Danh hiệu: Advanced Member
Nhóm: Registered
Gia nhập: 08-06-2014(UTC) Bài viết: 3
Cảm ơn: 2 lần Được cảm ơn: 3212 lần trong 450 bài viết
|
Dòng truyền thừa Vipasana – Như nói với tôiDòng truyền thừa Vipasana - Tứ niệm xứ
Trong phương pháp tu về thiền quán Mật chú Chuẩn Đề không hạn chế ở một cấp độ tư tưởng nào, người trí tu được, người bình thường tu được, người giàu sang chức quyền, người nghèo khổ vẫn tu được. Người ở một cấp độ tu với một phương pháp khác, muốn thể hiện cùng tu với phương pháp tu mật chú Chuẩn đề vẫn được. Như ở đây chúng ta sẽ thể hiện lại phương pháp tu về hơi thở.
Ở phương pháp tu này người hành giả tư thế ngồi thẳng lưng an tịnh hít vào biết mình hít vào, thở ra biết mình thở ra, hít vào dài hay ngắn biết hơi thở dài hay ngắn. Trong lúc thở vào thở ra đó người hành giả phải niệm thầm trong tâm của mình Úm Chiết Lệ Chủ Lệ Chuẩn Đề Ta Bà Ha. Bộ Lâm, cứ thứ tự như vậy hơi thở đều đặn, lần lần hơi thở của người hành giả sẽ nhẹ dần dần cho đến lúc hơi thở rất nhẹ. Lúc này là thân tâm của người hành giả bắt đầu an định. Ngay nơi đây hơi thở và cái biết thần chú Chuẩn đề chỉ là một. Như vậy gọi là thân tâm an định thở vào người hành giả biết thở vào, thở ra người hành giả biết thở ra, thở vào dài, ngắn người hành giả biết dài ngắn. Người hành giả cứ thực hiện như vậy, ráng cố gắng tinh tấn lên cho đến lúc nơi trong tâm ấy người hành giả thấy một cái tướng thường là một hột sáng, đốm sáng hay một vệt dài ngắn sáng…khi đến lúc này đốm sáng đó (hạt sáng) hơi thở và Úm Chiết Lệ Chủ Lệ Chuẩn Đề Ta Bà Ha. Bộ Lâm là một. Khi mỗi thời hành trì người hành giả cứ y như trên mà hành trì, nhưng ở đây có một ý niệm quí vị nên nhớ là chúng ta duyên vào hạt sáng, đốm sáng hạt sáng đó, thấy nó giữ nó bằng tâm, dính nó bằng tâm. Ngay đây trong thiền chi của thiền Nguyên Thủy gọi là “Tầm” và “Tứ” - Tức là giữ và quán trên đốm sáng đó. Ngay nơi đó tâm đã duyên nơi đó, tức là tâm thể hiện được “ Nhất tâm”. Đây cũng là một thiền chi nữa trong kinh văn thiền Nguyên thủy. Tiếp ngay nơi đó khi đã nhất tâm duyên nơi đó, tâm hành giả sẽ sinh ra “Hỷ, Lạc”. Đây là 2 thiền chi nữa. Tất cả ngay nơi tâm đó người hành giả thể hiện được 5 thiền chi: tầm, tứ, nhất tâm, hỷ, lạc. Giữ được như vậy trong những lúc hành trì người hành giả đạt được 5 thiền chi trên và ánh sáng ở hạt sáng đó sẽ sáng lên rực rỡ, sáng chói khiến tâm thanh tịnh người hành giả sẽ đạt được sơ thiền.
Trong quá trình tu học trên ở một người hành giả tu học theo thiền Nguyên thủy, thì họ không sử dụng phương pháp niệm phật, hay niệm chú. Họ chỉ một mực quán hơi thở ra vào để cuối cùng họ đạt đến tợ tướng là điểm sáng trên để đi vào chứng sơ thiền . Điểm sáng trên là hạt kalapas ( “đơn vị” phân tử nhỏ hơn nguyên tử), là một hạt căn bản để hình thành vật chất. Quí bạn phải biết đến và phải hiểu đến hạt này.
