Một ngôi tháp hình bán cầu, thuộc giai đoạn Kim Cương thừa của Phật giáo có niên đại khoảng thế kỷ thứ 6 và 7, tình cờ được khai quật bởi Cơ quan Khảo cổ học của Andhra Pradesh tuần trước sau khi phát hiện một viên gạch lớn từ một gò đất trong vùng lân cận của ngôi làng này.Ngôi tháp có đường kính 10 mét này đang trong tình trạng đổ nát. Do hoạt động canh tác nên một số cấu trúc bên ngoài như aramas và ayakas đã biến mất.
Trụ Ayaka của ngôi tháp - Ảnh The Hindu
Những người dân làng coi đây là một ngôi đền cổ thờ thần Shiva, toạ lạc tại một vùng đất cằn cỗi khoảng 1 mẫu Anh ở vùng ngoại vi ngôi làng. Ngôi tháp với trụ cột ayaka với hình bán cầu đã được tìm thấy ở nơi tiếp giáp với trường trung học Zilla Parishad. Ngôi làng được đặt theo tên của một tỳ kheo Phật giáo, mà người dân địa phương thường gọi là “Munulu” (nhà hiền triết), và do đó cái tên Munuluru trong những năm qua đã trở thành Munjuluru.
Giám đốc Cơ quan Khảo cổ học và Viện bảo tàng K.Chitti Babu, người đã đến địa điểm trên cùng với nhóm phóng viên của tờ The Hindu, nói rằng bảo tháp thuộc về giai đoạn cuối của Phật giáo Kim Cương thừa (phổ biến ở Tây Tạng và Mông Cổ).
Ông cho biết thêm khu vực gần ngôi tháp này còn rải rác nhiều tàn tích của nền văn hóa Phật giáo.
Các nhà khảo cổ học cũng đã thu thập một số đồ gốm màu đỏ và đen, bao gồm cả vành bánh xe với những hình dạng và kích cỡ khác nhau. Những cái bát hình nón cùng với những đống vôi bằng vỏ ốc xà cừ được sử dụng thay cho thạch cao trong xây dựng ngôi tháp.
Ngôi tháp được xây dựng bằng gạch làm bằng vỏ trấu có chiều rộng 23 cm, chiều cao 7 cm và chiều dài 28 cm - một vật liệu xây dựng điển hình của Phật giáo thời kỳ đó. Một trụ cột ayaka, có hình bát giác, được đặt trên một cái nền hình vuông.
Tuy nhiên, đối với người dân địa phương thì đây lại là một ngôi đền Shiva đổ nát. Chính phủ sẽ sớm đưa ra thông báo ngôi tháp là một di tích được bảo vệ cấp quốc gia.
Theo: VanhoaPhatgiao