Tỳ-Khưu Thích-Chân-Tuệ
- Thưa Thầy, tôi sắp khai trương cửa tiệm, xin thỉnh Thầy quang lâm cúng lễ, an vị bàn thờ thần tài thổ địa.
- Được. Chúng tôi sẽ đến.
- Cám ơn Thầy.
...
Hình bàn thờ thần tài, thổ địa
- Hôm nay khai trương tiệm, nhờ công đức tu hành của Thầy tới cúng lễ, khai quang, điểm nhãn bàn thờ thần tài, thổ địa, tiệm của tôi chắc sẽ đông khách, làm ăn khấm khá tôi sẽ cúng chùa thêm. Giờ đây xin Thầy chấp nhận chút tịnh tài cúng dường tiền xe pháo. Của ít lòng nhiều.
- Mời quí vị dùng chung trà nóng, rồi chúng ta trao đổi chút chuyện nha.
- Dạ. Xin mời Thầy.
- Thưa quí vị, chúng tôi đến đây hôm nay theo lời mời, làm lễ khai trương cửa tiệm làm ăn buôn bán, chúc phúc quí vị, theo nghi thức thông thường của nhà chùa, từ trước đến nay, vẫn làm theo lời thỉnh cầu của bá tánh thập phương.
Việc cúng kiến khai trương cửa tiệm là tín ngưỡng dân gian, do tâm lý và ảnh hưởng văn hóa xưa, từ nhiều đời truyền cho đến ngày nay, từ trong nước ra đến hải ngoại, không do Phật giáo chủ trương.
Các nhà sư được mời thỉnh làm lễ này có bổn phận nói rõ như vậy, để tránh bị ngộ nhận là tà sư, đang hành tà pháp, dụ dẫn người vào tà đạo, để làm tiền phi chánh pháp.
Như quí vị thấy, các người không theo đạo Phật, hay người tây phương xứ này, họ đâu cần coi ngày tốt xấu để khai trương cửa hàng, nhưng họ vẫn ăn nên làm ra, phát đạt, đôi khi còn hơn người mình nữa là khác. Họ đâu có thờ thần tài, thờ ông địa, hay quan thánh đế quân gì đâu, nhưng họ vẫn làm ăn thành công, phát tài như thường. Họ chỉ tính toán ngày giờ theo dự án, theo kế hoạch làm việc, theo khả năng chuyên môn nghề nghiệp, không cần xem bói, không coi ngày giờ tốt xấu gì cả. Còn mình đi coi, ngày lành tháng tốt, khai trương cửa tiệm, một cách rầm rộ, thờ cúng thần tài, thổ địa quan công, đủ thứ xôi chè, thuốc thơm thượng hạng, cúng rượu ngoại quốc, nhưng do không khéo, điều hành thương mại, sập tiệm như thường. Lúc đó, thần tài, thổ địa, cùng mấy ông bà thầy chùa hay thầy bói có phù phép giúp được gì đâu?
- Thưa Thầy, như vậy có nghĩa cúng lễ khai trương là không thật, không cần thiết?
- Nếu hiểu được như vậy thì hay quá, tốt quá. Thực ra việc làm ăn cần thích hợp với nhu cầu địa phương, tâm lý quần chúng, khả năng chuyên môn, tay nghề vững chắc, kinh nghiệm bản thân, kinh nghiệm quản lý, điều hành, tìm địa điểm tốt, thích hợp, tiện lợi và nhất là đạo đức căn bản.
- Kính xin Thầy nói rõ hơn.
- Căn bản là có 3 điều làm cho con người khổ đau và thất bại, trên đường đời, cũng như trên thương trường. Đó chính là: tham, sân và si.
Chẳng hạn như sau một thời gian buôn bán, khách tới đông, do lòng tham mình tăng giá bán, hoặc giảm bớt chất lượng, số lượng. Nếu khách phát hiện, khiếu nại, phê phán, mình nổi sân, phản ứng thiếu kềm chế. Do si mê kém hiểu biết nghệ thuật quảng cáo, chiêu dụ khách hàng, tiếp đãi không khéo, dần dà mất khách.
Trái lại, mình làm chủ tiệm, khách đến đông, mình giảm giá bán, tăng phẩm chất món hàng, tiếp đãi ân cần, khách hàng truyền miệng rỉ tai tốt, khách hàng càng đông hơn, doanh thu lợi nhuận càng cao hơn. Những điều này đâu liên can gì đến chuyện cúng kiến, thờ thần tài thổ địa hay dán bùa xin phép làm ăn từ mấy ông thầy chùa, mấy bà thầy bói bá xàm bá láp đâu? Phải không?
- Chân thành cảm ơn Thầy chỉ dạy rất nhiều. []
BBT.PHTQ.CANADA
SUY NGẪM
Có nhiều người không thể một sớm một chiều mà tìm được lời giải. Họ cần phải trải qua nhiều biến cố nữa trước khi thấy cái nghiệp của mình. Cho đến khi mình thấy được, hiểu được cái nhân từ đời trước, mình mới có thể giải quyết giải quyết cái quả của đời này.
Nếu một người muốn sẵn sàng tha thứ, muốn quên hận thù cũ thì người đó đã được một sự chuyển hóa tâm linh cao và có thể hóa giải được.
Nhưng nếu người nào nói ra rằng:
"Đừng nói đến chuyện tha thứ những quân dã man đó. Tôi sẽ không bao giờ tha thứ cho họ. Tôi thù ghét họ". Thì đừng tìm cách giúp họ tha thứ vì tâm họ chưa sẵn sàng.