tất cả chứ!

Ông lão ràn rụa nước mắt, quỳ ngay xuống dưới chân Hòa thượng, vừa khóc, vừa nói:

- Bạch thầy, con có tội, có tội nhiều quá. Bao năm qua con đã quy y sám hối những tưởng được nhẹ nhàng, không ngờ... không ngờ...

Tôi sững sờ đứng như trời trồng. Thì có ai mà ngờ được sự hội ngộ kỳ lạ này. Hòa thượng đỡ ông lão đứng lên ngồi vào ghế, giọng vỗ về:

- Bác ngồi lên đi. Biết sám hối vậy là tốt rồi. Đừng nhớ chuyện gì giữa tôi với bác hồi trước nữa. Cố gắng tu hành cho tốt, ăn chay niệm Phật tinh tấn để kịp gieo nhân lành trong kiếp này.

Ông lão vẫn ràn rụa nước mắt, lắp bắp những lời sám hối.

Tôi chợt nhớ lúc nãy nghe thầy đằng hắng, và nháy mắt. Tôi cố giữ đều hơi thở, thưa:

- Bạch thầy, thầy đã nhận ra bác này lâu rồi sao?

Hòa thượng rót một tách trà, đưa cho ông lão, chậm rãi:

- Bác uống chút trà nóng. Tôi với bác cuối cùng cũng có chút duyên lành với nhau, bác không thấy đó là niềm hạnh phúc sao?

Hòa thượng cười đôn hậu, quay qua tôi:

- Thôi thì con đã hỏi, chuyện cũng rõ rồi, thầy cũng không giấu nữa. Đúng là ngay từ hôm đầu tiên bác đưa đứa con đến nhờ chữa bệnh, nghĩa là cách đây cũng hơn mười năm rồi, thầy đã ngờ đến sáu, bảy mươi phần trăm vì... xin lỗi bác nhé, vì cái vết thẹo bên má trái và cái dáng dấp của bác…Vài ngày sau đó thì thầy biết chính xác đúng là bác ấy.

Đưa tách trà lên môi nhấp một ngụm, Hòa thượng ôn tồn:

- Đấy, làm theo lời Đức Phật dạy sẽ an vui: “Lấy oán báo oán, oán oán chất chồng, lấy ân báo oán, oán ấy tiêu tan”. Thôi, thế là cởi mở hết rồi bác nhé, không có gì vướng bận, xả bỏ hết, nhẹ tênh, quay đầu là bờ, giờ ta lo chuyên tâm tu hành.

Ông lão từ từ đứng lên, giọng run run:

- Con lạy thầy, ân đức của thầy kiếp này chắc con không trả nổi. Con xin thầy cho con từ nay ở luôn đây để hầu hạ thầy cho đến khi mãn phần. Nhà cửa, ruộng rẫy đã có vợ chồng thằng Hai lo rồi. Con xin thầy bằng lòng.

Hòa thượng khoát tay:

- Đâu có được. Bác cứ về sinh sống với con cháu. Vài tháng xuống thăm chùa, có lúa khoai gì đó đem xuống chút ít cúng Phật là được rồi. Tôi chỉ mong bác phải siêng năng mỗi tối ở nhà, hoặc đi chùa gần đó tụng kinh sám hối, tiêu trừ nghiệp chướng. Bác làm được như thế là tôi vui lắm.

Ông lão cúi đầu dạ. Chợt tôi lại nhớ đến một người khác trong câu chuyện, bèn hỏi:

- Bạch thầy, thế còn chú Thái sau này có... đi tu không ạ?

Hòa thượng cười sảng khoái:

- Hà, hà. Chú ấy chưa đủ duyên lành để xuất gia, nhưng chú ấy đã góp nhiều công đức cho chùa ta. Hiện nay chú ấy là một nhà doanh nghiệp lớn, đã ủng hộ tịnh tài sửa chánh điện và nhà giảng, tài trợ cho Tuệ Tĩnh đường mình từ ban đầu đến nay, nhờ thế mà càng ngày Tuệ Tĩnh đường càng hoạt động mạnh hơn, cứu giúp được biết bao nhiêu bệnh nhân, người nghèo khổ. Thỉnh thoảng chú ấy về thăm thầy, nhắc chuyện xưa, chú ấy bảo chú sẽ làm điều tốt chứ không…khai bậy nữa. Hà, hà…
Tiếng cười đôn hậu, độ lượng của Hòa thượng dường như làm chuyển động từng mạch suối từ đang âm thầm luân lưu trong cái “tánh bổn thiện” của mỗi chúng sanh. Hơn mười năm qua vì lòng từ bi Hòa thượng đã giấu kín sự phát hiện của mình. Và tôi chợt thấy mình thật an lạc, tự hỏi có phải đã được phước báo để làm chứng nhân cho đoạn kết một câu chuyện lạ lùng mà lòng từ bi đã chuyển hóa được “nhân quả” và nghe pháp âm vi diệu của một vị Bồ-tát hóa thân.

Truyện ngắn Doãn Lê
[/COLOR][/SIZE]
NHƯ LAI THIỀN MẬT CHÚ CHUẨN ĐỀ UẾ TÍCH
Ai đang xem chủ đề này?
Guest
Di chuyển  
Bạn không thể tạo chủ đề mới trong diễn đàn này.
Bạn không thể trả lời chủ đề trong diễn đàn này.
Bạn không thể xóa bài của bạn trong diễn đàn này.
Bạn không thể sửa bài của bạn trong diễn đàn này.
Bạn không thể tạo bình chọn trong diễn đàn này.
Bạn không thể bỏ phiếu bình chọn trong diễn đàn này.