Phương pháp tu ở hành giả Nguyên Thủy là vậy. Nhưng ở đây trong pháp tu thiền quán mật chú Chuẩn đề chúng ta sẽ lấy Úm Chiết Lệ Chủ Lệ Chuẩn Đề Ta Bà Ha. Bộ Lâm để . Thứ nhất - nhờ năng lực, tha lực cũng như ngay nơi 9 chữ Phạn đó, chúng ta nhờ năng lực của chư Phật đưa, trợ giúp ta vào thiền định một cách an toàn nhanh chóng hơn, không bị lạc vào những ảo giác vọng tưởng. Thứ hai – là thần chú 9 chữ này ở bất cứ nơi đâu người hành giả vẫn niệm được, lúc đi, đứng, nằm, ngồi người hành giả vẫn hành trì như phương pháp trên. Thứ ba – là năng lực của Mật chú rất vi diệu, rất từ bi như trong kinh nói người chưa xa lìa ngũ dục vẫn thành tựu được pháp bảo. Đa số chúng ta tu ở dạng cư sĩ. Ở đây nói đến cư sĩ là một dạng hình như chưa trọn giới đức. Ý nghĩa đó tôi mạn phép chỉ tạm gợi lên như vậy. Nhưng trong thực tế, người cư sĩ có rất nhiều người tu thật tốt và ngược lại chưa chắc trong giới khác được trọn vẹn. Ở đây chỉ tạm mượn ý nghĩa trên mà nói. Tất cả chỉ nơi tâm chúng ta mà thôi. Người thấy tánh vạn pháp đều là phật đạo, người chưa thấy tánh cùng đồng cái thấy với tà kiến .
Trở lại phương pháp tu, người tu theo thiền quán Mật chú có những cái lợi ích trên. Năm 2013 tôi về quê ăn tết với gia đình. Trong cái tết đó người nhà tôi về sum họp rất đông vui. Có những đứa con, đứa cháu từ nước ngoài về. Nhưng với niềm vui đó tôi phải chia tay với gia đình. Mùng 3 tết tôi phải ra Hà nội để cùng đoàn phật tử đi sang Myanmar nhập vào khóa tu thiền Nguyên thủy 10 ngày. Mặc dù cảnh trí, tình cảm gia đình như vậy mà lòng tôi không có gì ràng buộc ở lại mà lòng rất vui khi đi nhập vào khóa thiền.
Thiền viện của Thiền sư Goenka, nó nằm tại thành phố Yangon Myanmar. Chúng tôi đến thiền viện lúc 17h hơn. Được ban tổ chức sắp xếp chỗ ở . Nam ở phân khu nam, nữ ở phân khu nữ, riêng biệt luôn cả nhà ăn. Khi chúng tôi đã sắp xếp xong thì khoảng 21h kém 15 mọi người tập chung lại đến thiền đường, nội dung buổi họp là ban tổ chức nói lên những nội qui, qui định của thiền viện. Nội qui qui định không được nói chuyên, không được kí hiệu ra dấu, phải im lặng tịnh khẩu. Có việc cần thiết phải thưa gửi đến ban tổ chức, hoặc người phụ trách. Mọi người đang từ nói chuyện, vui đùa thoải mái, nhưng khi thực tập hành thiền thì phải sống theo nội qui, qui định của thiền xá. Ở cùng phòng với tôi là anh Mai Hùng, anh lớn hơn tôi một chút, bình thường hai anh em rất thân thiết, thường hay uống trà đàm đạo với nhau. Hôm nay hai anh em ở cùng phòng, nhưng phải tuân thủ theo nếp sống thiền viện việc ai người nấy làm, xong việc thì đi ngủ theo qui định.
