[SIZE="3"][COLOR="#8b0000"]
[SIZE="5"]Chiều 30 và mâm cúng ngoài[/SIZE]
GNO - Năm nào cũng vậy, ngày cuối cùng của năm, má lại lục tục chuẩn bị nấu nướng đủ thứ để cúng tất niên, rước ông bà, rồi cúng ngoài, gọi là thí thực cô hồn để "bà con cô bác" có chút ít, cùng "ăn" Tết.
Tâm niệm ấy được truyền lại từ đời ông cố, bà ngoại, rồi tới má. Mà hình như, người ở quê mình, ai cũng cúng thí cuối năm, dù có biết đạo hay không. Cúng thí (hay cúng ngoài - theo cách người ở quê gọi) tươm tất với cháo trắng nấu thiệt loãng, cơm, canh, đủ món chiên xào, bánh tráng nướng, trà, nước...
Từ khi biết đạo, thực tập lời Phật dạy, hàng tháng má đều cúng thí thực vào hai ngày, với lễ vật đủ đầy. Má tâm niệm, "cõi âm" nhiều người chắc cũng đói khổ, vì đời trước tham lam, rơi vào đường ngạ quỷ, mình là Phật tử, cúng là để bày tỏ lòng thương tưởng tới họ, trước tiên là như vậy và sau đó là để có người hữu duyên thì thọ dụng theo cách nào đó, coi như gieo duyên Phật pháp với họ.
Chính vì tâm niệm đó, mà cuối năm, khi rước ông bà mình về vui ba ngày xuân với con cháu theo quan niệm truyền thống về Tết Nguyên đán, tất niên - rước ông bà, má lại nghĩ nhiều hơn tới những "chúng sinh trong cõi giới u huyền", bị lạc loài vào đường ngạ quỷ vốn là "tam đồ ác đạo".
Bắt đầu cúng kiếng, má trang nghiêm thắp hương bàn Phật, bàn Tổ, ông bà... rồi với áo tràng giản dị, thành tâm bộc bạch tấm lòng, không quên cầu nguyện chư Phật gia hộ để những người trong cảnh giới u minh ấy sớm quay về nương tựa Tam bảo.
Nhìn sự thành kính của má, biết tấm lòng của người con Phật luôn trang trải cho những "người cùng khổ" có nghĩa là không chỉ sẻ chia với người còn mà còn dành dụm niềm ưu tư, chia sẻ với người mất.
Mâm cúng chiều 30 vì thế không đơn thuần chỉ là truyền thống ông bà dạy sao làm vậy mà trong đó còn có ý thức về tình thương trao đi, để lòng người được an ủi, nhẹ nhàng trước giờ khắc tiễn năm cũ đi, đón năm mới về...
Lưu Đình Long[/COLOR][/SIZE]