Đôi “rắn tu” dài hàng mét gồm một đực một cái thường “rủ” nhau từ núi Ngũ Phong về chùa Tra Am (thôn Tứ Tây, phường An Tây, thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên - Huế).Kì lạ hơn nữa khi cặp rắn này chỉ xuất hiện tại chùa vào các ngày sóc vọng (các ngày 1, 15, 30 hàng tháng) và trú lại qua đêm trong hang cây da cổ thụ rồi lặng lẽ bỏ đi. Thấy chuyện lạ, một số người cho rằng đây là đôi rắn “có chân tu” nên mới về chùa để “nghe giảng giải kinh Phật”.
Huyền tích cặp “rắn tu” hạ sơn “nghe kinh, lạy phật”Giám tự, Đại đức Nguyễn Văn Phương (pháp hiệu Thích Thế Thanh), trụ trì chùa Tra Am cho biết, những năm đầu của thập kỉ 40 thế kỷ trước, người ta bất ngờ thấy có hai con rắn thường đến “vãn cảnh” nhà chùa vào các ngày sóc vọng, ngày lễ lớn. Nhà sư dẫn chúng tôi đến dưới gốc cây da hơn trăm năm tuổi trong khuôn viên nhà chùa, cho hay đấy chính là nơi trú ngụ qua đêm của đôi “rắn tu” vào mỗi dịp ghé chùa.
“Đôi rắn thân hình đen bóng, trên đầu có hình dáng chiếc mào, gồm một con ốm nhưng dài đến hơn 3m; con còn lại to hơn nhưng chỉ dài chưa bằng nửa con kia nên người dân địa phương vẫn gọi vắn tắt cho dễ nhớ là “ông cụt ông dài””, sư thầy giải thích.
Cũng theo lời đại đức Thích Thế Thanh, cặp “rắn tu” chỉ xuất hiện đều đặn vào các ngày sóc vọng hàng tháng, bình thường hiếm ai bắt gặp. Lúc đầu nhìn thấy “rắn thần”, không ít người rất sợ hãi trước hình thù quái dị, to lớn khác thường của đôi rắn nhưng dần dần quen mắt bởi chúng không hề làm hại bất cứ ai, lại trườn bò một cách nhẹ nhàng.
Cặp “rắn tu” luôn quấn quýt bên nhau như hình với bóng. Dường như rất biết “ý tứ” nên đôi rắn không bao giờ tự ý động chạm vào thức ăn của nhà chùa, ngoại trừ thức ăn do chính các sư trong chùa đích thân đem cho.
Điều kì lạ hơn nữa là cứ đến giờ khai kinh gõ mõ, người ta lại chứng kiến đôi rắn ngẩng đầu bất động lắng nghe một cách “chăm chú” khó hiểu. “Nhiều hôm giữa đêm khuya thanh vắng còn có tiếng gáy kì lạ phát ra từ hốc cây da, tất cả sư sãi trong chùa cũng như dân làng đều nghe rõ mồn một. Sáng mai sau khi nghe hết kinh phật, đôi rắn lại nhằm hướng núi Ngũ Phong gần đó trườn về”, sư thầy Thích Thế Thanh thuật lại.
Gốc cây da được cho là nơi đôi “rắn tu” thường về “nghe kinh phật”.
Cho rằng nhà chùa có “căn duyên”, “đất có lành chim mới đậu” nên vị tổ sư của chùa ngày đó (cũng là sư phụ của sư thầy Thích Thế Thanh, nay đã quá cố) cho lập am thờ đôi rắn ngay dưới gốc cây da, nơi hai “ngài” rắn thường trú ngụ mỗi khi “hạ sơn” xuống chùa. Cho đến những giây phút cuối đời, trước lúc viên tịch vị tổ sư không quên trăn trối căn dặn đệ tử phải hết sức trông nom am thờ dưới gốc đại thụ này.
Những cuộc kiếm tìm vô vọngVới mong muốn tìm hiểu thực hư câu chuyện đôi rắn về chùa Tra Am “nghe kinh lạy phật”, chúng tôi tìm gặp cụ bà Võ Thị Mỹ (86 tuổi) là người cao niên nhất khu vực. Chỉ vừa nghe đề cập đến chuyện có hay không cặp rắn khổng lồ về chùa, cụ Mỹ đã khẳng định: “Hồi đó tui mới 14 tuổi, nhà lại gần chùa nên thường sang quét dọn, thắp nhang tại chùa.
Tận mắt tôi đã nhìn thấy đôi rắn to bằng cổ chân trườn từ bên ngoài vào chùa. Trước khi qua cổng chùa, cặp rắn đều cúi đầu ngúc ngắc hai cái như thể con người cử hành nghi lễ lạy bái vậy. Lúc đầu thấy hai “ngài” tui chết lặng sợ hãi nhưng rồi quen dần vì “các ngài” không hề làm hại hay dọa nạt người làng như rắn thường”.