Tiếng kẻng vang lên lúc 4h sáng. Ồ! Sao giống kẻng trong quân trường khi xưa mình đi bộ đội. Đó, ý niệm xưa kia nó tự về, và tôi cũng đang tự nói. Tôi lại phá khẩu tâm giới mất rồi, nhưng ngay đây tôi vẫn biết, cái biết đó không bao giờ có tâm để phá…Chúng tôi mỗi người tự làm công tác vệ sinh trong im lặng âm thầm, và tất cả mọi người chúng tôi theo đúng nội qui tập hợp ở thiền đường. Nơi đây có sẵn những ký hiệu tên cũng số của mọi người tùng tọa cụ, mọi người chỉ coi theo đó mà ngồi xuống trong im lặng. Mọi người ngồi theo tư thế thiền lưng thẳng, đầu thắng, nhưng trong đó có những vị hồi nào đến giờ không có một kiến thức gì về ngồi thiền cả, họ cũng không biết sao là thiền, chỉ làm theo mọi người. Cho nên trong 10, 15 phút họ đã đau chân, đau mình, ngọ nguậy xoay trở mình mọi hướng. Khi thời gian càng lúc, càng tăng có những em nhỏ tuổi chưa biết gì, cha mẹ có lòng từ bi muốn cho con mình tốt, đưa con đến để quen dần. Những chú ấy trong thời thiền cũng đã đưa mình vào mộng bằng những điệu nhạc khò, khò, kho………..ò, rồi tiếp theo những bước chân của những người phụ giám thiền. Câu chuyện chi tiết xảy ra trong thiền đường của từng cá nhân còn rất nhiều, nhưng ở đây tạm gác lại để chúng ta tiếp tục thể hiện cái thấy, nghe, cái sống trong thiền.
Cũng trong buổi thiền sáng đầu tiên, vì ngồi thiền tư thế thiền hơi thở, ý niệm trong khi ngồi thiền nó đã quen dần theo thời gian trong tâm thức tôi rồi, và những phương pháp tu học theo nguyên thủy trên tôi đã được truyền dạy khi tôi còn ở chung với quí sư trong giáo đoàn của HT Thích Từ Huệ. Những quí sư này có những vị chuyên nghiên cứu về giáo điển kinh điển của phật giáo Nguyên thủy. Khi tôi vào chùa để học châm cứu thuốc Nam ở tại chùa, tôi được quí sư từ bi chỉ dạy rất cặn kẽ.
Vào năm 1981, 1982 ở quê tôi có di dời, cải tạo một nghĩa trang để làm trường học sân banh, khu vui chơi. Diện tích nghĩa trang rất rộng, xây dựng 2 trường học, sân banh cho nên rất nhiều mộ, trong đó có những mộ mới, những mộ cũ khi khai quật lên, hơi thối bay rất ca vì quá nhiều mộ. Trong dịp đó tôi được quí sư chỉ dạy về phép quán bất tịnh của thân, quán thi thể. Hàng ngày tôi bịt mũi đi vào khu khai quật mộ đó để xem, xác người khi mới chết bị phân hủy, bị dơ thối như thế nào. Xác chết lâu mục nát như thế nào, xem bộ xương của người như thế nào, xem da, tóc, răng, thịt mỡ hình trạng biến dạng như thế nào. Qua đó để hỏi quí sư để được giải thích trên kinh điển của Nguyên thủy.
