VẤN: Chồng con có hỏi : "Lễ cầu siêu cho người quá cố có ý nghĩa rất hay. Nhưng nếu con cháu người quá cố quá nghèo, không thể tổ chức lễ cầu siêu được thì sẽ làm gì để có công đức ngang hàng với lễ cầu siêu, nhằm đem lại lợi ích cho người quá cố ?" Vậy ý nghĩa của lễ cầu siêu là gì và cầu siêu như thế nào là đúng nhất để tròn đầy ý nghĩa và lợi ích cho cả người còn sống và người đã quá vãng? Nếu gia đình nghèo khó không có tiền để làm lễ cầu siêu, cúng dường trai tăng, mời thầy về lập đàn chẩn tế hoặc tụng kinh siêu độ thì nên làm như thế nào? Xin Sư hoan hỉ giúp con.
ĐÁP: Nghi lễ là một bộ phận quan trọng và thiết yếu trong sự tồn tại và phát triển của một Tôn giáo. Vì vậy, Phật giáo Ấn độ từ khi đức Phật còn tại thế, Ngài đã biết vận dụng nghi lễ rườm rà của Bà La Môn giáo, thành lễ nghi của Phật giáo nhưng rất đơn giản, chủ yếu là nêu cao ý nghĩa cuộc sống chứ không đặt nặng về cầu nguyện. Đến khi Phật giáo truyền đến các nước, thì không chỉ đáp ứng nhu cầu tâm linh qua việc giảng kinh thuyết pháp mà còn hòa mình vào phong tục, tập quán, văn hoá bản địa, để giúp quần chúng trong những sinh hoạt xã hội như hôn quan tế lễ. Cho nên, bộ phận Nghi lễ Phật giáo được hình thành. Tuy nhiên, tuỳ thuộc vào văn hoá bản địa mà nghi lễ mỗi nước, mỗi vùng, miền có một sắc thái riêng biệt.
Việt Nam là một đất nước có một nền văn hoá tín ngưỡng rất phong phú từ ngàn xưa, nên Phật giáo Việt Nam từ khi du nhập đã sớm hòa vào nếp sống văn hoá tín ngưỡng của nước ta mà hình thành những Nghi lễ Phật giáo rất đặc trưng cho từng vùng, miền. Sự phát triển rộng rãi của Phật giáo Việt Nam ngày nay, có sự góp phần không nhỏ của yếu tố Nghi lễ Phật giáo. Chúng ta tìm lại ý nghĩa của danh từ “Nghi Lễ” là gì?
- Nghi: Là dáng, mẫu nghi, nghi lễ, khuôn phép…
- Lễ: Là lễ giáo, lễ bái, cúng tế, tôn thờ cung kính… (trích tham luận hội thảo hoằng pháp 2011, tại Bình Dương).
Nói đến tôn giáo là nói đến lễ nghi khuôn phép, đạo đức, là thước đo nhân cách con người. Người có lễ là người hiền, người có nghi là người quý, sự giao lưu giữa người và người, sự cảm niệm giữa thế giới hữu hình và vô hình, sự tôn vinh một đấng cứu thế hay thần linh đều có qua lễ nghi khuôn phép, đó cũng chính là đạo đức cơ bản của con người trên hành tinh.
Đã thọ ân, làm con có cha mẹ, có ông bà, cửu huyền thất tổ phải trả ân, ân sanh thành là trọng đại.
Trả ân không phải chỉ có cúng kiến, có nhiều cách trả ân cho ông bà, cha mẹ hiện đời, ông bà cha mẹ nhiều đời:
• Những vị có phương tiện tiền bạc thì cúng kính trai tăng, chẩn tế cầu siêu.
• Có những vị rước quý Sư đến tụng kinh niệm Phật hồi hướng cho người đã qua.
• Hoặc tự mình tụng kinh niệm Phật hồi hướng cho cửu huyền thất tổ.
• Tham gia vào các đạo tràng tụng kinh niệm Phật, hồi hướng cho ông bà cha mẹ.
• Hằng đêm đến chùa tụng kinh niệm Phật cùng với chư Tăng Ni để hồi hướng...
Việc cúng kính cầu siêu không chỉ bằng vật chất, mà phải bằng cả trái tim của người con Phật phụng sự cha mẹ ông bà.
HT.Thích Giác Quang