Hình dáng, màu sắc lẫn cử động của “rắn thần” được cụ Mỹ mô tả y hệt lời sư thầy Thích Thế Thanh thuật lại. Chuyện về cặp rắn thậm chí còn trở thành truyền thuyết mà người địa phương nào cũng biết. Anh Phùng Nguyễn Huy Du, người dân thôn Tứ Tây cho hay: “Tuy không tận mắt chứng kiến nhưng ngay từ khi còn nhỏ, tôi đã được cha nhiều lần kể lại thời xưa có hai con rắn to thường hay về làng, vào chùa Tra Am nghe sư thầy tụng kinh niệm phật. Chuyện “rắn tu” ở đây ai mà chẳng biết”.
Vậy đôi rắn tại sao không xuất hiện nữa?. Sư thầy Thích Thế Thanh nét mặt đăm chiêu cho biết đôi “rắn thần” về chùa trong suốt thời gian khoảng gần một thập kỷ thì “mất tăm hơi”. Kể từ đó không còn ai nhìn thấy “rắn thần” đến “vãn cảnh” chùa. Cũng đã có lần người làng đi tìm tung tích “ông cụt ông dài” ở núi Ngũ Phong nơi đôi rắn hướng về sau khi “nghe kinh, lạy phật” nhưng không thấy dấu vết gì.
““Nhân sinh quan thì sanh trú dị diệt, thế giới quan thành trụ hoài không”; có nghĩa rằng “ở đời cái gì cũng chỉ xuất hiện trong thời gian nhất định nào đó, có sinh ra ắt có biến mất”. Đó là duyên phận ở đời”, sư thầy Thích Thế Thanh giảng giải. Từ quan niệm đó, ông cũng trải lòng không lấy đó làm điều phiền lòng. Nhiều người dân địa phương lại lí giải khác, họ bảo nhau thời gian sau này dân cư lên núi dựng nhà sinh sống ngày một đông. Chính bầu không khí ồn ào đã khiến đôi “rắn tu” ít khi hạ sơn như trước kia.
Gốc cây da vẫn còn đó, chiếc hang lớn được cho là nơi trú ngụ của đôi rắn thần vẫn còn, con người từng tận mắt nhìn thấy rắn cũng còn... Câu chuyện đôi rắn thích về chùa có thể chỉ là những chuyện tự nhiên, chẳng có thần thánh ma tà nào nhưng truyền thuyết này vẫn gắn bó với người địa phương như một lời nhắn nhủ con cháu phải sống phục thiện; như một nét chấm phá đặc sắc cho miền quê giàu truyền thống văn hóa này.
[COLOR="navy"]
Ngôi chùa báo hiếu
Chùa Tra Am tọa lạc giữa vùng đối núi hoang vu dưới chân núi Ngũ Phong, xây từ năm 1923, vốn là một chòi tranh nhỏ do tổ sư Viên Thành lập nên. Vị tổ sư vốn thuộc dòng dõi hoàng tộc nhưng vì giác ngộ đạo phật đã xin ra khỏi kinh thành dựng am nhỏ ngày ngày tụng kinh niệm phật. Điều đặc biệt của Tra Am trước tiên nằm ở tên gọi “không hề trùng lặp” với tên gọi hàng ngàn ngôi chùa khác.
Đa phần tên chùa đều được gọi tên theo ngôn từ trích dẫn trong kinh phật nhưng tên gọi Tra Am lại bắt nguồn từ một điển tích mang nặng ân nghĩa. “Thời xưa có câu chuyện về hai cha con đều là tướng giỏi của triều đình. Người cha tên Lê, người con tên Tra.
Trong các buổi thiết triều nhà vua hết lời khen ngợi Tra tài giỏi, phải cố gắng để hơn hẳn cha mình mới xứng nhưng Tra không ngần ngại đáp rằng “Tra bất như Lê” nghĩa dù có lập nhiều chiến công đến mấy ông cũng không bao giờ sánh bằng cha mình, nhờ ơn cha dạy dỗ mới có tướng Tra ngày nay. Sau khi người cha qua đời, Tra đã dựng nhà bên mồ thân phụ suốt hai năm ba tháng để tỏ lòng hiếu nghĩa. Sư phụ tôi cũng vì muốn báo đáp ân nghĩa của ân sư Viên Giác nên mới lên núi lập chùa ngay cạnh mộ sư tổ và lấy tên Tra Am. Ngôi chùa từ đó được biết đến với ý nghĩa báo hiếu”, Đại đức Thích Thế Thanh giải thích.
[/COLOR] Theo Pháp luật VN