[SIZE="3"]
HỎI: Cách đây mấy hôm tôi đi chợ, phát tâm cầu phước nên mua ếch, lươn, cá để phóng sanh. Tôi mua khoảng 40 con cá chép, rô phi cùng lươn, ếch mang ra sông thả. Dọc đường tìm chỗ để thả cá, tôi luôn trì tụng chú Đại bi. Trước khi thả tôi cũng tụng chú Đại bi, niệm Phật, hồi hướng công đức cho chúng rồi sau đó mang tất cả thả xuống sông. Nhưng lúc ấy tôi phát hiện ra là cá bị chết ngạt gần một nửa, còn lươn và ếch thì vẫn khỏe mạnh. Tôi đã mang những con cá chết đó đi chôn. Tôi rất băn khoăn muốn hỏi về những con cá mà tôi chưa kịp phóng sanh thì đã chết, liệu tôi có mang tội sát sinh không?
ĐÁP:
Đành rằng những chú cá xấu số ấy nếu bạn không mua thì sớm muộn gì cũng bị giết chết, nhưng chúng đã được bạn mua đem đi phóng thích rồi mà vẫn không thoát chết thì đúng là nghiệp lực của chúng đã đến lúc chín muồi. Bạn tuy có lòng tốt muốn cứu lũ cá nhưng do không khéo chăm sóc và chẳng nhanh tay, quá lề mề chậm chạp để cá chết nên bạn cũng có phần trách nhiệm trong đó.
Nếu bạn chọn cách tu tập phóng sanh thông minh và linh động như là trên đường từ chợ ra đến bến sông bạn tranh thủ trì chú, niệm Phật và hồi hướng công đức trước cho chúng, đến bến sông liền nhanh chóng thả ngay thì chắc chắn lũ cá sẽ có nhiều cơ may sống sót hơn. Đây cũng là kinh nghiệm quý báu cho những người thực hành phóng sanh.
Quan trọng nhất của hạnh phóng sanh là mang lại sự sống và tự do cho chúng sanh. Không đạt được mục tiêu này dù với bất cứ lý do gì thì hạnh phóng sanh sẽ không trọn vẹn. Thậm chí trong một số trường hợp cấp bách, để cứu chúng sanh thì nên thả ngay mà không cần tụng kinh, trì chú hay hồi hướng công đức, đó mới chính là công đức vô lượng.
Theo: GNO
[/SIZE]