Các nhà khoa học vừa phát hiện ra một việc ly kỳ như trong bộ phim mạo hiểm nổi tiếng Indiana Jones: bức tượng Phật 1.000 năm tuổi do đội thám hiểm của Đức Quốc xã tìm thấy năm 1938 được tạc từ... thiên thạch.Phát hiện trên được đăng trên tạp chí Khoa học Hành tinh và thiên thạch sau khi nhóm nghiên cứu phân tích thấy chất liệu làm bức tượng “Iron Man” là ataxite, loại thiên thạch chứa hàm lượng nikel nhiều nhất. Thiên thạch lớn nhất từng được biết đến là Hoba (rơi xuống Namibia) cũng thuộc loại ataxyte và nặng hơn 60 tấn.
Tiến sĩ Elmar Buchner của Đại học Stuttgart (Đức), chủ nhân của phát hiện trên, cho biết bức tượng được chạm khắc từ một mảnh vỡ của thiên thạch Chinga rơi xuống khu vực biên giới giữa Mông Cổ và Siberia khoảng 15.000 năm trước.
Tượng Phật "Iron Man" được tạc từ thiên thạch. Nguồn: Daily Mail
“Những người đào vàng tìm thấy mảnh vỡ đầu tiên của Chinga vào năm 1913. Nhưng chúng tôi tin rằng mảnh thiên thạch dùng để tạc tượng này đã được thu nhặt từ nhiều thế kỷ trước” - tiến sĩ Buchner nói.
Tượng “Iron Man” (tạm dịch: người sắt), nặng 10 kg và cao khoảng 24 cm, được xem là đại diện cho sự lai ghép giữa văn hóa Phật giáo và văn hóa Bon tiền Phật giáo. Tượng khắc họa chân dung thần Vaisravana, vị vua Phật giáo của phương Bắc, và cũng được biết đến là thần Jambhala ở Tây Tạng.
“Chỉ riêng nguồn gốc thiên thạch thì bức tượng đã đáng giá 20.000 USD rồi. Nhưng nếu ước tính của chúng tôi về niên đại tượng, ra đời khoảng thế kỉ 11, là đúng thì nó vô giá” - tiến sĩ Buchner nhận định.
Tượng được tìm thấy năm 1938 bởi một đoàn thám hiểm khoa học Đức do nhà động vật học nổi tiếng Ernst Schäfer dẫn đầu. Đoàn thám hiểm được Heinrich Himmler, Chỉ huy trưởng Lực lượng SS của Đức Quốc xã, hỗ trợ. Theo các sử gia, Himmler trợ giúp chuyến đi vì tin rằng nguồn gốc của chủng tộc Aryan mà Đức Quốc xã cho là thượng đẳng có thể được tìm thấy ở Tây Tạng.
Không rõ tượng được phát hiện như thế nào nhưng nguyên nhân khiến nó được đưa về Đức là vì giữa bức tượng có khắc swastika, một biểu tượng xuất hiện trong nhiều nền văn hóa và tôn giáo khác nhau (trong đó có chữ “vạn” của Phật giáo và dấu thập ngoặc của Đức Quốc xã).
Sau đó, bức tượng trở thành tài sản của một bộ sưu tập cá nhân ở Munich và chỉ được cho phép nghiên cứu vào năm 2007 sau một cuộc đấu giá.
Theo: Xuân Mai - Người Lao động