Với những chi tiết kinh nghiệm trên trong buổi thiền đầu tiên, khoảng 15 phút sau khi ngồi tôi bất chợt nhìn thấy một vị Thầy gầy, trên đầu đội một cái nón giống như lỗ tai thỏ, mặc áo sọc lớn màu tim tím. Một vị khác nữa xuất hiện tay cầm cây gậy, thân tướng gầy, mặc đồ trắng, trên thân vị Thầy này toàn là ánh sáng, những luồng ánh sáng mang điện năng . Những người này liên tiếp đặt tay lên đầu tôi. Đặc biệt nhất là vị thân tướng tay cầm cây gậy, thân sáng trắng hướng dẫn truyền dạy, đặt tay lên đầu tôi. Khi đó thân thể tôi như có luồng ánh sáng liên tiếp truyền vào. Một lúc sau những người đó đi đâu mất. Khi đó tôi chợt nhìn thấy toàn thân tôi đều trắng, tôi giật mình nhìn sang bên cạnh, những người xung quanh thiền đường cũng trắng như vậy. Tâm tôi tĩnh lặng, hơi thở đều đặn, tiếng chú ( âm chú vang lên trong tôi Úm Chiết Lệ Chủ Lệ Chuẩn Đề Ta Bà Ha. Bộ Lâm), những ánh sáng đó bắt đầu phân ra thành từng hạt sáng trong thân tôi, cuối cùng những hạt trong thân tôi nó cũng đầy tràn trong không gian. Trong không gian đó cái biết tôi thấy từng hạt, từng hạt xoay chiều khác nhau, trong đó có những điện năng phóng ra rất nhanh gây tạo cảm xúc thọ cảm trong tâm tôi. Ngay nơi đó tôi biết là cảnh giới thiền Kasina trắng, những hạt phóng ra điện năng đó tạo thọ cảm trong thân tâm tôi. Những cái đau thương, buồn khổ, vui sướng, hỉ lạc đều có liên quan đến những hạt này, thân tâm đều liên quan đến hạt này. Sau khi hết giờ hành thiền, tâm thức tôi vẫn mang trong tâm trạng trên. Khi tôi đi ra khỏi thiền đường xung quanh sân có những hàng cây, chim hói ríu rít. Nghe tiếng chim tôi nghe với một ngôn ngữ cảm giác, cảm thọ trong tâm. Ngay nơi đó biết những chú chim đó đang trong cảm thọ hoan hỉ, đang nói điều gì, cùng tiếng thì thầm của cây lá. Ngay khi đó tôi hít thở đều đặn đi kinh hành xung quanh mới phát hiện ra những hạt sáng đó có trong không gian nơi đó, có trong tôi, có trong những con chim đó. Khi chúng chim đó kêu những hạt đó chuyển động phát ra những điện năng cực nhanh khiến những hạt trong không gian, trong cây, trong tôi, trong mọi người đều chuyển động, nên đều thọ nhận được cảm xúc đó. Từ những cảm xúc ý niệm đó sau này, những buổi hành thiền sau, tôi được chư vị thiền sư , nhất là vị thầy người gầy, mặc đồ trắng, mặc y trịch vai sang một bên, tay cầm cây gậy truyền dạy là quán biết từ đầu đến chân, từ chân đến đầu, trước sau lên xuống để xem những cảm giác đau, nhột, rát, nóng…trên cơ thể. Sau khi được truyền dạy như vậy, tôi lấy những cảm xúc, ý niệm kia tôi quán trên đầu tôi vô số hạt sáng chạy xuống khắp mọi nơi trong cơ thể, từ chân lên đầu, cứ như vậy mà quán tưởng, rồi từ những hạt trắng thành đỏ đủ màu, chúng xoay rất nhanh, bắn ra những điện năng cực nhanh, những động dụng của những điện năng đó đi vào tim vào não tôi gây ra những cảm giác đau, nhột, rát, nóng, mỏi, an lạc, vui buồn… khác nhau thật hay. Từ nơi đó tôi mới quán biết những điểm đau trên cơ thể là những hạt chuyển động xoay, bắn ra điện năng đưa về tim, não biết đau rát, chứng minh là trong thiền viện thiền sư bảo rằng quán như trên là diệt nghiệp. Khi hành giả biết như vậy sẽ chứng biết được cái thọ cảm, trong thọ cảm quán thọ trong thọ, quán biết những hạt đó biết chúng động chuyển tác động trên thân là quán thọ trên thân, quán thân trên thân. Biết những động chuyển đó tạo nên những cảm xúc vui buồn, đau, rát, khó chịu, dễ chịu để từ đó sanh ra những tâm sở , thích, không thích, vui buồn, được, mất, tôi, người, ngoài, trong. Quán biết như vậy tức là quán pháp trên tâm, quán tâm trong tâm, quán pháp trên pháp.
