BỆNH MÌNH KHÔNG TỰ CỨU ĐƯỢC
MÀ CỨU ĐƯỢC BỆNH CỦA NGƯỜI KHÁC THẬT KHÔNG CÓ LÝ NHƯ VẬY
Trí Giả Đại sư
Như có người hỏi rằng: “Chư Phật, Bồ Tát vốn lấy đức Đại Bi làm nghiệp. Như muốn cứu độ chúng sinh, chỉ nên nguyện sinh trong ba cõi, ở giữa ba đường dữ, năm sự uế trược mà cứu khổ. Tại sao lại cầu sinh về Tịnh độ, yên lấy thân mình, lìa bỏ chúng sinh? Đó là không có đức Đại Từ Bi, chuyên lo việc lợi mình, ngăn trở đạo Bồ Đề”.
Đáp rằng: “Bồ Tát có hai hạng. Hạng thứ nhất đã tu hành đạo Bồ Tát từ lâu, chứng đắc Vô Sanh Nhẫn, đủ sức thực hiện việc cứu độ chúng sinh. Hạng thứ hai là những người chưa chứng đắc đã thối lui, cùng là hạng phàm phu mới phát tâm.
Người hành đạo Bồ Tát nếu vẫn còn là phàm phu thì chẳng nên rời xa Phật. Khi nào sức nhẫn đã thành tựu, mới có thể vững vàng trong ba cõi, ở giữa đời uế trược mà cứu khổ chúng sinh”.
Cho nên, Trí Độ Luận dạy rằng: “Như kẻ phàm phu phiền não trói buộc mà có lòng Đại Bi, nguyện sinh giữa cảnh uế trược để cứu khổ chúng sinh, thật không có lý như vậy”.
Vì sao vậy? Vì ở cõi đời uế trược, phiền não mạnh mẽ, nếu tự mình không có sức nhẫn thì tâm bị chuyển theo trần cảnh, bị âm thanh, hình sắc trói buộc. Như vậy tự mình phải đọa vào ba đường dữ, làm sao có thể cứu độ chúng sinh? Ví như được sinh làm người, cũng khó chứng đạo giải thoát. Hoặc nhờ có trì giới, tu phước mà được sanh làm người, có quyền uy thế lực, giàu sang và tự tại, nhưng khi gặp bậc Thiện Tri Thức lại chẳng chịu tin dùng, chỉ biết tham mê buông thả, tạo các tội lỗi.
Do nghiệp ác như thế, một khi sa vào ba đường dữ, phải trải qua vô số kiếp. Khi ra khỏi địa ngục lại phải chịu kiếp nghèo hèn. Nếu chẳng gặp được bậc Thiện Tri Thức, thế nào rồi cũng quay trở lại địa ngục. Luân hồi như vậy cho tới ngày nay, người người đều như thế cả. Đó gọi là khó hành đạo vậy.
Cho nên kinh Duy Ma dạy rằng: “Bệnh mình không tự cứu được mà cứu được bệnh người khác, thật không có lý như vậy”.
Trí Độ Luận cũng dạy rằng: “Ví như hai người kia, đều có người thân bị rơi xuống nước. Một người vì quá nóng lòng, nhảy ngay xuống nước để cứu, nhưng vì không đủ sức nên cả hai đều phải chết chìm. Người kia biết nghĩ tìm phương tiện, lấy được thuyền chèo ra, cứu được người thân khỏi chết đuối. Cũng vậy, hàng Bồ Tát mới phát ý chưa đủ sức nhẫn, chẳng thể cứu độ chúng sinh, nên cần phải ở gần Phật. Khi đã được Vô Sinh Pháp Nhẫn rồi, mới có thể cứu độ chúng sinh, như người tìm được thuyền kia vậy.”
Luận ấy còn nói rằng: “Ví như trẻ thơ, chẳng nên rời xa mẹ, sợ rằng có thể té xuống hầm, xuống giếng, hoặc khát sữa mà chết. Lại như con chim con, lông cánh chưa đủ, chỉ nên nương cây, dựa cành mà thôi, chẳng bay xa được. Chờ cho lông cánh đủ rồi, mới có thể bay lên trên không, tự nhiên vô ngại”.
Trích Quy Nguyên Trực Chỉ
Nguyễn Minh Tiến dịch
Bài học mới, cũng như đã rất cũ mà con cứ lầm lẫn. Biết ơn sự hướng dẫn của Chư Phật, Chư Bồ Tát, Chư Tôn Đức, Các Bậc Thiện Tri Thức đã từ bi mà giáo hoá chúng con.
Úm Chiết Lệ Chủ Lệ Chuẩn Đề Ta Bà Ha. Bộ Lâm
Om Ma Ni Padme Hum.