[SIZE="3"][COLOR="darkred"]
[SIZE="5"]Tu tại gia
[/SIZE]HỎI: Tôi yêu thích Phật pháp, muốn tu học và được biết có nhiều người Phật tử tu tại gia. Vậy xin hỏi tu tại gia thì như thế nào? Hiện mỗi ngày tôi không đọc kinh nhưng đều có niệm Phật, mỗi tháng chỉ mới ăn chay được ba ngày và mấy ngày lễ Phật, vậy có được coi là tu không? Trong quá khứ tôi có mắc phải nhiều sai lầm. Bây giờ tôi muốn quay đầu hướng thiện thì phải làm như thế nào? Có quá muộn không?
ĐÁP:Tu có nghĩa là sửa, tại gia có nghĩa là ở nhà. Tu tại gia là tu sửa bản thân ngay tại nhà của mình. Người cư sĩ Phật tử sống đời thế tục với các trách nhiệm gia đình và xã hội nhưng nguyện sửa đổi, chuyển hóa tâm tánh, ngôn ngữ, hành vi của mình theo lời Phật dạy chính là tu tại gia.
Nói chung, người Phật tử sau khi quy y Tam bảo và phát nguyện thọ trì năm giới là đã bắt đầu lộ trình tu tập tại gia. Thời khắc quy y đánh dấu sự thay đổi rất rõ ràng trong nhận thức và hành động, mọi việc của người Phật tử lúc này đều nương tựa vào Tam bảo, theo sự soi sáng của Phật-Pháp-Tăng. Sau đó, người Phật tử trau dồi nhân cách đạo đức bằng việc giữ năm giới, phát tâm ăn chay (một tháng ít nhất là hai ngày), làm các việc thiện trong khả năng có thể để vun bồi phước đức. Quan trọng hơn là tìm học giáo lý, tin hiểu đúng lời Phật dạy rồi ứng dụng trong đời sống thực tiễn hàng ngày. Sống đạo đức (có giới), tâm luôn an tịnh thảnh thơi (có định), sáng suốt không mê lầm (có tuệ) là những phẩm hạnh căn bản mà người tu tại gia luôn hướng đến và thành tựu.
Ngoài ra, cụm từ tu tại gia còn để chỉ cho một số ít cư sĩ phát tâm tu tập tinh chuyên hơn các Phật tử bình thường. Dù vẫn ở nhà, nhưng những cư sĩ này thường phát tâm ăn chay trường, khá nhiều vị thọ giới Bồ-tát, công phu tu niệm và lễ bái với thời khóa y như người xuất gia vậy.
Mỗi ngày bạn đã biết niệm Phật, mỗi tháng có mấy ngày ăn chay và lễ Phật, như vậy có thể gọi là tu rồi. Vì như đã nói, tu chính là sửa. Sửa được càng nhiều những hạn chế của bản thân thì sự tu của mình càng cao và phước đức nhờ đó cũng tăng tiến hơn lên.
Ai trong quá khứ cũng đều có sai lầm. Muốn hướng thiện, trước hết phải nhận ra đó là lầm lỗi rồi thành tâm sám hối, ăn năn về việc đã qua, nguyện không tái phạm nữa. Tiếp đến là nương theo Phật pháp để sống thiện lành. Nguyện nương tựa Tam bảo, sống và tu học đúng với phẩm hạnh của người cư sĩ Phật tử thuần thành chính là sự quay đầu hướng thiện đúng đắn nhất.
Quay đầu là bờ! Biết quay đầu hướng thiện vào bất cứ thời khắc nào trong đời cũng là sớm, không hề muộn. Bởi đời sống luôn được tiếp nối, cuộc đời chúng ta chỉ là một mắt xích trong chuỗi tiếp nối ấy mà thôi. Do vậy, không hề có chuyện “quá muộn” trong việc tỉnh thức để quay đầu hướng thiện.
Theo: Giacngo online[/COLOR][/SIZE]