“ Này các Tỳ khưu, đây là con đường độc nhất đưa đến thanh tịnh cho chúng sinh, vượt khỏi sầu bi, diệt trừ khổ ưu, thành tựu chánh đạo, chứng ngộ Niết bàn. Đó là 4 niệm xứ. Thế nào là bốn? Này các Tỳ khưu, ở đây, vị Tỳ khưu. 1. Sống quán thân trong thân, nhiệt tâm, tỉnh giác chánh niệm, khi đã loại trừ tham ưu ở thế gian. 2. Sống quán thọ trong thọ, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, khi đã loại trừ tham ưu ở thế gian. 3. Sống quán tâm trong thâm, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, khi đã loại trừ tham ưu ở thế gian. 4. Sống quán pháp trong các pháp, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm khi đã loại trừ tham ưu ở thế gian. Tôi viết những ý niệm này lên đây không phải là mục đích thể hiện lên để cho mọi người biết rằng tôi đã làm được như thế, tự hào bằng lòng ngã mạn, mà viết lên đây để tri ân Phật tổ, tri ân người Thầy trong ngày đầu tiên , trong suốt khóa thiền và cho đến tận hôm nay Ngài vẫn thường về chỉ dạy cặn kẽ trong phương pháp thiền này cho Tôi, và sau này trong một sự kiện tu học Ngài có trao cho tôi cây gậy. ( Khi người Thầy trao cây gậy cho tôi, tôi có hỏi Thầy làm sao con tìm được Thầy, thì Thầy có nói. Con cứ đi tìm người Thầy có cây gậy này thì sẽ biết ta là ai) , ( một thời gian lâu sau này tôi mới tìm thấy hình tướng, danh hiệu của ngài Ledi Sayadaw sinh 1846 – mất 1923 một thiền sư lỗi lạc của Myanmar, Thiền sư Ledi Sayadaw được mọi người kính trong xem ngài như là vị thiền sư khai sáng, lập tông đưa dòng tu thiền tứ niệm xứ này đến gần được với đại phật tử , nhất là hàng cư sĩ , dòng thiền truyền thừa của ngài Goenka. Biểu tượng của sự truyền thừa được xem là cây gây ) .
Thiền sư Ledi Sagadaw
“Ledi Sayadaw trao cây gậy của mình cho U Thet và nói: "Này, học trò xuất sắc của thầy, hãy cầm lấy cây gậy của thầy và ra đi. Hãy giữ gìn nó. Thầy không trao gậy này để con được sống lâu, nhưng để làm phần thưởng cho con, để không điều gì bất hạnh xảy ra trong đời con. Con đã thành đạt rồi. Từ nay trở đi, con phải giảng dạy Dhamma về rùpa và nama (sắc và danh) cho sáu ngàn người. Giáo pháp con đã học biết thì vô tận, vì thế con hãy truyền bá sasana (giáo pháp). Con hãy thay ta làm rạng danh giáo pháp."- Trích : Thiền quán – Tiếng chuông vượt thời gian – Sayayi U Ba Khin.
Tôi nói ra điều này chắc cũng có rất nhiều người không tin, nhưng với lòng tôn kính và tri ơn chư tổ đã giảng dạy chính ngay trong tôi. Chỉ xin viết ra để nói lên điều đó. Ngày đầu tiên nơi thiền viện giờ phút linh thiêng đó tôi đã lạy xuống thành kính tri ân với tâm thành kính đã tôn ngài là thầy tổ của mình ( mặc dù khi đó tôi chưa biết thầy là ai, chỉ biết là người thầy đã truyền dạy cho mình phương pháp tu học đó). Trong bài viết này với giới hạn của nó, tôi không nói lên được sự thâm sâu của pháp tu này. Trong những bài viết khác lần lượt sẽ viết lên. Đây không phải là bài giảng dạy, nó chỉ thể hiện lên trong tâm thức “ pháp trong pháp, tâm trong tâm” thôi. Mong quí đạo tâm đừng bận tâm. Tất cả đều vô thường cho đến lúc không còn là vô thường nữa.
Úm Chiết Lệ Chủ Lệ Chuẩn Đề Ta Bà Ha. Bộ Lâm.
Còn nữa………………..
Cư sĩ: Lê Thanh Hùng Pháp hiệu: Thích Chánh Trí Tông mật hiệu: Kim Cang Kiết Tường
Sửa bởi quản trị viên 28/01/2017 lúc 03:03:54(UTC)
| Lý do: Chưa rõ |